Nhớ giáo sư Nguyễn Tài Cẩn

24/03/2012 12:51

(Baonghean) - Đã gần một năm trôi qua nhưng ký ức tôi vẫn vẹn nguyên khi nhớ đến ngày GS- TS- Nhà giáo nhân dân Nguyễn Tài Cẩn được đưa về an táng tại quê nhà (ngày 12/4/2011). Sáng hôm ấy, đoạn đường từ Quốc lộ 46 vào Trường Tiểu học Thanh Văn (Thanh Chương), nơi tổ chức lễ truy điệu, các loại xe cộ nối đuôi nhau cùng những dòng người nối tiếp nhau thành một dãy dài. Dường như bạn bè, đồng nghiệp, các thế hệ học trò và người dân xã Thanh Văn đều tạm gác lại công việc thường ngày để về đây tiễn đưa một người con ưu tú của quê hương về nơi yên nghỉ cuối cùng.

(Baonghean) - Đã gần một năm trôi qua nhưng ký ức tôi vẫn vẹn nguyên khi nhớ đến ngày GS- TS- Nhà giáo nhân dân Nguyễn Tài Cẩn được đưa về an táng tại quê nhà (ngày 12/4/2011). Sáng hôm ấy, đoạn đường từ Quốc lộ 46 vào Trường Tiểu học Thanh Văn (Thanh Chương), nơi tổ chức lễ truy điệu, các loại xe cộ nối đuôi nhau cùng những dòng người nối tiếp nhau thành một dãy dài. Dường như bạn bè, đồng nghiệp, các thế hệ học trò và người dân xã Thanh Văn đều tạm gác lại công việc thường ngày để về đây tiễn đưa một người con ưu tú của quê hương về nơi yên nghỉ cuối cùng.


Tại bàn ghi sổ tang, mọi người lần lượt thay nhau bày tỏ nỗi tiếc thương đối với một con người giàu tài năng và nhân cách. Trang đầu tiên là bút tích của ông Hồ Đức Phớc, Chủ tịch UBND tỉnh: “Quê hương Nghệ An vô cùng thương tiếc GS - TS - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Tài Cẩn, nhà Ngôn ngữ học hàng đầu Việt Nam, nhà khoa học đẳng cấp quốc tế- người con ưu tú của quê hương Nghệ An”. Và ở trang kề bên là bút tích chữ Hán của ông Bùi Văn Chất, học trò thuở sơ học yếu lược của GS Nguyễn Tài Cẩn, hiện là thành viên của CLB Hán Nôm Nghệ An: “Đĩnh cán Đông Phương Ngôn ngữ học/ Trí Tường Nguyễn tộc Việt Nam Hoa” (Tạm dịch: Đứng đầu ngành Ngôn ngữ học Phương Đông/ Bông hoa Việt Nam người họ Nguyễn ở thôn Trí Tường).




GS Nguyễn Tài Cẩn nói chuyện tại Tạp chí Văn hóa Nghệ An năm 2009

Có lẽ, những ai đã và đang học chuyên ngành Ngữ văn hoặc Báo chí chắc hẳn đều có ít nhất một vài lần đọc sách hoặc nghe các thầy cô giáo ca ngợi công lao và thành tựu khoa học của GS Nguyễn Tài Cẩn. Khi còn là sinh viên khoa Ngữ văn của Trường Đại học Vinh, chúng tôi thường được nghe GS Đỗ Thị Kim Liên và GS Nguyễn Nhã Bản, những học trò “ruột” của GS Nguyễn Tài Cẩn và cũng là những chuyên gia Ngôn ngữ học nói về người thầy của mình. Qua đó, chúng tôi được biết thầy Nguyễn Tài Cẩn sinh năm 1926 ở xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Năm 1960, thầy Cẩn chính là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ học trên đất nước Liên Xô.

Sau đó, về nước làm Chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ học của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Điều đáng nói hơn là trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy của mình, GS Nguyễn Tài Cẩn đã để lại những thành tựu đồ sộ và có giá trị lập thuyết đối với ngành Việt ngữ học. Có thể kể ra công trình Ngữ pháp tiếng Việt: tiếng, từ ghép, đoản ngữ. Có thời gian chào đời đã gần 50 năm nhưng công trình này vẫn còn giữ nguyên giá trị, đúng như lời của nhà Ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo từng viết vào năm 2000: “Cách đây 40 năm, bậc đàn anh của Việt ngữ học Nguyễn Tài Cẩn đã đem từ Liên Xô về lý thuyết âm tiết - hình vị, một lý thuyết có thể giải quyết được những vấn đề mà một ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt đặt ra cho ngôn ngữ học hiện đại, từ đó vạch ra con đường khắc phục chủ nghĩa “dĩ Âu vi trung” (coi châu Âu là trung tâm)” (Báo Lao động, ngày 08/9/2000).

Khoảng từ năm 1960 trở về trước, khi nghiên cứu cấu trúc tiếng Việt, các nhà Việt ngữ học thường áp dụng một cách máy móc mô hình ngữ pháp của châu Âu, đặc biệt là tiếng Pháp mà ít quan tâm đến những điểm khác biệt giữa các loại hình ngôn ngữ.

Do đó, tất yếu dẫn đến kết quả không được như ý muốn, không phản ánh chính xác những quy luật nội tại của tiếng Việt, nếu không muốn nói là “lởm khởm”, “trật đường ray”. Nhận ra được hạn chế của những người đi trước, GS Nguyễn Tài Cẩn bắt đầu bằng việc đi sâu khảo sát, nghiên cứu để tìm ra những quy luật nội tại của tiếng Việt và khái quát thành những khái niệm, phạm trù hợp lý. Do đó, kết quả nghiên cứu của thầy được hầu hết mọi người đồng thuận nên có thể nói tồn tại mãi với thời gian.


Cùng với việc khảo sát và nghiên cứu cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt, GS Nguyễn Tài Cẩn còn dành nhiều thời gian để đi sâu tìm hiểu từ Hán- Việt, một lớp từ chiếm tới khoảng 70% trong kho từ vựng tiếng Việt. Trên cơ sở đó, công trình Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán- Việt ra đời (1979) và được giới nghiên cứu, bạn đọc trong và ngoài nước đánh giá cao. Qua công trình này, GS Nguyễn Tài Cẩn chứng minh cách đọc Hán- Việt bắt nguồn từ đời Đường, (Trung Hoa) ở Kinh đô Tràng An. Bắt đầu từ thế kỷ X, tức là từ khi Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, giành độc lập tự chủ, cách đọc Hán- Việt được phát triển theo một quy luật riêng của tiếng Việt, không còn bị chi phối bởi quá trình biến đổi ngữ âm của tiếng Hán.


Theo giới Việt ngữ học, một trong những khó khăn nhất khi nghiên cứu tiếng Việt chính là hệ thống ngữ âm. Bởi lẽ, trong hệ thống ngôn ngữ, ngữ âm là yếu tố thường xuyên biến đổi theo thời gian. Bằng cách tham khảo hàng trăm công trình nghiên cứu liên quan về tiếng Việt, tiếng Mường và các ngôn ngữ có “họ hàng” với tiếng Việt như Mày, Rục, Mã Liềng, A rem..., GS Nguyễn Tài Cẩn đã cho ra đời Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (1995). Tại đây, tác giả đã tập trung miêu tả hệ thống phụ âm đầu, âm đệm, vần và thanh điệu của tiếng Việt. Bên cạnh đó, phác họa lại con đường diễn tiến của ngữ âm tiếng Việt từ khoảng 4.000 năm trước cho đến thời điểm công trình này ra đời. Đây là một khối lượng công việc khổng lồ, đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì và một phương pháp khoa học cùng kinh nghiệm và sự nhạy bén trong cách tiếp cận. Cái hơn người của GS Nguyễn Tài Cẩn chính là ở những điểm vừa nêu và đó cũng chính là lý do để khẳng định ông là người đầu tiên mô tả, hệ thống hóa ngữ âm tiếng Việt.


Ba công trình nêu trên đã đưa GS Nguyễn Tài Cẩn đến với giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học- công nghệ (năm 2000), một giải thưởng danh giá nhất của nước ta hiện nay...


Ngày tiễn đưa GS Nguyễn Tài Cẩn về nơi an nghỉ cuối cùng, dòng người kéo dài hàng km với cả một “rừng” vòng hoa, bức trướng. Vòng hoa đi đầu mang dòng chữ “Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam- Nguyễn Phú Trọng kính viếng thầy!”. GS-TS, NGND Nguyễn Tài Cẩn đã đi xa trọn một năm nhưng đối với gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học trò, thầy vẫn luôn hiện hữu qua tất cả những gì thầy để lại cho cuộc đời này. Và người dân Nghệ An chúng ta luôn tự hào khi đã sinh ra một nhà Ngôn ngữ học hàng đầu Việt Nam, góp phần làm rạng danh cho truyền thống quê hương.


Công Kiên