Quế Phong- Những thành tích đáng tự hào

06/03/2012 16:23

(Baonghean) - Ngày 12/4/1966, Bác Hồ thân ái gửi thư cho đồng bào các dân tộc huyện Quế Phong. Bức thư có đoạn: "... Bác mong rằng, đồng bào và cán bộ huyện nhà ra sức thi đua đạt nhiều thành tích trong tăng gia sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và tiếp tục học tập để tiến bộ hơn nữa..". Thực hiện mong muốn của Người, trong nhiều năm qua, cán bộ và nhân dân huyện Quế Phong đã đoàn kết, không ngừng ra sức thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng - an ninh. Đặc biệt trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo hiện nay, Quế Phong đã có nhiều bước tiến đáng kể.

Những năm trước, tuy nằm ở vị trí trung tâm của huyện Quế Phong, nhưng Châu Kim vẫn là một xã khó khăn về nhiều mặt. Song thời gian gần đây, nhờ thực hiện tốt các đề án phát triển kinh tế lớn của huyện, đời sống của người dân và bộ mặt nông thôn đã từng ngày thay đổi. Cơ sở hạ tầng nội xã, giao thông thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp được Châu Kim xây dựng khang trang. Ruộng đồng, nương rẫy ngoài hai vụ lúa, vụ ngô đã được bà con tận dụng trồng các loại rau màu như: cải ngọt, cải bẹ, su hào, cải bắp. Được biết, trừ chi phí mỗi hộ ở bản Chổi, bản Muồng cũng được4 - 5 triệu đồng/vụ. Xã có nhiều mô hình chăn nuôi cho thu nhập khá cao như: nuôi dê, hươu, trâu, bò lai sind, vịt bầu,tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa trên 10.000 con. Việc phát triển trồng rừng cũng đã cho hiệu quả tốt.



Hợp tác xã dich vụ nông nghiệp xã Châu Kim.


Bà Vi Thị Thúy, Chủ tịch UBND xã Châu Kim cho hay: "Xã đã và đang chỉ đạo bà con nhân phát triển kinh tế qua việc thực hiện các mô hình trồng lạc, trồng nấm, nuôi gà đen và lợn nái sinh sản; thực hiện đề án của huyện, xã tổ chức cho bà con đi tham quan, học tập kinh nghiệm và đi vào sản xuất có hiệu quả. Đặc biệt, xã thành lập một hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, bước đầu đi vào sản xuất phân bón nén và cung cấp gà giống, tạo việc làm, thu nhập cho các xã viên. Hiện toàn xã đã không còn hộ đói.


Không riêng gì Châu Kim mà nhiều xã, bản khác trong huyện cũng đã có nhiều tiến bộ với những tín hiệu đáng mừng. Xã Quế Sơn là một xã mới thành lập hơn 8 năm nay, thời kỳ đầu mới thành lập, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm gần 65%, nhưng nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn chiếm chưa đầy 35%. Ở Quế Sơn, các hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên thành lập các "Tổ vay vốn và tiết kiệm", qua đó có hơn 700/838 hộ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi. Riêng năm 2011, xã giảm tỷ lệ hộ nghèo được 12%.

Tại xã Tri Lễ, chanh leo đang là cây giúp bà con thoát nghèo. Bằng các nguồn vốn khác nhau, năm 2011, Tri Lễ trồng mới được thêm 4 ha. Đầu ra đã có Nhà máy Chế biến dứa cô đặc cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên bà con yên tâm sản xuất. Với giá bán như hiện nay, năm đầu tiên, mỗi ha cho thu nhập 320 triệu đồng sau khi hoàn thành dự án, chỉ riêng chanh leo mỗi năm nông dân Tri Lễ thu về khoảng 256 tỷ đồng. Tại xã Thông Thụ, Dự án Phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững cũng đã đi vào giai đoạn triển khai đại trà. Trong thời gian tới, nhất là sau khi Thuỷ điện Hủa Na tích nước vùng lòng hồ, xã Thông Thụ sẽ phát triển từ 26 lồng lên tới 48 lồng; tương tự, tại 2 xã Mường Nọc và Tiền Phong huyện Quế Phong đã đưa vào trồng thí điểm các loại cây có giá trị cao như ớt Hàn Quốc, ngô...


Nhờ những mô hình kinh tế hiệu quả nên giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 10,10%. Chăn nuôi được đẩy mạnh, nghề rừng tăng trưởng khá, đã trồng được 2.372 ha rừng tập trung, 190,2 ha rừng phân tán, đưa độ che phủ rừng lên trên 75%. Mô hình kinh tế trang trại nông, lâm, thuỷ sản kết hợp tăng nhanh theo từng năm, đến nay toàn huyện có 127 trang trại. Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đầu tư xây dựng, dịch vụ chuyển biến rõ nét; tổng thu ngân sách trên địa bàn hàng năm đều tăng ở mức trên 150%... Năm 2011, tổng giá trị gia tăng của huyện đạt 302,3 tỷ đồng.


Ông Lữ Đình Thi - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho rằng: Những kết quả đạt được của huyện Quế Phong trong thời qua tuy chưa thật nổi bật so với mặt bằng chung, nhưng với xuất phát điểm là một huyện miền núi, biên giới có nhiều khó khăn, đó quả là những thành tích đáng tự hào, ghi dấu ấn cố gắng phấn đấu rõ nét của Đảng bộ và nhân dân trong huyện. Thực hiện những điều sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn, mỗi người dân Quế Phong hiện đang ra sức lao động, dựng xây.

Trong đó, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của huyện nhà là thực hiện thành công Chương trình XD nông thôn mới; thực hiện 7 giải pháp trọng tâm để phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 11 - 12%, tăng tính hiệu quả và bền vững ở các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nhằm đảm bảo vững chắc cho việc nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân; nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hoá, xã hội; tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.


T.C