Nhiều người nhập viện vì nóng bức
Đợt nóng gay gắt mấy ngày gần đây trùng dịp nghỉ lễ kéo dài khiến số người vào các bệnh viện tại Hà Nội tăng. Tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân tim mạch, khớp, thần kinh đến đông gấp đôi so với trước.
Bác sĩ Đồng Văn Thành, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết chỉ tính riêng bệnh nhân mắc bệnh mạch vành, suy tim, huyết áp đã vượt quá 30% so với ngày thường, đặc biệt là bệnh mạch vành. Lý do là thời tiết tác động làm huyết áp của người bệnh không ổn định, nhất là ở những người bệnh mãn tính, bệnh nhân sau can thiệp, bị van tim, suy tim… tiến triển nặng, lên cơn đau cấp tính, phải đi cấp cứu.
Hơn nữa, trời nóng cũng khiến thói quen sinh hoạt của người dân thay đổi. Trong đó những bệnh nhân suy tim mà uống nhiều nước hơn sẽ làm tăng khối lượng tuần hoàn, dẫn đến bị suy nặng hơn.
Dù phòng bệnh trong Bệnh viện Bạch Mai có điều hòa nhưng do bệnh nhân đông nên hầu như gia đình nào cũng sắm theo chiếc quạt nan. Ảnh: N.P.
Tương tự tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa, bệnh nhân vào khám tăng khá cao và chủ yếu do tăng huyết áp, bệnh mạn tính… Theo các bác sĩ, thông thường vào những đợt nắng nóng như hai ngày vừa qua, số lượng bệnh nhân tăng không nhiều nhưng số ca bệnh nặng lại chiếm tỷ lệ cao vì có nhiều trường hợp bị tăng huyết áp, đột quỵ, tai biến.
Bên cạnh người già, người mắc bệnh mãn tính thì trẻ cũng là nhóm dễ chịu tác động của thời tiết. Khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai mấy ngày gần đây cũng ghi nhận số trẻ đến khám đông.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi bệnh viện cho biết, bình thường khi trời nắng nóng kéo dài thì sẽ ít bệnh nhân vì virus, muỗi bị tiêu diệt. Nhưng đợt vừa rồi trời nóng lại đúng vào nghỉ lễ kéo dài, nhiều gia đình đi chơi nên số bệnh nhân đến khám có chiều hướng gia tăng. Trong đó, phải kể đến bệnh tiêu chảy du lịch, hay xuất hiện ở người đi du lịch từ vùng có điều kiện vệ sinh, kinh tế tốt đến vùng không được tốt lắm (từ thành phố về nông thôn, xa xôi, hẻo lánh, từ vùng giàu đến vùng nghèo).
“Lý do nữa là khách đi nghỉ đông, phòng ốc đều kín dẫn đến quá tải ở các khu du lịch. Vì thế điều kiện vệ sinh, ăn ở có thể kém đi, đây là điều kiện dễ dẫn các bệnh như tiêu chảy, kiết lị, tiêu chảy do rotavirus…”, phó giáo sư Dũng nói.
Bên cạnh tiêu chảy thì việc tập trung đông người ở một chỗ, không khí ngột ngạt nên dễ lây các bệnh ho, cảm cúm… Nắng nóng khiến sức đề kháng của nhiều người kém đi, dễ bị các bệnh sốt virus, đường hô hấp. Vì thế dự báo 2-3 ngày tới số bệnh nhân bị sốt virus, bệnh đường hô hấp sẽ tăng cao và chiếm tỷ lệ chủ yếu, bởi các bệnh này cần có khoảng thời gian để phát triển.
Tiến sĩ Phạm Nhật An, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết, một số loại virus như virus hợp bào hô hấp thường trực ở mũi họng, khi người nhiễm lạnh virus sẽ phát bệnh như viêm họng, cảm cúm. Ngày nóng nhiều người ngồi điều hòa, dưới quạt, tắm nhiều hơn, đây chính là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển.
Vì thế, theo các chuyên gia để phòng bệnh, những người có bệnh mãn tính phải uống thuốc đều, đặc biệt người già hay quên. Mùa hè nên uống 1,5-3 lít nước, đặc biệt là người già cần định sẵn một lượng nước cần uống.
Đáng chú ý, có nhiều trường hợp cố uống thật nhiều nước, không khát cũng cố vì nghĩ uống càng nhiều nước càng tốt nhưng thực tế lại ảnh hưởng đến sức khỏe. Lý do là vì cơ thể không dung nạp được dẫn đến phù não, nhức đầu, đồng thời cơ thể phải lọc để tống ra, gây phù mạch, chậm chạp. Uống nước nhiều thì tốt nhưng phải áng chừng chứ không bắt buộc với tất cả mọi người, nhất là những người uống nhiều nước mà không ra mồ hôi thì phải cẩn trọng. Uống đến ngưỡng không hấp thụ được thì không nên tiếp tục.
Với bệnh nhân suy tim nên khống chế lượng nước đầu vào, khi nào khát thì uống. Nếu phải uống thuốc huyết áp có thành phần lợi tiểu thì vẫn phải uống.
Nhà có điều kiện nên ngồi trong điều hòa, ở nhiệt độ 27-28 độ C, hạn chế đi ra ngoài trời vào lúc nắng đỉnh điểm trong ngày. Nắng nóng khiến cho sức đề kháng của cơ thể kém đi và dễ bị các bệnh sốt virus, bệnh đường hô hấp, do đó không nên tập trung nhiều ở chỗ đông người, ngột ngạt. Những người bệnh mãn tính phải uống thuốc đều đặn theo chỉ định, đặc biệt là người già.
Theo Express