Bài 4: Bảo vệ, phát triển vốn rừng - còn nhiều khó khăn

28/03/2012 17:26

(Baonghean) - Nghệ An đã hoàn thành Chương trình dự án 661 của Chính phủ (chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng) từ năm 1999 và được đánh giá là địa phương làm tốt công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo nên vùng nguyên liệu ổn định, thúc đẩy các ngành nghề chế biến lâm sản phát triển. Tuy nhiên, vấn đề trồng rừng từ năm 2011 đến thời điểm này vẫn gặp những khó khăn.

(Baonghean) - Nghệ An đã hoàn thành Chương trình dự án 661 của Chính phủ (chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng) từ năm 1999 và được đánh giá là địa phương làm tốt công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo nên vùng nguyên liệu ổn định, thúc đẩy các ngành nghề chế biến lâm sản phát triển. Tuy nhiên, vấn đề trồng rừng từ năm 2011 đến thời điểm này vẫn gặp những khó khăn.


Ông Nguyễn Đức Sơn - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Con Cuông cho biết: Đến thời điểm này, Công ty vẫn chưa nhận được thông báo về cơ chế chính sách, kế hoạch trồng, bảo vệ rừng trong năm 2012. Khó khăn đặt ra là trong năm 2011, Dự án Trồng rừng thay thế nương rẫy trên địa bàn huyện vẫn còn nợ Công ty trên 180 triệu đồng tiền cây giống.

Để chạy đua kịp thời vụ trồng rừng, Công ty vẫn chủ động lên kế hoạch trồng rừng trên 300 ha ươm đủ số lượng cây giống để cung ứng cho bà con, dự tính sẽ trồng trên 200 ha rừng vụ xuân. Chúng tôi về bản Hợp Thành, xã Đôn Phục, thấy bà con vẫn đang triển khai trồng rừng.



Trạm Quản lý bảo vệ rừng Khe Phèn (Con Cuông) tịch thu gỗ lậu.

Ông Lữ Xuân Huỳnh (bản Hợp Thành) tâm sự: "Gia đình tự lên kế hoạch trồng sắp xong 2 ha cây keo (chuyển đổi từ đất trồng màu kém hiệu quả), cây giống mua của Công ty Lâm nghiệp Con Cuông, chi phí khoảng 4,5-5 triệu đồng/ha. Theo ông Huỳnh, phải bỏ vốn trồng rừng trước nếu không sẽ chậm thời vụ, khi Nhà nước hỗ trợ sẽ lấy sau.

Sát bên là hộ ông Nguyễn Văn Bình đã trồng xong gần 2,5 ha rừng keo". Ông Nguyễn Quang Vinh-Trưởng bản Hợp Thành cho biết: Vụ xuân năm nay dù khó khăn, Hợp Thành cũng sẽ triển khai trồng trên 50 ha rừng nguyên liệu, Công ty Lâm nghiệp Con Cuông cho vay cây giống, còn tiền phân bón bà con tự bỏ ra. Bên cạnh đó, Ban quản lý Rừng phòng hộ Con Cuông cũng đã tự lên kế hoạch thiết kế trồng 200 ha, dự định sẽ trồng 100 ha rừng vụ xuân.


Ông Nguyễn Tiến Lâm - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Nghệ An cho biết: Do đang hoàn thành đề án Bảo vệ rừng bền vững giai đoạn 2011- 2020, nênChính phủ cũng chưa có hướng dẫn cụ thể, vốn trồng rừng trong năm 2012chưa được thông báo.

Tuy nhiên, Chi cục Lâm nghiệp vẫn triển khai kế hoạch trồng trên 12.000 ha, đến thời điểm này toàn tỉnh đã trồng được trên 1000 ha, dự kiến sẽ trồng hơn 4000 ha rừng vụ xuân. Nhằm khắc phục khó khăn, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ ngân sách để bà con có vốn trồng rừng. Hiện tại, chủ yếu các công ty Lâm nghiệp đang tự bỏ cây giống cho dân vay, sau này Nhà nước có cơ chế hỗ trợ sẽ chi trả cho bà con sau.


Những năm qua, Nghệ An đã thực hiện khá tốt công tác bảo vệ rừng. Các Đội Kiểm lâm cơ động chốt chặn trên các tuyến đường trọng điểm, thường xuyên kiểm tra, bắt giữ lâm sản trái phép trên đường bộ, đường sông, góp phần ngăn chặn nạn khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thành lập các đoàn đi kiểm tra, xử lý các vùng có nạn khai thác, chặt phá rừng trái phép. Đội kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1 đã phối kết hợp với chính quyền địa phương, công an các huyện... truy quét các tụ điểm khai thác gỗ như ở bản Vẽ, Tam Hợp, Tam Đình (Tương Dương).


Tuy vậy, tình hình khai thác, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển, săn bắt, mua bán động vật rừng vẫn còn xẩy ra. Một số cán bộ Kiểm lâm địa bàn chưa thường xuyên bám rừng, bám địa bàn, không nắm chắc được tình hình rừng, không phát hiện được những điểm chặt phá rừng làm rẫy, khai thác rừng, tập kết, vận chuyển lâm sản trái phép để tham mưu biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời.


Về chế biến lâm sản, trên địa bàn tỉnh có thể phân thành 3 nhóm chính là Chế biến đồ mộc dân dụng và hàng thủ công mỹ nghệ; chế biến ván nhân tạo, sản phẩm bột giấy, chế biến mây tre đan, nhựa dầu thông ... Trong năm 2010-2011, toàn tỉnh chế biến ván nhân tạo được trên 62.000 m3, gỗ xẻ, gỗ xây dựng cơ bản trên 160.000 m3, dăm gỗ nguyên liệu giấy trên 500.000 tấn, trên 4000 tấn nhựa thông.

Trong năm 2011, chế biến lâm sản ở tỉnh ta đã chuyển mạnh từ sử dụng nguồn nguyên liệu rừng tự nhiên sang chế biến rừng trồng. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, như hiện nay hầu hết rừng keo lai, tràm đến tuổi thu hoạch vẫn không thể tiêu thụ được do đường giao thông quá khó khăn. Riêng tại xã Mẫu Đức (Con Cuông) hiện có trên 300 ha rừng nguyên liệu chưa thu hoạch được. Công ty Lâm nghiệp Con Cuông có trên 700 ha rừng nguyên liệu đang chờ thu hoạch.

Hiện toàn tỉnh ta có gần 5.000 ha rừng cây nguyên liệu đến tuổi thu hoạch đang bị "tắc" tiêu thụ. Phát triển chế biến lâm sản chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh. Năng lực, quy mô chế biến của các cơ sở còn nhỏ, đầu tư cơ sở thiết bị còn hạn chế, như Công ty lâm nghiệp Con Cuông với vùng rừng nguyên liệu rộng lớn, nhưng trong năm 2011 chỉ bóc gỗ rừng trồng bán thành phẩm được 2.500 m2, chế biến 700 tấn bột giấy quy khô. Chủ yếu vùng nguyên liệu người dân bán cho các cơ sở chế biến khác ở Khu công nghiệp Nam Cấm với giá rẻ.


Có thể nói rằng, bảo vệ và phát triển vốn rừng, chế biến lâm sản đang gặp không ít khó khăn, cần có chính sách hỗ trợ vốn để người dân trồng rừng kịp thời, hỗ trợ ngân sách bảo vệ rừng cho hệ thống công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ ... Trong quá trình trồng rừng cần có quy hoạch giao thông trước khi trồng để thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm.


Văn Trường