Cho lòng đất bình yên
(Baonghean) - Không thống kê nổi còn bao nhiêu bom, đạn, mìn, vật nổ nằm sâu trong lòng đất! Suốt mấy chục năm qua, trên những cánh đồng, công trường, xưởng máy, những tiếng bom, mìn vẫn đôi khi đột ngột dội lên càng xoáy sâu vào nỗi đau thời hậu chiến. Mới đây, một quả bom lại phát nổ trên công trường xây dựng Cầu Cấm, càng cho ta thấy nỗi đau bom, mìn đang hiện hữu. Trong suốt mấy chục năm ấy, bộ đội công binh – lực lượng nòng cốt dò phá bom, mìn vẫn tiếp tục công việc lặng thầm, đầy nguy hiểm để trả lại bình yên cho từng mét vuông đất.
Nỗi đau còn lại...
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, quân đội Mỹ đã sử dụng những vũ khí hiện đại và có sức hủy diệt lớn nhất: 29 loại bom phá, 13 loại bom sát thương, 10 loại bom chờ nổ, 25 kiểu đầu nổ cơ học, 20 kiểu đầu nổ điện tử, hoá học, bán dẫn. Nhiều loại vũ khí điều khiển tự dẫn xuất hiện, sử dụng trên quy mô lớn như: vô tuyến, ra đa thụ động và hồng ngoại, vô tuyến truyền hình, la-de... nhằm phong toả các trục đường giao thông, đường sông, cảng biển trong thời gian dài.
Theo báo cáo “Điều tra, khảo sát và đánh giá tác động của sự ô nhiễm bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam” do BOMICEN và Quỹ Cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam tiến hành từ năm 2004 đến 2008, thì tại Nghệ An tất cả các loại đất đều bị ô nhiễm, trong đó đất ở, đất thổ cư bị ô nhiễm nhiều nhất chiếm 99,9%, kế đến là đất nông nghiệp 97,3%... Những số liệu đã cho thấy người dân tỉnh ta đã và đang sống, làm việc trên bom, mìn!
Từ năm 1975 đến nay, cả nước đã có 1.237 người chết cùng 1.147 người bị thương do bom, mìn sót lại. Tại tỉnh ta, cũng đã có nhiều vụ thương vong do các loại bom, mìn mà Mỹ đã thả xuống trong thời gian chiến tranh, điển hình như: Năm 1999, tại Trường Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn đã xảy ra 1 vụ nổ bom bi làm chết 6 học sinh; năm 2002, tại đại lý sắt vụn ở xã Nghi Ân huyện Nghi Lộc, bom nổ đã làm chết 1 người; năm 2005, tại công trình Nhà máy tinh bột sắn huyện Yên Thành, bom bi nổ gây thiệt hại về phương tiện; năm 2007, tại xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn một đầu đạn B41 đã phát nổ làm chết anh Lô Văn Thương và 2 con là Lô Văn Phương và Lô Văn Phong. Cùng năm, tại phường Lê Mao (Tp.Vinh), môt quả bom bi đã phát nổ làm chết 01 học sinh cấp 2. Và mới đây, vào ngày 10/4 tại khu vực cầu Cấm, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc trong khi chiếc máy san gạt thuộc Công ty đầu tư xây dựng Trường Sơn đang thi công móng cầu Cấm mới thì 1 quả bom thời chiến còn sót lại nằm dưới lòng đất đã phát nổ tại gần sát chiếc máy đang thi công. Sức công phá của vụ nổ làm vùi lấp một phần chiếc máy san gạt, khiến công nhân điều khiển Nguyễn Văn Hùng bị vùi lấp, nhưng rất may, anh Hùng không bị chấn thương. Đất đá văng ra đã làm anh Trần Văn Sơn và anh Nguyễn Công Nhân đang làm việc cách đó 5 mét bị thương, riêng anh Nhân bị thương nặng... Tất cả những nỗi đau nói trên, đều có chung kẻ thủ ác là bom đạn còn sót lại của kẻ thù.
Bộ đội công binh đang xử lý bom mìn, vật liệu nổ trên tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn đi qua huyện Tân Kỳ). Ảnh: Trần Hoài (Báo QĐND)
Hiện nay, bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh đã gây ra tác động lớn đến tâm lý, đến kinh tế-xã hội, đã hiển hiện từng ngày, từng giờ đến từng người dân Nghệ An nói chung: đối với những người lớn tuổi, đã qua chiến tranh, đã biết đau thương, mất mát thì bom, mìn, vật nổ còn sót lại gây ra tâm lý luôn lo lắng cho con, cháu, cho lớp trẻ là thế hệ tương lai của đất nước. Lớp trẻ chưa tưởng tượng nổi cảnh bom rơi, đạn nổ, không biết khu vực nào còn sót lại nhiều bom đạn nên không có sự đề phòng, thậm chí coi thường, chơi nghịch, cưa cắt lấy phế liệu với mục đích thiển cận là kiếm tiền và chính đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra nhiều tai nạn… Về kinh tế, bom, mìn làm nhiều diện tích đất đai phải bỏ hoang, trên đồng đất của vùng gò đồi và miền núi bị ô nhiễm và ô nhiễm nặng nề bởi bom, mìn, vật nổ, nhiều khu vực người dân không dám canh tác. Khi lao động, người dân không dám tự do cày cuốc, cải tạo đất đai vì sợ gặp phải bom, mìn nên đã làm cho đất nhiều vùng của tỉnh vốn đã xấu ngày càng bạc màu hơn. Trong chăn nuôi nhiều nơi trâu, bò vẫn thường bị chết do dẫm phải bom bi, mìn gây hậu quả nghiêm trọng cho từng gia đình, trong lúc một con trâu hay bò là một khối tài sản có giá trị lớn, nhiều khi là cả một cơ nghiệp đối với mỗi hộ nông dân. Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường, san lấp mặt bằng đã rất nhiều trường hợp gặp phải bom, mìn, vật nổ.
Chung tay khắc phục hậu quả bom, mìn
Hàng năm, trung bình có khoảng hơn 200 quả bom đạn các loại chưa nổ đã được các cơ quan chức năng rà phá thành công. Tính từ năm 2005 đến nay, lực lượng công binh của tỉnh Nghệ An đã tiến hành xử lý an toàn hơn 640 quả bom bi, bom phá các loại trên địa bàn Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò, Thị xã Thái Hòa, huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn, Diễn Châu, Đô Lương, Thanh Chương, Anh Sơn, Quỳnh Lưu, Con Cuông và Nghi Lộc.
Để trả lại mặt đất Nghệ An sau chiến tranh, từ năm 1978 đến nay, chiến sỹ công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã không ngừng thực hiện việc rà phá bom, mìn các loại: Trên những đồi núi, che lấp bởi cây cối, ở những lòng sông, lạch cảng và cả những nơi không ai ngờ tới đều đã in dấu chân người chiến sỹ công binh. Tính chất công việc nguy hiểm, hàng ngày hàng giờ các chiến sỹ thường xuyên bám sát địa bàn, cần mẫn, lặng thầm làm việc với tinh thần khoa học cao độ. Với chiếc máy dò bom Vanon của CHLB Đức, bộ đội công binh rà từng cm2. Dẫu được đào tạo, huấn luyện thường xuyên cũng như có nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm nhưng mỗi lần phát hiện, phá dỡ bom, mìn là mỗi lần chiến sỹ công binh phải đối mặt và đứng trên chính lằn ranh sinh tử. Năm 2002, đã từng có chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên địa bàn Nghi Lộc thì bị bom nổ, dẫn đến thương tích nghiêm trọng…Tuy vậy, trong tâm thức các chiến sỹ công binh vẫn không hề sờn lòng thoái chí bởi nhận thức rõ sự đe dọa của bom mìn đối với đời sống nhân dân.
Mặc dù tỉnh ta đã tổ chức nhiều đợt rà phá bom, mìn, vật nổ còn sót lại nhưng với mức độ ô nhiễm quá lớn, diện tích được giải phóng sạch bom, mìn, vật nổ vẫn chưa được nhiều, mới chỉ giải quyết được một phần nổi để phục vụ dân sinh và phát triển. Theo Đại tá Bùi Hoài Thanh (Chính ủy Bộ CHQS tỉnh), xác định rõ rà phá bom, mìn rất tốn kém về kinh phí cũng như nguy hiểm đối với người thực hiện, nhưng đây là việc bức thiết nên hiện tỉnh ta đang tập trung triển khai công tác rà phá hết bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại vùng gò đồi và miền núi nhằm bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân cũng như thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế-xã hội với việc mở rộng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, xây dựng khu dân cư mới, các công trình phúc lợi phục vụ đồng bào các dân tộc, xây dựng cơ sở hạ tầng…Thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh của Chính phủ, vừa qua Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã xây dựng Dự án rà phá bom, mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn và đã được tỉnh và các cơ quan chức năng, bộ, ngành phê duyệt. Cùng với đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã tổ chức hội nghị chuyên ngành cho các huyện, thị, thành và các lực lượng đóng quân trên địa bàn, giao nhiệm vụ cho lực lượng công binh của tỉnh. Tuy lực lượng còn mỏng, các chiến sỹ đã chịu khó rèn luyện, học tập, năng nổ đi đến ngõ ngách, thôn xóm, bản làng, những vùng trọng điểm để nghiên cứu. Đề xuất kế hoạch cho tỉnh, Quân khu, và Bộ Quốc phòng, Chính phủ để từ đó tạo điều kiện cho Nghệ An thực hiện chương trình này.
Đại tá Bùi Hoài Thanh cho biết thêm: “Qua các cuộc kháng chiến chống lại kẻ thù, Nghệ An là một trong những địa bàn trọng điểm, là vùng đất thường xuyên bị bắn phá ác liệt và chịu nhiều thiệt hại nhất. Có thể kể: Bến Thủy, Truông Bồn, Truông Băng, Núi Két… Chính với địa bàn thật sự chiến lược, địch đã tiến hành đánh phá địa bàn chiến lược và đánh phá cả ý chí cách mạng của người dân. Hiện nay, số lượng bom mìn vẫn nằm lại trong lòng đất rất nhiều. Lực lượng công binh của quân đội, quân khu có nhiều cố gắng, nhưng không thể giải quyết được hết thực trạng bom, mìn, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình. Bởi vậy, Chính phủ đã có Chương trình 504 để thực hiện giải phá bom mìn trong những năm tiếp theo để đảm bảo cho an sinh xã hội, phát triển kinh tế”.
Đây là dự án được thực hiện từ nguồn vốn đầu tư có mục tiêu hàng năm của Chính phủ, với tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng. Theo đó, từ nay đến năm 2015, lực lượng Công binh chuyên trách của Quân khu 4, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An phối hợp với lực lượng của Trung tâm công nghệ xử lý bom, mìn, Bộ Tư lệnh Công binh và một số đơn vị tổ chức tiến hành dò tìm, xử lý sạch các loại bom, mìn, vật nổ và các loại mảnh bom đạn còn sót lại sau chiến tranh trên diện tích 30.000 ha được lựa chọn tại 16 huyện thuộc tỉnh Nghệ An, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về bom, mìn, vật nổ cho phục vụ sản xuất nông nghiệp, thi công xây dựng khu dân cư và các hạng mục công trình khác, bao gồm: Thành phố Vinh, Thị xã Thái Hoà và các huyện Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Anh Sơn, Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Thanh Chương, Nghi Lộc, Nam Đàn, Hưng Nguyên và Quế Phong.
Dự án khi hoàn thành sẽ giúp đưa vào sử dụng hàng chục nghìn ha đất an toàn, phục vụ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế, xã hội nhằm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá trong khu vực.
Trần Hải-Thành Chung