Bài 2: Công nhân giao thông, xây dựng: Khó khăn chồng chất

07/06/2012 19:40

Tình trạng lao động mất việc hiện nay nặng nề nhất nhất tập trung 2 ngành xây dựng, giao thông. Lãi suất ngân hàng cao, công trình nhận thi công quá ít, nhiều công trình đã hoàn thành nhưng chưa được giải ngân nên nhiều doanh nghiệp không lo được việc làm, tiền lương và tiền đóng bảo hiểm cho công nhân. Tiếp tục khó khăn của năm 2011, năm 2012, hàng ngàn lao động đang đối mặt với thất nghiệp. 

Xem Bài 1: Dấu hiệu khó khăn

Chưa lúc nào mà anh Nguyễn Văn Công - công nhân Công ty CP tư vấn thiết kế công trình giao thông 497 lại rơi vào cảnh khó khăn như hiện nay. "Trong bối cảnh khó khăn, việc ít, công ty chỉ bố trí cho khoảng 70% lao động, số còn lại phải tự xoay xở. Công nhân như tôi cũng như hàng chục lao động khác đều phải xin nghỉ tự lo việc, và chỉ được công ty trả lương tối thiểu, đóng BHXH".



Lãi suất ngân hàng cao, công trình nhận thi công quá ít,.. nhiều doanh nghiệp không lo được việc làm, tiền lương và tiền đóng bảo hiểm cho công nhân.

Còn ông Châu Hồng Lâm - Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cp Quản lý và xây dựng công trình giao thông 487 lo lắng: Hiện nay, DN hoạt động trên 2 mảng chính là quản lý duy tu sửa chữa đường bộ và xây lắp công trình giao thông. Công trình nhỏ lẻ, gần 200 lao động cầm cự chỉ biết hôm nay có việc mà không biết ngày mai như thế nào. Hiện tại, DN nợ bảo hiểm 400 triệu đồng, nợ thuế 1,5 tỷ đồng. Là DN nhỏ, vốn điều lệ chỉ 7 tỷ đồng, trong khi đó các chủ đầu tư nợ hàng chục tỷ đồng, lãi suất ngân hàng vẫn còn cao. Nếu DN hoạt động chủ yếu dựa vào tiền vay, phải gánh lãi suất như thời gian vừa qua thì bao nhiêu công sức làm ra, lợi nhuận của DN cũng không đủ để trả lãi suất ngân hàng.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Chủ tịch công đoàn ngành xây dựng cho biết: Tổng số CNVCLĐ ngành Xây dựng (những đơn vị có công đoàn cơ sở sinh hoạt thuộc Công đoàn ngành) là 2.950 người, chưa kể số hợp đồng thời vụ. Thời gian qua, công đoàn các cơ sở đã phối hợp với lãnh đạo đơn vị giải quyết tốt việc làm cho ng­ười lao động. Hiện nay, một số đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng của ngành còn có việc, riêng các đơn vị hoạt động tư vấn Xây dựng gặp khó khăn trong việc thu hồi công nợ và vốn đầu tư nên không quyết toán được lương mà chỉ trả lương cho CNLĐ bằng lương ứng hàng tháng. Công trình thi công cầm chừng, có công trình đang thi công đến giai đoạn cuối nhưng tiến độ chậm, giải ngân chậm, rất khó khăn về vốn vì không được ứng tiếp mà vay ngân hàng thì khó. Các công trình được phép thi công mới rất ít nên lĩnh vực xây lắp gần như không tìm được việc làm mới. Hiện một số doanh nghiệp chỉ nhận được các công trình nhỏ 1-2 tỷ đồng và đa phần là các công trình của tư nhân đầu tư để có việc cho công nhân.

Cùng chung nỗi niềm, chủ tịch công đoàn ngành giao thông vận tải, anh Hà chia sẻ: Hiện đang là thời kỳ "đói giáp hạt" của ngành giao thông. Có công trình, có việc, hết công trình là hết việc. Hàng trăm dự án ngưng trệ. Rất nhiều công nhân lao động không có việc làm phải chuyển việc khác, tìm việc kiếm sống qua ngày.

Một doanh nghiệp thuộc ngành GTVT một thời tiếng tăm làm ăn nên nổi là Công ty CP Tư vấn và xây dựng giao thông Nghệ An được thành lập từ những năm 70 của thế kỷ trước với thế mạnh tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát. Ông Lê Duy Nhã - Phó Giám đốc công ty cho biết: Khó khăn khiến năm 2011 doanh nghiệp nợ thuế hơn 1 tỷ đồng, nợ BHXH 860 triệu đồng. Hiện nay nhiều tỷ đồng vốn nợ đọng nằm trong các công trình mà Công ty thi công nhưng vẫn chưa được chủ đầu tư thanh toán, trong khi đơn vị vẫn phải trả lãi vay cho ngân hàng khiến nguồn vốn lưu động của Công ty đã cạn. Do phải đầu tư nguyên vật liệu cho thi công các công trình cao, lãi suất ngân hàng tăng, công trình nhận thi công quá ít, vốn nợ đọng từ công trình đã hoàn thành nhiều nên công ty chỉ cố gắng lo tiền lương và tiền đóng bảo hiểm cho công nhân.

Khó khăn khiến nhiều kỹ sư, công nhân có tay nghề buộc lòng "khăn gói" ra đi, kiếm tìm việc để nuôi sống bản thân và gia đình. Chảy máu chất xám đang âm thầm diễn ra, nhiều doanh nghiệp không giữ được chân người lao động. "Nhưng với doanh nghiệp chúng tôi thì khó khăn đến mấy cũng cố giữ người. Chúng tôi đang thắt lưng buộc bụng đến mức tối đa, giảm thu nhập các cấp quản lý để trả lương cho công nhân. Quan điểm của ông là “thà chịu lỗ còn hơn mất người” bởi tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực luôn là vấn đề nan giải của các doanh nghiệp xây dựng từ nhiều năm qua. Bởi khi thị trường phục hồi, vấn đề nhân lực lại tiếp tục là bài toán hóc búa." – ông Nhã nhận định.
(còn nữa)


Thu Huyền