Ngăn chặn cháy rừng do cố ý

11/05/2012 18:26

(Baonghean) - Nhiều năm qua, tình trạng cháy rừng nguyên nhân từ con người luôn là một vấn đề nhức nhối trong bảo vệ và PCCCR. Trong khi tình trạng này chưa được ngăn chặn triệt để, công tác tuyên truyền và giải quyết tận gốc các mâu thuẫn trong dân càng cần được đẩy mạnh.

(Baonghean) - Nhiều năm qua, tình trạng cháy rừng nguyên nhân từ con người luôn là một vấn đề nhức nhối trong bảo vệ và PCCCR. Trong khi tình trạng này chưa được ngăn chặn triệt để, công tác tuyên truyền và giải quyết tận gốc các mâu thuẫn trong dân càng cần được đẩy mạnh.


Là địa phương có số vụ cháy rừng do nguyên nhân chủ quan từ phía con người nhiều nhất trong cả tỉnh, những năm qua, đây luôn là vấn đề "đau đầu" với các cấp ngành và lực lượng kiểm lâm huyện Nam Đàn. Theo ông Trần Đình Hường- Bí thư Huyện ủy Nam Đàn, nguyên nhân các vụ cháy rừng xuất phát từ lỗi của con người, có rất nhiều loại hành vi, trong đó, có thể do những hành vi cố ý mang lửa vào rừng vô ý làm cháy rừng (như người dân ở gần rừng dọn và đốt rác trong vườn làm lây lan lửa vào rừng, du khách vô tình khi đi tham quan, người dân đi làm hút thuốc làm tàn lửa rơi, mang lửa vào rừng đốt o­ng mật v.v.).



Thu dọn thực bì tại Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan (Nam Đàn)

Tuy nhiên, nguy hiểm nhất và cũng làm tốn nhiều công sức của các cơ quan điều tra nhất là hành vi cố ý đốt rừng do mâu thuẫn lợi ích trong dân về bảo vệ rừng và lợi ích kinh tế từ rừng. Hiện tượng này bắt đầu xảy ra ở Nam Đàn từ những năm 2003- 2004, khi giá nhựa thông bắt đầu tăng cao, trong khi đó, vấn đề giao khoán đất đai và bảo vệ rừng còn nhiều điểm bất hợp lý, chưa thực sự công bằng và dân chủ, gây nên những mâu thuẫn âm ỷ, kéo dài.

Nhiều năm qua, hầu như không năm nào trên địa bàn không xảy ra các vụ đốt rừng do cố ý, thiệt hại không nhỏ về kinh tế, và hoang mang trong nhân dân. Đứng trước tình hình đó, Huyện ủy, UBND huyện Nam Đàn đãchỉ đạo tập trung tăng cường điều tra các vụ án đốt rừng trên địa bàn. Lực lượng công an phối hợp chặt chẽ với các xã, cố gắng điều tra bằng được để tạo tác dụng răn đe, ngăn ngừa tội phạm. Xác định đây là loại vụ án rất khó điều tra do hiện trường đã bị đốt rụi, nên việc phát động nhân dân tham gia tố giác tội phạm là biện pháp luôn được lực lượng công an quan tâm. Nhờ đó, rất nhiều vụ án cố ý đốt rừng đã được tìm ra và đưa ra xét xử, điển hình như ở một số vụ xảy ra ở Nam Kim, Nam Lộc, Khánh Sơn...

Không chỉ ở Nam Đàn do nguyên nhân chủ quan từ phía con người vẫn đang là tình trạng khá phổ biến ở các địa phương khác trong tỉnh. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh- Ông Lê Cao Bính cho biết: Theo thống kê sơ bộ, trong các vụ cháy rừng, nguyên nhân do sự cố ý của con người chiếm tới khoảng 50% số vụ cháy, và trong đó chỉ khoảng 20% truy tìm ra thủ phạm.

Như năm 2010, tại Nam Đàn có gần 10 vụ cháy rừng nhưng chỉ điều tra được 2 vụ, năm 2011 toàn tỉnh có 2/7 vụ được xác định do hành vi cố ý của con người, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Hành vi của các đối tượng thường khá xảo quyệt, trong khi đó, hiện trường các vụ án thường đã bị thiêu rụi nên rất khó trong việc tìm tang chứng, vật chứng.

Đồng quan điểm với Bí thư Huyện ủy Nam Đàn, ông Bính cũng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là vấn đề giao đất, giao khoán bảo vệ rừng chưa phù hợp. Ở nhiều địa phương, quy trình này chưa được thực hiện công khai, minh bạch, nhiều hộ dân có lao động, sống gần rừng nhưng lại không được nhận rừng, trong khi rừng lại được giao quá nhiều cho những hộ sống xa rừng, không đủ điều kiện bảo vệ rừng.


Từ thực tế các vụ án cố ý đốt rừng thường để lại rất ít dấu vết nên biện pháp mở hộp thư tố giác tội phạm, cài cắm lực lượng xuống tận các xóm, bản để điều tra luôn được chú trọng.


Ngoài ra, những tháng nắng nóng, cao điểm về cháy rừng cũng là thời gian học sinh các cấp đang được nghỉ hè, nguy cơ cháy rừng do lỗi vô ý là rất lớn. Vì thế, công tác tuyên truyền trong các trường học cần được đẩy mạnh. Hàng năm, Sở Giáo dục & Đào tạo đều có văn bản yêu cầu các phòng giáo dục huyện phổ biến nội dung về an toàn PCCCR cho học sinh của các trường phổ thông, tổ chức tuyên truyền bằng hình thức ngoại khóa, mời cán bộ kiểm lâm đến nói chuyện, tuyên truyền bằng lời nói và hình ảnh.

Nhiều địa phương đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật bảo vệ và phát triển rừng. Tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không vi phạm quy định về PCCCR. Tất cả các biện pháp này phải thực hiện thường xuyên, đặc biệt trước mùa nắng nóng, nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn.


Phú Hương