Nam Đàn chống hạn cứu lúa, cứu màu

09/05/2012 17:06

(Baonghean.vn) - Do nắng nóng kéo dài, nhiệt độ lên tới 38-390c đã gây hạn cục bộ ở huyện Nam Đàn. Toàn huyện có 663 ha lúa thời kỳ làm đòng, trổ bông đang khô hạn; 970 ha hoa màu (chủ yếu ngô và lạc) bị cháy vàng không thể khôi phục được... Trước thực trạng trên, Nam Đàn đã triển khai nhiều biện pháp để chống hạn cứu lúa cứu màu .

(Baonghean.vn) - Do nắng nóng kéo dài, nhiệt độ lên tới 38-390c đã gây hạn cục bộ ở huyện Nam Đàn. Toàn huyện có 663 ha lúa thời kỳ làm đòng, trổ bông đang khô hạn; 970 ha hoa màu (chủ yếu ngô và lạc) bị cháy vàng không thể khôi phục được... Trước thực trạng trên, Nam Đàn đã triển khai nhiều biện pháp để chống hạn cứu lúa cứu màu .

Đã 10h trưa, trên đồng Đồ Đia, bà con nông dân xóm 2 xã Nam Thượng (Nam Đàn) vẫn không ngừng nghỉ để đưa nước vào ruộng. Mực nước sông Lam đã cạn thấp, ai cũng phải tranh thủ bơm nước cứu lấy ruộng của mình.



Máy bơm mi ni, máy bơm dã chiến vận cùng vận hành đưa nước vào đồng
ở Nam Đàn.

Vụ xuân năm nay, xã Nam Thượng gieo cấy 104 ha lúa, 140 ha lạc và 120 ha ngô. Do tình trạng nắng hạn kéo dài đã khiến hầu hết diện tích ngô, lạc vùng bãi, vùng đất pha cát cháy vàng, trong giai đoạn ngô đang trổ cờ phun râu, lạc đâm ngó ra củ nhưng không có mưa nên cây thấp còi, kém phát triển. Ông Nguyễn văn Thăng, Chủ nhiệm HTX CPDV Nông nghiệp xã Nam Thượng cho biết: Tính đến thời điểm này toàn xã đã có 20 ha lạc, 40 ha ngô mất trắng do cháy vàng; số diện tích còn lại tuy được hồi phục xanh trở lại do có trận mưa tối ngày 7/5 vừa qua nhưng cũng không cứu vãn được năng suất...

Hiện tại hơn 100 ha lúa của Nam Thượng dùng nước sông Lam vẫn đảm bảo trong giai đoạn làm đòng, trổ bông phơi mao là do xã có 2,5 km kênh tưới lúa thuộc Dự án xây dựng Trạm bơm HTX Đại Đồng (Nhà nước hỗ trợ 70 % kinh phí cho những xã chưa có trạm bơm) đã hoàn thành trước vụ xuân 2012. Còn 2km mương tưới màu theo kế hoạch cũng phải hoàn thành trước vụ xuân 2012, nhưng nhà thầu mới chỉ làm được gần 1km đã "chạy làng" từ hơn 4 tháng nay, không thấy quay lại thi công tiếp. Nên tuyến mương dẫn này có một nửa cũng như không.



Tuyến mương tưới màu (ở xã Nam Thượng- Nam Đàn) do Công ty TNHH Thanh Bình thi công đã bỏ dở từ đầu năm 2012 đến nay.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến hầu hết diện tích ngô, lạc vùng bãi, vùng đồng (tập trung chủ yếu ở các xóm 1, 2, 3) bị cháy vàng; nhiều gia đình mất trắng, phải nhổ cây khô về cho trâu, bò ăn, như gia đình anh Phan Hữu Công mất 1 mẫu lạc; anh Phạm Đình Hải mất hơn 1 mẫu ngô; anh Phan Văn Phượng mất 8 sào ngô. Còn những hộ mất dăm ba thước thì khá nhiều.

Trước diễn biến của thời tiết như hiện nay, UBND xã Nam Thượng đã thành lập Ban chống hạn, chia thành nhiều tổ thường xuyên đi kiểm tra ruộng đồng; phân công cán bộ chuyên môn xuống từng thôn xóm bám sát đồng ruộng cùng bà con chống hạn. Tập trung huy động bà con nạo vét kênh mương đảm bảo lưu thông dòng chảy; huy động tối đa máy bơm mini trong nhân dân để phục vụ việc chống hạn cho 3 xóm vùng bãi… Khó khăn lớn nhất trong công tác chống hạn ở Nam Thượng hiện nay là hầu hết những cánh đồng đều phụ thuộc vào nguồn nước tưới tự nhiên. Xã chỉ có 1 hồ đập Trộ Danh cung cấp được cho trên 20 ha của vùng đồng Cút Sắt, vùng Gáo, Đồ Đia và vùng bãi Soi. Những diện tích sản xuất còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước sông Lam, nếu những ngày tới trời tiếp tục nắng nóng, không có mưa thì năng suất cây trồng vụ xuân sẽ sụt giảm, nhất là diện tích cây lúa sẽ bị khô hạn - Ông Nguyễn văn Thăng cho biết thêm.

Theo báo cáo nhanh của Phòng Nông nghiệp huyện, vụ xuân 2012 Nam Đàn gieo cấy 6.700 ha lúa, 1.800ha lạc, 1.200 ha ngô... Tính đến ngày 09/5, trên địa bàn huyện tổng diện tích lúa và cây hoa màu khó khăn về nước tưới là hơn 1.000 ha, trong đó có 380 ha lúa đang trong tình trạng khô hạn trầm trọng, mộ số trà lúa đã đổi màu, 994 ha ngô, lạc đã bị cháy vàng; tập trung ở các xã xã có vùng màu đồi và vùng đất bãi, như: xã Nam Thái (100 ha), Nam Nghĩa (110 ha), Nam Thanh (150 ha), Nam Tân (100 ha), Nam Lộc (80 ha)... Đây là những xã bị hạn nặng khó khắc phục do không có nguồn nước tưới.

Ông Đinh Xuân Quế, Phó Chủ tịch huyện Nam Đàn cho biết: Hiện những diện tích lúa bị hạn chủ yếu thuộc vùng trạm bơm vì mực nước sông thấp, cộng với điện áp không đảm bảo (chập chờn lúc mạnh lúc yếu) nên không đủ công suất để bơm; vùng hồ đập chưa hạn lắm vì mực nước chưa đến nỗi cạn kiệt... Để ứng phó với tình trạng nắng hạn có thể kéo dài, huyện tập trung chỉ đạo: Đối với hệ thống trạm bơm, nơi có thể tác động được từ nguồn điện, Phòng Nông nghiệp huyện phối hợp với ngành điện lực, xã chịu trách nhiệm xoát sét phải tất cả các trạm biến thế vừa phục vụ cho sinh hoạt vừa phục vụ bơm nước; nếu vào giờ cao điểm xã phải báo với ngành điện tiết giảm điện sinh hoạt, ưu tiên cho điện bơm tưới. Đồng thời chỉ đạo bà con nạo vét kênh dẫn, tranh thủ lúc nước triều để bơm; đào sâu hạ thấp máy, kéo dài ống hút, huy động tối đa các máy bơm dã chiến để bơm nước trực tiếp vào diện tích lúa bị hạn và có nguy cơ bị hạn cao. Đối với vùng hồ đập, dùng phương án bơm để đảm bảo cho lúa trổ an toàn; tập trung ưu tiên những trà lúa đang trổ, chắc xanh để đảm bảo năng suất và sản lượng...

Đến thời điểm này huyện bằng mọi giá giữ cho lúa xuân không bị cháy hạn, nhưng nếu trong thời gian tới không có mưa tiểu mãn thì tình hình hạn sẽ xảy ra căng thẳng trên diện rộng, diện tích lúa trổ bị thiếu nước sẽ tăng lên và đến vụ hè thu cũng rất khó khăn trong việc điều tiết nước tưới.


Ngọc Anh