Nước sạch cho nông thôn- Bài toán khó!

21/03/2012 15:32

(Baonghean) - Tại nhiều vùng nông thôn, nỗi lo thường trực của họ vẫn là làm sao có nước sinh hoạt hàng ngày, nhất là dịp nắng nóng. Trong khi đó, giải quyết bài toán nước sạch cho khu vực nông thôn thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường cũng đang gặp khó vì thiếu vốn.

(Baonghean) - Tại nhiều vùng nông thôn, nỗi lo thường trực của họ vẫn là làm sao có nước sinh hoạt hàng ngày, nhất là dịp nắng nóng. Trong khi đó, giải quyết bài toán nước sạch cho khu vực nông thôn thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường cũng đang gặp khó vì thiếu vốn.

Tiết trời mới ở độ cuối Xuân nhưng nỗi lo thiếu nước sinh hoạt đã canh cánh trong lòng bà con ở xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên. Bởi, cứ vào Hạ, khi bầu trời "vắng" đi những con mưa lớn cũng là lúc những chiếc bể hứng "nước trời" quen thuộc trong mỗi gia đình ở vùng quê nay vơi dần.




Bể nước lọc từ giếng khoan của gia đình Nguyễn Hữu Hợp bị ố màu do nhiễm phèn.

Mới đầu tháng Ba năm nay, ông Hoàng Đức Lưu ở xóm 9a đã phải bỏ 300 ngàn đồng mua 2,6 khối nước sạch do xe bồn chở từ Vinh về bán. Chuyện phải đi mua nước của người dân ở đây phổ biến đến nỗi ngay trên thành bể nước nhà ông Lưu có in hẳn số điện thoại của đơn vị bán nước ở Vinh. Ông Lưu bảo, có số điện thoạt đó, khi nào mua thì gọi, họ chở về liền. Nhưng nước mua nên phải dùng dè xẻn, tiết kiệm, chủ yếu là để vo gạo nấu cơm, nấu nước uống còn chuyện tắm, giặt thì sử dụng nước giếng khoan.


Vì sao không dùng nước giếng khoan?- Tôi hỏi. "Không riêng gì nhà tui, hầu như địa bàn cả xã Hưng Trung nước giếng khoan đều nhiễm mặn. Vị nước lờ lợ nên không dùng để nấu nướng, ăn uống được. Tết rồi, mấy đứa con ngoài Hà Nội về biếu bố mẹ cái máy giặt mà có dám nhận mô chú. Nước mưa thì không đủ dùng, nước giếng thì sợ làm hư máy", ông than thở.


Cứu cánh cho nước sinh hoạt nhiều hộ chỉ còn trông vào "nước trời". Chẳng hạn gia đình anh Nguyễn Hữu Hợp (28 tuổi) cùng ở xóm 9a đã đầu tư 3 bể 1,5 khối và 1 bể lọc 3 khối để hứng nước mưa. Theo như anh Hợp cho biết thì số bể ấy cũng chỉ đủ chứa nước mưa cho 5 người dùng một cách dè xẻn, phục vụ những nhu cầu cơ bản nhất. Nếu năm nào hạn nặng, trời ít mưa thì phải đi mua nước. Cũng như nhà ông Lưu, nhà anh Hợp cũng có nước giếng khoan sâu 32m song chỉ để tắm giặt dù đã được lọc.


Cả xã Hưng Trung có 15 xóm với hơn 9.000 nhân khẩu nhưng hầu như gia đình nào cũng "bóp bụng" xâybể hứng nước mưa. Và như trao đổi với ông Hoàng Đức Lưu- xóm trưởng xóm 9a: "Mong muốn lớn nhất là có một công trình cung cấp nước sạch, chứ bây giờ giếng làng cũng bị ô nhiễm hết rồi, không dùng được. Đi mua nước thì không mấy gia đình có điều kiện, giá cao quá". Ắt hẳn đây cũng là điều mong muốn của gần một vạn dân ở Hưng Trung và của cả nhiều vùng nông thôn khác.


Ông Phan Bùi Mỹ - Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh về các dự án đầu tư nước sạch cho khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh cho biết: Trung bìnhđầu tư cho một công trình nước sạch mất từ 16 -17 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ 60%, nhân dân đóng góp 40%. Còn như ở Hưng Trung (Hưng Nguyên), không dưới 20 tỷ đồng. Tỷ lệ đóng góp như vậy nên việc huy động sự đóng góp của người dân ở khu vực nông thôn là rất khó, vì đa số kinh tế còn nghèo.Bên cạnh đó, địa bàn Nghệ An quá rộng, địa hình phức tạp. Dân cư đông lại phân bố phức tạp theo vùng miền nên việc xây dựng các công trình nước sạch hết sức khó khăn.


Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, đến hết năm 2011 theo tiêu chí tạm thời của tỉnh thì tỷ lệ dân số khu vực nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 83%, mục tiêu đề ra là 85%; Còn theo tiêu chí đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì mới chỉ đạt 64%. Điều đáng chú ý là trong số 64% này, mới chỉ có 24,5% dân số được sử dụng nước đảm bảo theo tiêu chí sạch của Bộ Y tế.


Khu vực nông thôn đang chịu tác động của sự biến đổi của khí hậu, môi trường, tài nguyên, trong đó tài nguyên nước ở đây có sự suy giảm đáng kể. Vì vậy, việc đảm bảo nước sạch cho khu vực nông thôn là việc làm cần thiết góp phần nâng cao chất lượng sống của hàng triệu người dân.


Thành Duy