Có nên nhai bón thức ăn cho trẻ

15/04/2012 18:56

Chuyện nhai thức ăn rồi bón cho con là chuyện không xa lạ gì ở Việt Nam, nhưng khi xuất hiện tại phương Tây, như trường hợp người mẹ là nữ diễn viên Mỹ Alicia Silverstone, đã khiến nhiều người bàn tán xôn xao.

Có người cho rằng nữ diễn viên này đã chủ động truyền vi khuẩn từ đường miệng sang cho con, dù bé Bear 10 tháng tuổi tỏ ra rất thích thú khi được mẹ bón mớm. Tuy nhiên, theo quan điểm của giới khoa học, hành động nhai thức ăn như vậy thực ra là một biện pháp nuôi truyền thống và có lợi cho sức khỏe em bé. Thực phẩm nhai hòa lẫn với nước bọt của mẹ giúp tăng cường hệ miễn dịch của đứa trẻ, điều mà bé không nhận được từ thực phẩm nghiền nát tiệt trùng đóng hộp.



Nên hay không nên nhai thức ăn và đút cho trẻ là vấn đề đang được giới chuyên gia nghiên cứu để tìm ra kết luận chính thức.
Ảnh: Shutterstock


Tác dụng của việc nhai và bón thức ăn chỉ mới được giới y học phương Tây nghiền ngẫm mới đây, nhưng có vẻ như lợi ích của nó ngang bằng với hành động cho con bú sữa mẹ, theo đài Fox. Trẻ bắt đầu cần thực phẩm ngoài sữa từ 6 tháng tuổi, thời điểm bộ máy tiêu hóa sẵn sàng tiếp nhận những chất dinh dưỡng đến từ thực phẩm rắn, nhưng bộ răng lại không phát triển kịp lúc với nhu cầu nhai cho đến tháng thứ 18 đến 24. Theo nghiên cứu của nhà nhân loại học Gretel Pelto ở Đại học Cornell (Mỹ), hành động nhai bón là giải pháp được sử dụng tại nhiều nền văn hóa trong thời buổi hiện đại. Thay vì bị cho là thiếu vệ sinh, Pelto và nhiều nhà khoa học nghĩ rằng biện pháp này là sự tiếp nối của tiến trình xây dựng hệ miễn dịch khởi đầu bằng việc bú sữa mẹ.

Với hành động tiếp cận với những dấu vết vi khuẩn có trong nước bọt của mẹ, hệ miễn dịch của bé có cơ hội xử lý và học cách đối phó với những chủng vi khuẩn tương tự. Nó còn có thể ngăn chặn được sự tấn công của các căn bệnh tự miễn dịch như suyễn, vốn phổ biến trong các xã hội công nghiệp. Những triệu chứng xuất hiện khi hệ miễn dịch trong cơ thể nhầm lẫn và tấn công chính tế bào của mình. Những căn bệnh kiểu này có liên hệ chặt chẽ với chuyện ít tiếp xúc vi khuẩn trong thời thơ ấu, theo chuyên gia Pelto.

Lý do khiến nhiều người phản đối hành động nhai bón là thỉnh thoảng có trường hợp một số bé bị lây bệnh truyền nhiễm khi tiếp xúc với nước bọt của mẹ. Chẳng hạn, phụ nữ có HIV được khuyên không nên nhai bón cho trẻ. Tuy nhiên, nghiên cứu do Đại học Texas thực hiện cho thấy khả năng lây lan như vậy trên thực tế rất thấp, do các kháng thể tự nhiên trong nước bọt đã làm suy yếu mạnh tính dễ lây lan của vi khuẩn. Lây qua thức ăn nhai bón còn thấp hơn nhiều so với bú mẹ.

Chuyên gia Pelto kết luận dù việc thu thập chứng cứ về thói quen nhai bón chưa hoàn tất, nhưng lý luận rất rõ ràng và kết quả nghiên cứu đã ủng hộ luận điểm rằng hành động này có thể cứu sống nhiều người bằng cách đảm bảo lượng dinh dưỡng tốt và góp phần hoàn thiện hệ miễn dịch.

Theo Thanhnien