Nhật Bản ca ngợi đối sách biển Đông của Việt Nam
Tờ Sankei Shimbun (Nhật Bản), ngày 21/6, đã đăng một bài viết của phóng viên phụ trách Trung Quốc có tên Isao với tựa đề: “Nhật Bản nên học theo Việt Nam”.
Bài báo cổ vũ việc chính phủ Nhật Bản nên bắt chước phương thức ngoại giao của Việt Nam trong các tranh chấp biển đảo với Trung Quốc.
Bài báo nói rằng “tấm gương” cho Nhật Bản hiện nay chính là Việt Nam. Dù có những thua kém về sức mạnh quân sự, nhưng trên mặt trận ngoại giao, trí tuệ Việt Nam được phát huy rất mạnh mẽ và không hề tỏ ra lép vế so với Trung Quốc.
Đối với vấn đề biển Đông, Việt Nam sử dụng con bài ngoại giao đa phương làm một mũi tấn công sắc bén. Trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục mua sắm mới và nâng cấp vũ khí từ Liên Bang Nga, đồng thời hợp tác khai thác dầu khí ở các giếng dầu trên biển Đông, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế và quốc phòng với Mỹ, xây dựng căn cứ hải quân và tổ hợp bảo dưỡng tàu chiến ở quân cảng Cam Ranh…
Những thành tựu mà đạt được trên mặt trận ngoại giao giúp Việt Nam nâng cao sức mạnh tổng hợp của mình, trong khi đó quan hệ song phương Việt - Trung cũng không hề bị gián đoạn hoặc làm xấu đi. “Vậy tại sao chính quyền của Thủ tướng Noda Noshihiko lại không học tập theo phương pháp của Việt Nam?”, tác giả Isao đặt vấn đề.
Cũng trong bài viết trên, tác giả Isao cho rằng các chiến lược, chiến thuật của Trung Quốc hết sức đa dạng, diễn ra trên các mặt trận truyền thông, kinh tế hay thậm chí bằng vũ lực. Do vậy, nếu chính quyền Tokyo hoặc Chính phủ Nhật Bản nhân rộng mô hình mua hoặc quốc hữu hóa các đảo tranh chấp thì mâu thuẫn Nhật – Trung sẽ trở nên lớn hơn bao giờ hết.
Hiện nay, tranh chấp ở đảo Senkaku giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Để đối phó với kế hoạch mua đảo của chính quyền thành phố Tokyo, phía Trung Quốc liên tục tập trung công kích vào thị trưởng thành phố này ông Ishihara Shintarō.
Báo chí Trung Quốc mô tả ông Ishihara Shintaro là một nhân vật chính trị hiếu chiến – một hiện thân của các phi công cảm tử Kamikaze của Nhật Bản trong chiến tranh Thái Bình Dương hồi Thế chiến 2. Theo đó, ông này từng kêu gọi vũ trang Nhật Bản bằng vũ khí hạt nhân, điều mà ông cho rằng có thể thực hiện trong vòng một năm. “Một chính trị gia như thế có thể sẽ đưa Nhật Bản vào một vòng xoáy chiến tranh mới”, truyền thông Trung Quốc nhận xét. Thực chất các chỉ trích vị thị trưởng Tokyo là đòn đánh gián tiếp nhắm vào chính quyền trung ương Nhật Bản.
Bài báo cho rằng nếu Tokyo vẫn còn e ngại Trung Quốc và vẫn giữ thái độ ngoại giao hòa hoãn như hiện nay thì sẽ rất khó khăn trong việc giữ vững chủ quyền biển đảo của Nhật Bản.
Theo nhà báo Isao, Nhật Bản nên học tập theo cách trên, ngoài quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ, Nhật Bản cũng nên tăng cường hợp tác với các nước ASEAN, Ấn Độ, cũng như tìm cách gia tăng tính ổn định và thân thiết với đất nước có khả năng khắc chế Trung Quốc là Nga.
Hiện nay Nhật Bản vẫn xem Nga là một mối đe dọa ở phía Bắc, hai nước đang có tranh chấp chuỗi đảo. Tranh chấp này là trở ngại chính khiến hai nước chưa thể ký hiệp ước hòa bình dù Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã qua hơn 60 năm. Bốn hòn đảo thuộc Kurils thuộc quyền kiểm soát của Liên Xô sau khi quân đội nước này chiếm được vào những ngày cuối cùng của Thế chiến 2. Người Nhật sinh sống trên các đảo khi đó bị trục xuất, thay thế bằng người Nga.
Trong khi đó quan hệ Nga – Trung được đánh giá là nồng ấm và “vững như bàn thạch”, nếu Nhật Bản vừa muốn dùng Nga để khắc chế Trung Quốc vừa muốn thu hồi lại vùng chuỗi đảo Kuril (Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phía Bắc) là một việc rất khó khăn. Do đó, Nhật Bản cần có một chiến lược linh hoạt và lâu dài.
Theo Baodatviet - MD