Thiết lập mặt bằng lãi suất mới: Giảm áp lực cho doanh nghiệp

06/03/2012 16:35

(Baonghean) - Sau một thời gian dài căng thẳng về lãi suất cao ngất ngưởng gây khó khăn, đình trệ cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế, những tháng đầu năm 2012 này, tín hiệu vui đã đến với doanh nghiệp và người dân khi các ngân hàng lớn lần lượt công bố hạ lãi suất cho vay...

(Baonghean) - Sau một thời gian dài căng thẳng về lãi suất cao ngất ngưởng gây khó khăn, đình trệ cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế, những tháng đầu năm 2012 này, tín hiệu vui đã đến với doanh nghiệp và người dân khi các ngân hàng lớn lần lượt công bố hạ lãi suất cho vay...


Ngày
20/2/2012, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Chi nhánh Vinh đã ban hành Quyết định số 106 về việc điều chỉnh lãi suất cho vay VNĐ. Theo đó, lãi suất cho vay thông thường ngắn hạn: 17%/năm, trung dài hạn 18,5%/năm. Lãi suất cho vay ưu đãi ngắn hạn đối với nông nghiệp nông thôn (bao gồm gia đình): 15,5%, cho vay xuất khẩu: 15,5%/năm; riêng xuất khẩu với điều kiện thanh toán qua Ngân hàng Ngoại thương: 14,5%/năm. Cho vay trung, dài hạn: 17,6%/năm. Lãi suất cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống: 17%/năm...



Doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất ngân hàng tiếp tục hạ sâu hơn nữa.

Bà Lê Thị Huệ Anh - Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Chi nhánh Vinh cho biết: Hiện tổng dư nợ của chi nhánh trên 2.000 tỷ đồng thì tất cả đều được hưởng hạ lãi suất do chi nhánh áp dụng theo cơ chế lãi suất thả nổi, với các mức lãi suất cho vay từ 14,5 - 18,5%/năm. Nhờ có nguồn vốn huy động dồi dào trên 3.827 tỷ đồng, chúng tôi mới đảm bảo được nguồn cung vốn với lãi suất thấp cho tất cả mọi đối tượng. Đó là điều không phải ngân hàng nào cũng làm được, nhất là trong thời điểm nhiều ngân hàng đang gặp khó khăn về thanh khoản như hiện nay.


Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Việt Nam về quy định lãi suất cho vay VNĐ, ngày 22/2/2012, Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo tất cả các chi nhánh loại 3 trên địa bàn tỉnh xem xét trên cơ sở khung lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam quy định, đồng thời căn cứ vào mức độ tín nhiệm, tiềm lực của khách hàng để áp dụng lãi suất phù hợp với mọi đối tượng, từ 15,5% - 21,5%. Theo đó, khách hàng xếp loại A theo tiêu chí xếp loại khách hàng quy định của Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam sẽ được vay với lãi suất ưu đãi nhất. Khách hàng xếp loại B,C; khách hàng có mức độ tín nhiệm thấp, có độ rủi ro cao áp dụng lãi suất cao hơn khách hàng xếp loại A.


Ông Phan Hoàng Vượng - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Nghệ An cho biết: Hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp niêm yết công khai lãi suất cho vay đối với từng đối tượng khách hàng nhằm đảm bảo quyền lợi và chính sách khách hàng của ngân hàng, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nghiêm túc cho vay đúng lãi suất quy định. Việc giảm lãi suất cho vay là sự chia sẻ lợi ích tài chính của Ngân hàng Nông nghiệp với khách hàng truyền thống chủ yếu là các hộ sản xuất, doanh nghiệp ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho các đơn vị này tiếp cận nguồn vốn vay. Để thực hiện cho vay có hiệu quả, Ngân hàng Nông nghiệp Chi nhánh Nghệ An đã xây dựng các chương trình cho vay cụ thể theo từng chương trình sản xuất kinh doanh của từng lĩnh vực, cây, con, vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hoá.


Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Chi nhánh Nghệ An là đơn vị luôn đi đầu thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngay từ đầu tháng 2/2012, hệ thống Ngân hàng Đầu tư đã thực hiện hạ lãi suất cho vay, với khách hàng xuất nhập khẩu 15,5%/năm, khách hàng thuộc nhóm doanh nghiệp xếp loại tốt 17%/năm (ngắn hạn), và 17,5%/năm (trung dài hạn), khách hàng vay sản xuất 17,5%/năm, tiêu dùng 18- 19%/năm... Đến thời điểm hiện nay, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Nghệ An có tổng dư nợ 2.700 tỷ đồng, trong đó chủ yếu khách hàng doanh nghiệp và tư nhân cá thể kinh doanh, khách hàng tiêu dùng chỉ có 3 - 4%. Đa số khách hàng được vay vốn từ 17- 17,5%/năm.


Ông Bùi Thành Chung - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư hợp tác kinh tế Việt Lào chia sẻ: "Lãi suất ngân hàng hạ là tín hiệu vui cho doanh nghiệp, bởi hầu hết các doanh nghiệp đều phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh. Là một đơn vị chuyên xuất nhập khẩu và kinh doanh nội địa, thường xuyên cần một lượng vốn lớn nên vấn đề lãi suất ảnh hưởng đến sức cạnh tranh.

Trong quý I và quý II năm 2011 vừa qua, riêng tiền chi trả lãi suất vốn vay ngân hàng của công ty bình quân mỗi tháng hết 1,1 tỷ đồng, khiến chúng tôi vô cùng lao đao. Như thời điểm tháng 8, tháng 9 năm 2011, công ty vay Ngân hàng Thương mại Nhà nước lãi suất 19,5%/năm, Ngân hàng Thương mại cổ phần 21%/năm. Nay lãi suất vay xuất khẩu 16,5%/năm, vay kinh doanh nội địa 17,5%/năm, như vậy đã giảm được 2% - 3%/năm. Tuy lãi suất hạ so với thời điểm trước, nhưng với mức 16,5%, 17,5%/năm vẫn còn cao đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, chúng tôi mong lãi suất tiếp tục giảm sâu hơn nữa thì mới xoay trở được".


Ông Thái Đại Phong - Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong bộc bạch: "Mức lãi suất tiền vay 16%/năm là vẫn còn cao đối với doanh nghiệp. Chi phí đầu vào cao nhưng doanh nghiệp không thể đẩy kết cấu giá thành sản phẩm lên cao được, vì kết cấu giá hàng hoá cao sẽ rất khó cạnh tranh thị trường, hàng không tiêu thụ được, ứ đọng, tồn kho, càng khó khăn hơn cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào kết cấu mức lãi 10% - 15% thì chỉ đủ bù lãi suất, còn nếu cơ cấu mức lãi 5% có nghĩa là lỗ. Theo tôi lãi suất ngân hàng giảm xuống dưới 10% thì doanh nghiệp làm ăn mới có lãi".


Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) Vinh cũng đã nhập cuộc hạ lãi suất cho vay đối với khách hàng, với lãi suất thấp hơn bình quân 1,5%/năm so với thông thường. Đây cũng là ngân hàng TMCP đầu tiên công bố giảm lãi suất. Như vậy, tuy mới bước đầu trong lộ trình giảm lãi suất của các ngân hàng nhưng đã tạo được tín hiệu khả quan cho doanh nghiệp và nền kinh tế, tiến tới sẽ thực hiện giảm lãi suất sâu hơn nữa theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Một mặt bằng lãi suất mới đang hình thành ngày càng rõ nét, hy vọng ngày càng giảm được áp lực về lãi suất đối với doanh nghiệp, có như vậy mới tăng năng lực cạnh tranh của hàng hoá Việt, tạo giá trị lợi nhuận bền vững, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển ổn định.


Quỳnh Lan