In “đồng bạc Cụ Hồ” ở hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh
(Baonghean.vn) - Kể từ khi có sắc lệnh phát hành tiền giấy trên toàn quốc (ban hành ngày 31/1/1946), tờ giấy bạc đầu tiên của Việt Nam trong tư thế một quốc gia độc lập chính thức bước vào cuộc sống, được nhân dân gọi một cách thân thương là tờ “giấy bạc Cụ Hồ”.
Có rất nhiều tư liệu viết về tờ giấy bạc Cụ Hồ được in ở Hà Nội, nhất là ở miền Nam từ 1946 – 1953; nhưng hẳn chưa nhiều người biết còn có những “đồng bạc Cụ Hồ” được sản xuất tại an toàn khu vùng hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh thời kỳ này. Qua tiếp cận tư liệu tại Bảo tàng Quân khu 4, chúng tôi đã hệ thống được sự ra đời của “đồng bạc Cụ Hồ” được in tại Trung bộ.
Tờ giấy bạc tài chính 100 đồng với chân dung Bác Hồ.
Tờ giấy bạc tài chính 5 đồng
Ban đầu cơ sở in bạc Trung Bộ được đặt bí mật ở Nhà in Ngô Tử Hạ, đường Hàng Bè (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng) thành phố Huế, sau chuyển ra thôn Hiền Sĩ, xã Phong Thái (nay là xã Phong Sơn), huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau Hiệp định sơ bộ 6/3 và Tạm ước 14/9/1946, thực dân Pháp gây hấn ở Huế nên cơ sở ấn loát Trung bộ được chỉ thị bí mật di chuyển ra vùng an toàn. Được nhân dân và chính quyền địa phương giúp đỡ, công nhân đã di chuyển toàn bộ máy móc thiết bị ra Hà Tĩnh, ngược dòng sông Ngàn Phố đến xóm Văn Giang, xã Thịnh Văn (nay là xã Sơn Thịnh) Hương Sơn lắp đặt máy móc, để kịp thời in ấn, phục vụ kháng chiến.
Khi đã cơ bản ổn định vị trí đặt xưởng in, ban lãnh đạo Cơ quan ấn loát Trung bộ xin chỉ thị của trên cho tuyển thêm lực lượng công nhân ở địa phương, đẩy nhanh công tác sản xuất. Để đảm bảo bí mật khu căn cứ, Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Hà Tĩnh, Liên khu uỷ Khu 4, cùng lãnh đạo Bộ Tài chính họp bàn yêu cầu phải tuyển chọn kỹ thợ kỹ thuật, nhất là những người có thành phần gia đình rõ ràng, phải xác định rõ tư tưởng là làm nhiệm vụ đặc biệt, tuyệt đối cảnh giác với nội gián Pháp xâm nhập vào vùng ATK, phá hoại hậu phương cách mạng.
Loại bạc được in gồm 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng và 100 đồng. Buổi đầu, tuy chưa phải là đồng tiền thống nhất của Việt Nam, nhưng tất cả các loại bạc được in riêng tại Trung bộ đều có hình ảnh Cụ Hồ rất đẹp, được nhân dân trên mọi miền đất nước phấn khởi đón nhận và gọi là "Đồng bạc Cụ Hồ".
Loại mệnh giá 100 đồng được in và phát hành năm 1949, có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt
Trên chiến trường Bình - Trị - Thiên, dù bị thực dân kiểm soát kìm kẹp trong giao thương, giao dịch, chúng dùng nhiều thủ đoạn để bóp chết tiền tệ Việt Nam, nhưng đã không thể ngăn chặn được việc nhân dân sử dụng "Đồng bạc Cụ Hồ". Nhân dân ta một lòng đi theo cách mạng, tin tưởng ở Chính phủ, ở Bác Hồ kính yêu, đã thu giấu, cất giữ kín đáo để lưu hành bí mật. Nhân dân kêu gọi ra sức bảo vệ đồng bạc Cụ Hồ, với lòng tin tưởng tuyệt đối, dù giặc Pháp có thu gom, có tiêu hủy hết số giấy bạc, thì “Bạc Cụ Hồ, bạc chiến khu lại chở về”. Trong dân còn truyền nhau câu hò mộc mạc, chân tình, sâu lắng thắm đượm tình dân: “Bạc Đông Dương kẻ thương người ghét/ Bạc Cụ Hồ người nhét kẻ thu/ Ra tay ta chống quân thù/ Dù cho bây có đút(đốt) hết/ Bạc chiến khu lại chở về”.
Kết thúc Chiến dịch Biên giới 1950, cơ quan ấn loát tài chính Trung bộ được tổ chức lại cho phù hợp với tình hình. Công tác chỉ đạo và in ấn phát hành giấy bạc được chuyển giao cho cơ quan phân phối tiền tệ Liên khu 4 đảm trách. Một xưởng in đặc nhiệm ra đời có tên gọi “Nhóm Ấn loát đặc biệt”, do Bộ Công an và Khu ủy Khu 4 trực tiếp chỉ đạo, đóng tại xã Sơn Tân, sau chuyển về Mỹ Hòa (nay là Sơn Hòa, Hương Sơn, Hà Tĩnh)…
Những đồng bạc Cụ Hồ được sản xuất ra ở hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh đã góp phần to lớn, phục vụ đắc lực cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi hoàn toàn.
Đình Sâm