Từ chuyện học sinh tự tử: Hãy dạy người lớn trước khi dạy trẻ

04/04/2012 17:59

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Chúng ta đang thừa kiến thức hàn lâm mà lại thiếu thực tiễn sinh động trong việc dạy trẻ…

“Hãy trả lại tuổi thơ cho trẻ”

“Cô ơi, cháu thật là vô tích sự, cháu muốn bỏ nhà ra đi…” – đây là một cuộc điện thoại gọi đến đường dây tư vấn của Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới (CSAGA). Khi được chuyên gia tư vấn chia sẻ, từ đầu dây bên kia, cô bé cho biết là cháu học lớp 4, hôm nay chỉ vì nấu cơm không bật nút “đỏ”, nên bị bố mắng, cho rằng đã 10 tuổi đầu rồi mà mỗi việc cỏn con cũng làm “không nên hồn”.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA chia sẻ câu chuyện trên với phóng viên VOV và cho biết, tỷ lệ thanh thiếu niên gọi đến đường dây tư vấn của CSAGA chiếm khoảng 75% tổng cuộc gọi đến với nhiều vấn đề cần được tư vấn hỗ trợ. “Chỉ cần một hành vi nhỏ của trẻ, nếu không được tháo gỡ kịp thời từ phía người lớn có trách nhiệm, có thể dẫn tới hậu quả lớn, thậm chí trẻ sẵn sàng tìm đến cái chết”, bà Vân Anh cho biết.



Bà Nguyễn Vân Anh (phải), TS. Nguyễn Tùng Lâm trong cuộc trao đổi với Chương trình Các vấn đề xã hội (VOV2)

Trước những vụ tự tử của học sinh gây bàng hoàng dư luận thời gian gần đây, bà Vân Anh cho rằng, nếu như ở các nước, hiện tượng tự tử đã trở thành vấn đề mang tính quốc gia vì đây là một trong 10 nguyên nhân gây ra những cái chết cho con người trên thế giới, thì ở nước ta, vấn đề này gần như bỏ ngỏ. Đã đến lúc xã hội phải nhìn thẳng vào sự thật, khi việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử trước các hiện tượng – vốn đang rất phức tạp – của xã hội, giáo dục lý tưởng cho trẻ… chưa thức sự được xã hội coi trọng.

“Khi trẻ không nắm được hướng giải quyết cơ bản, mà đối với người lớn là chuyện bình thường, thì với sự bồng bột, ngây thơ, trẻ sẽ bế tắc và tìm đến cách giải quyết tiêu cực”, bà Vân Anh nói.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, chúng ta đang “thừa” nhiều và “thiếu” cũng rất nhiều. “Thừa” chính là những kiến thức mang tính hàn lâm mà nhà trường đang cố nhồi nhét cho các em, trong khi lại “thiếu” thực tiễn sinh động đang diễn ra hàng ngày. “Thầy, trò vẫn gò lưng ra học những kiến thức đã lỗi thời, không mang tính ứng dụng, trong khi chúng ta lại thiếu sự lắng nghe, chia sẻ, tôn trọng trẻ; thiếu quỹ thời gian để cho trẻ trải nghiệm cuộc sống từ nhiều nguồn, nhất là từ thực tế, thiên nhiên, cỏ cây hoa lá…”, TS. Lâm chia sẻ.

Các chuyên gia cũng cho rằng, yếu tố gia đình, nhà trường, xã hội cũng gây áp lực lớn đối với các em. Thực tế tại nhiều thành phố lớn cho thấy, trẻ em suốt ngày “quay cuồng” với học, không còn thời gian để giải trí, thư giãn với những trò chơi trí tuệ, lành mạnh. Nhiều bậc cha mẹ mải kiếm tiền, không có thời gian để chăm sóc, gần gũi con, thậm chí cứ nghĩ cho con cuộc sống vật chất đầy đủ mà quên đi điều quan trọng là mang lại cho con đời sống tinh thần. Thời điểm này, các em “có lớn mà chưa có khôn”, mặc dù bên ngoài muốn chứng tỏ “cái tôi” trước bố mẹ, nhưng thực tế các em rất cần có chỗ dựa từ gia đình.

Người lớn cần học cách hiểu trẻ

TS. Nguyễn Kim Quý, cố vấn đường dây tư vấn, hỗ trợ trẻ em (Cục Bảo vệ Trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH) nhấn mạnh: Khi người lớn “bàng hoàng” trước những cái chết đau lòng của trẻ, có nghĩa người lớn chưa hiểu trẻ. Theo TS. Quý, ở lứa tuổi này, các em rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương, lòng tự trọng, tự ái rất cao; nhận thức về các vấn đề xã hội của các em chưa sâu sắc, cho nên hay phản kháng và có mâu thuẫn với người lớn. Khi phát hiện ra khiếm khuyết của mình thì dễ thất vọng và khó chấp sự sự chối bỏ, chê bai của người khác, cho nên các em thấy bế tắc và dễ tìm đến lối thoát cuối cùng là cái chết.

“Ở Việt Nam, việc “dạy” cha mẹ biết cách nuôi dạy con là chưa có, toàn dạy con theo kiểu “nhìn người đi trước”, trong khi tâm lý trẻ em biến đổi theo thời gian, cho nên các bậc cha mẹ không thể áp cách dạy con “như các cụ trước đây”, bởi mỗi thời mỗi khác”, TS. Quý chia sẻ.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, hiện nhà trường nặng dạy về kiến thức hàn lâm mà xem nhẹ dạy “làm người”, đặc biệt thiếu việc cung cấp kỹ năng sống cho trẻ. Hiện các khoa tâm lý học của các trường sư phạm đã đưa vào giảng dạy bộ môn Tâm lý học đường, tuy nhiên việc ứng dụng vào trong cuộc sống như thế nào mới là điều quan trọng.

TS. Nguyễn Kim Quý khuyến cáo: “Hằng năm, cứ sau mỗi kỳ thi đại học lại có những vụ học sinh tự tử. Cho nên, để tránh tình trạng này, cha mẹ không nên gây áp lực lớn với con. Động viên con học đến mức tối đa trong chừng mực có thể; thường xuyên trò chuyện, chia sẻ với con như những người bạn, và hướng nghiệp cho con. Giáo viên cũng không nên dạy theo kiểu gò ép, nhồi nhét, bởi nếu học nhiều các em sẽ dễ bị trầm cảm và khoảng cách giữa trầm cảm và tự tử là rất mong manh”.

Điểm lại một số vụ học sinh tự tử gần đây:

Ngày 27/3, tại Phòng khám đa khoa khu vực Ý Tý (Bát Xát- Lào Cai), hai nạn nhân là Vàng Thị Só, học sinh lớp 4 và Sùng Thị Sa, học sinh lớp 3, đều thuộc Trường tiểu học Ngải Thầu (Bát Xát- Lào Cai) đã tử vong do ăn lá ngón.

Nguyên nhân là do em Vàng Thị Só, dân tộc Mông, cầm điện thoại di động của bố đi chơi và làm rơi mất điện thoại. Lo sợ bị bố mắng, Só rủ hai bạn là Sùng Thị Quả (học cùng lớp) và Sùng Thị Sa, học lớp 3 cùng trường làm điều dại dột, cùng ăn lá ngón để chết.

Trước đó, cuối giờ học ngày 17/3, ba học sinh nữ lớp 7A2 trường THCS Phan Chu Trinh (xã Đắk Sawks, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) là Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Nguyễn Nữ Mỹ Hạnh, Lê Thị Bích Loan bỗng nhiên té xỉu. Dù đã được kịp thời đưa đi cấp cứu nhưng chỉ khoảng 30 phút sau, cả 3 học này đều tử vong. Cơ quan công an đã thu được một chai nước cam uống dở và lá thư các em viết cho nhau có nội dung được cùng chết.

Ngày 28/2, một nữ sinh lớp 12 Anh, trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) bất ngờ thắt cổ tự tử tại khu kí túc xá của nhà trường…


Theo VOV