Nẻo đường hoa ban nở

26/03/2012 15:00

(Baonghean) - Nhiều lúc, tôi cứ đinh ninh rằng hoa ban chỉ có ở vùng đất Tây Bắc xa xôi. Nhưng rồi, qua chuyến hành trình vào các xã Đoọc Mạy và Keng Đu của huyện Kỳ Sơn, tôi chợt nhận ra rằng loài hoa mang tính biểu tượng văn hóa của vùng Tây Bắc Việt Nam vẫn hiện hữu giữa những cánh rừng miền Tây xứ Nghệ...

(Baonghean) - Nhiều lúc, tôi cứ đinh ninh rằng hoa ban chỉ có ở vùng đất Tây Bắc xa xôi. Nhưng rồi, qua chuyến hành trình vào các xã Đoọc Mạy và Keng Đu của huyện Kỳ Sơn, tôi chợt nhận ra rằng loài hoa mang tính biểu tượng văn hóa của vùng Tây Bắc Việt Nam vẫn hiện hữu giữa những cánh rừng miền Tây xứ Nghệ...

K hi mùa Xuân đang bước vào độ "chín", chúng tôi lên với vùng rẻo cao biên giới Kỳ Sơn để được thỏa thuê ngắm cảnh bản làng, rừng núi trong cảnh sắc Xuân, tình Xuân ấm áp vàdạt dào sức sống. Từ ngã ba Huồi Tụ, rẽ theo tuyến đường về các xã Na Loi - Đoọc Mạy- Keng Đu, bắt đầu chạm đến địa phận xã Na Loi, tôi thật sự ngỡ ngàng và gần như bị "hút hồn" trước vẻ đẹp trắng trong, tinh khiết của những đóa hoa ban thấp thoáng trong màn sương mây mờ ảo.

Không phải "Một rừng ban nở trắng xinh/Một tình yêu tôi có giữa núi rừng mờ xa" như ca từ bài hát "Thư tình của núi" của nhạc sỹ An Thuyên nhưng những đóa ban trắng ngần lác đác khắp tuyến đường cũng đủ để tâm hồn người khách miền xuôi ngân lên nỗi xao xuyến, bồi hồi. Anh Moong Thái Nhi, Phó phòng Văn hóa huyện Kỳ Sơn, người bạn đồng hành cho biết: "Trước đây, những cánh rừng và thung lũng vùng này toàn là cây hoa ban.

Nhưng mấy năm gần đây, bà con phát nương làm rẫy quá nhiều nên cây hoa ban chỉ còn mọc rải rác". Qủa thật, cây hoa ban ở đây giờ không mọc thành rừng mà đứng rải rác ven bờ suối, mép rẫy và dọc các tuyến đường, thi thoảng mới có khoảng từ 3- 5 cây chụm lại gần nhau để cùng đua sắc.




Hoa ban duyên dáng khoe sắc giữa núi rừng miền Tây xứ Nghệ.

Vẻ quyến rũ của sắc hoa ban buộc khách miền xuôi phải tạm dừng cuộc hành trình để được ngắm nhìn thỏa thích. Loài hoa đã từng nhiều lần đi vào thơ, ca, nhạc, họa này khi vừa hé nụ pha sắc tím nhạt. Khi nở bung, sắc tím dồn vào nhụy, còn những cánh hoa toát lên một mầu trắng nuột nà, tinh khiết. Nếu ví sắc hoa ban với vẻ đẹp của những cô gái vùng cao, tôi nghĩ rằng vẻ đẹp của hoa ban lúc hé nụ chính là vẻ e ấp, thẹn thùng trong buổi đầu gặp gỡ của các cô gái Thái, Mông và Khơ mú nơi núi rừng biên giới. Còn khi đóa ban nở xòe chính là vẻ đẹp của những sơn nữ khi cùng khách xa uống nhạt vò rượu cần, vẻ mặt rạng rỡ, tâm tình cởi mở và bắt đầu bước vào điệu lăm vông, điệu xòe trong dáng điệu nhịp nhàng, uyển chuyển.

Hoa ban nở rộ trong tháng ba, và sang đầu tháng tư hoa bắt đầu tàn. Người dân nơi đây còn dựa vào mùa hoa ban để làm lịch thời vụ. Lúc hoa ban hé nụ, bà con bắt đầu phát rẫy. Mùa hoa ban tàn cũng là lúc hạt giống được tra vào đất. Dưới bàn tay khéo léo của những người phụ nữ vùng cao, cánh hoa ban có thể chế biến thành những món ăn dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn như canh, nộm hoặc hông với xôi. Vị ngọt của hoa ban đã đem lại cho hương vị những món ăn này thêm phần đậm đà, khách xa thưởng thức một lần phải nhớ mãi.


Người Thái ở Tây Bắc lưu truyền một câu chuyện truyền thuyết về hoa ban mang đậm tính nhân văn và đưa loài hoa này trở thành biểu tượng của sự thủy chung, son sắt trong tình yêu đôi lứa. Một lần xem Truyền hình giới thiệu đất nước, con người Tây Bắc tôi nhớ những người làm chương trình có nhắc tới hội xên bản, xên mường. Hội này còn có tên gọi là Hội Hoa ban, bởi lẽ được mở vào mùa hoa ban nở. Đây chính là hội cầu mùa, cầu phúc của bà con các dân tộc. Ở đây, trai gái có dịp được hát giao duyên, được chung vui bên vò rượu cần và nắm tay mở rộng vòng xòe để thắt chặt tình thân ái...


Trên nẻo đường hoa ban của núi rừng biên cương, nhớ đến câu chuyện truyền thuyết và hội xên bản, xên mường ở Tây Bắc, trong tôi chợt hiện ra một vài câu hỏi. Phải chăng núi rừng miền Tây xứ Nghệ có thổ nhưỡng và khí hậu giống với Tây Bắc nên mảnh đất này có sự hiện hữu của loài cây hoa ban? Hay loài cây này vào đây theo bước chân di trú của các thế hệ người Thái, Mông và Khơ mú? Và rồi, trong suốt cuộc hành trình, tôi cứ miên man suy nghĩ giá như ở miền Tây xứ Nghệ, cây hoa ban được mọc thành rừng và nở rộ trong tiết trời ấm áp của mùa Xuân, bà con nơi đây cùng mở hội xên bản, xên mường chắc sẽ có nhiều du khách tìm về để chiêm ngưỡng và khám phá vẻ đẹp của một miền quê sơn dã.


Công Kiên