Việt Nam lần đầu chứng minh tính khoa học của châm cứu
Các phương pháp châm cứu từ lâu đã được ứng dụng để điều trị giảm đau tại Việt Nam . Tuy nhiên, phải mới đây các nhà khoa học mới chứng minh, điện châm kích thích huyệt làm tăng sinh beta-endorphin, một loại morphin có tác dụng giảm đau.
Đề tài khoa học này cũng là một trong những thành tựu y, dược bổi bật của ngành y tế Việt
Phó giáo sư Nghiêm Hữu Thành, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu, Chủ nhiệm đề tài cho biết, một trong những thế mạnh của châm cứu là lĩnh vực điều trị đau bằng phương pháp điện châm, dùng máy phát xung điện kích thích lên các huyệt. Vì thế, nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ cơ sở khoa học của phương pháp này trong điều trị.
Quá trình châm cứu vào các huyệt giúp cơ thể tự sản sinh ra beta-endorphin có tác dụng giảm đau. Ảnh: BV. |
Kết quả nghiên cứu cho thấy, điện châm có hiệu quả cao trong điều trị giảm đau. Nó làm tăng hàm lượng các chất trung gian hóa học tham gia vào cơ chế đau. Chẳng hạn, hàm lượng Beta-endorphin tăng từ 43,58 pg/ml lên 51,70 pg/ml sau điện châm lần 1 và lên 55,94 sau 7 lần điện châm... Beta-endorphin là một loại morphin nội sinh có tác dụng giảm đau tương tự như morphin ngoại sinh.
Phó giáo sư Nghiêm Hữu Thành, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho biết, đặc biệt, điện châm có thể giúp giảm sau đau sau mổ bướu cổ, giảm đau do ung thư thực quản giai đoạn cuối... Thời gian giảm đau kéo dài được 3-4 tiếng. Đồng thời, nó cũng giúp phục hồi chức năng nuốt, uống của người bệnh nhanh hơn, trong khi đó các biện pháp khác không thể can thiệp được.
"Quan trọng là người bệnh không cần phải dùng thuốc giảm đau, điều này đặc biệt có ý nghĩa với bệnh nhân ung thư vùng cổ giai đoạn cuối. Cơ thể đã rất mệt mỏi, suy nhược, nếu dùng thêm thuốc giảm đau chỉ có tác dụng nhất thời nhưng lại tăng thêm khối lượng công việc cho gan, mật vốn đang quá tải. Việc đó khiến 2 bộ phận này bị tổn hại và nhanh chóng dẫn đến suy nhược, dễ có nguy cơ mắc thêm các bệnh khác", phó giáo sư Thành nói.
Cũng theo ông, thực tế thời gian qua, y học cổ truyền đã được hiện đại hóa, kết hợp giữa Đông và Tây y, mang lại hiệu quả điều trị cao. Như phương pháp thủy châm, tiêm vào huyệt những thuốc có chỉ định tiêm bắp như vitamin, thuốc bổ thần kinh, kháng sinh hoặc cấy chỉ tự tiêu vào huyệt, kéo dài tác dụng điều trị... Thậm chí có thể sử dụng kim châm tạo ra hiệu quả vô cảm đủ cho các cuộc phẫu thuật như mổ bụng, cắt dạ dày, bướu cổ... mà không cần dùng thuốc gây mê, gây tê.
Không những thế, những biện pháp châm cứu phổ biến, dễ áp dụng ở ở bất cứ nơi nào, thậm chí ở tận tuyến y tế xã. Chi phí thấp do không đòi hỏi thiết bị y tế cao. Tuy nhiên, người bệnh thường chỉ tìm đến Đông y khi Tây y “hết cách chữa”. Việc coi Đông y như thể đây là “bến cuối cùng" là điều rất đáng tiếc bởi người bệnh đã đánh mất cơ hội cho bệnh nhân hồi phục nhanh hơn.
“Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại không phải là tách rời 2 phương pháp, chữa một đợt Tây y xong mới chuyển sang Đông y mà là kết hợp cùng lúc cả hai. Hiện nay việc kết hợp đang theo kiểu Đông y riêng, Tây y riêng, chỉ khi nào Tây y hết cách mới tìm đến Đông y xem có còn làm được gì không", phó giáo sư Thành nói.
Theo VNExpress