Nỗi đau làng biển
Đã mấy hôm nay, không khí đau thương trùm khắp lên ngôi làng bé nhỏ ven biển Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu) khi 3 ngư dân của ngôi làng này- những người đàn ông trụ cột của các gia đình (trong đó có 2 người là bố con) - không còn trở về trong một chuyến tàu định mệnh. Bao năm qua, người dân Quyết Tiến bám biển mưu sinh, thăng trầm với những chuyến vào khơi, ra lộng, đã không ít lần vật lộn với sóng cả, bão bùng, nhưng chưa bao giờ nỗi mất mát lại lớn đến thế!
(Baonghean) - Đã mấy hôm nay, không khí đau thương trùm khắp lên ngôi làng bé nhỏ ven biển Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu) khi 3 ngư dân của ngôi làng này- những người đàn ông trụ cột của các gia đình (trong đó có 2 người là bố con) - không còn trở về trong một chuyến tàu định mệnh. Bao năm qua, người dân Quyết Tiến bám biển mưu sinh, thăng trầm với những chuyến vào khơi, ra lộng, đã không ít lần vật lộn với sóng cả, bão bùng, nhưng chưa bao giờ nỗi mất mát lại lớn đến thế!
Một gia đình, hai cái tang
Chiều muộn, nắng vẫn đổ gay gắt, gió Lào thổi ràn rạt. Bước chân vào ngôi nhà anh Trần Đình Hội (thôn Quyết Tiến, Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu) tiếng gào khóc thảm thiết của chị Trương Thị Nga khiến ai cũng cảm thấy xót xa, đau đớn. "Anh ơi, con ơi, răng lại đi hết rứa? Tôi biết sống răng đây hả trời"! Trước đó mấy tiếng đồng hồ, người ta mới tìm được xác của chồng chị. Hôm qua vừa đưa tang con, hôm nay lại đưa tang chồng, chị đã không còn đủ sức mà trụ vững được nữa.
Những người dân trong xóm đến dự lễ tang chật kín cả trong sân ngoài ngõ. Ngôi nhà bỗng chốc có hai bàn thờ khói hương nghi ngút của hai cha con (anh Trần Đình Hội và cậu con trai Trần Đình Quỳnh). Chị Phan Thị Phương là hàng xóm, cũng là họ hàng của gia đình nghẹn giọng: "Cả mấy ngày ni rồi mẹ Nga ngất lên ngất xuống, không ăn uống được chi cả. Mỗi khi tỉnh dậy được thì gào khóc gọi tên chồng, tên con". Có về đến tận nơi, nhìn gương mặt hốc hác, dáng hình xiêu vẹo luôn phải có người dìu 2 bên vì không thể nào tự mình đứng dậy nổi của chị bên linh cữu chồng, khản đặc giọng vì khóc quá nhiều mới cảm nhận thấy nỗi đau lớn đến nhường nào. Trên chuyến tàu định mệnh mang số hiệu NA QL 2405 TS của gia đình, anh Hội và 2 con trai đầu (sinh đôi) cùng ra khơi, chỉ một người con còn sống sót trở về.
Nghe những người họ hàng của gia đình kể lại: Lúc 12h đêm đó, anh Hội có gọi điện về nhà cho vợ bảo: "Anh đang trên đường về rồi, gần về đến lạch, nhưng giờ gió to lắm, không nghe được chi nữa cả"... Thế rồi sau đó, khi chị gọi điện lại thấy không liên lạc được, chị Nga linh tính có chuyện chẳng lành xảy ra với chồng con mình, lòng chị như lửa đốt...
Trước chuyến đi, anh Hội có cảm nhẹ, đến khi lên thuyền ra khơi thì ốm nặng hơn và trong suốt 3 ngày liền gần như không ăn uống được gì cả. Có lẽ vì thế nên anh mới đuối sức và không thể bám vào cái gì để bơi được. Cậu con trai Trần Đình Quỳnh lúc đó đứng cạnh bố, biết bố mình đang yếu, thương bố quá, cố sức cứu bố nhưng rồi không được nên cả hai cha con mới cùng chìm. Còn Trần Đình Diện, một người con khác của anh Hội, sau khi tàu bị lật thì vớ được hai cái áo phao, mặc vội một cái vào cho mình rồi đi tìm anh và bố nhưng không thấy ở đâu. Thuyền lúc đó đang trên đường trở về, chỉ còn cách cửa lạch có 4 hải lý.
Chị Phương xót xa nói: "Thằng Quỳnh mà không có chuyện chi xảy ra, thì tháng 6 này cưới vợ"!
Ngoài sân, 2 người con trai ông Hội đang quỳ lạy làm lễ cho bố. Cậu con trai Trần Đình Diện cứ gục đầu xuống như muốn quỵ. Ký ức kinh hoàng về ngày bố và người anh trai sinh đôi ra đi trên cùng một chuyến tàu với mình có lẽ không bao giờ có thể nguôi quên được.
Đám tang đưa đi, mẹ của anh Trần Đình Hội không đi tiễn con như tục lệ của người dân quê. Bà ngồi thẫn thờ, đôi mắt đục mờ không còn giọt nước mắt nào để khóc. Thân thể già nua tựa nơi góc cửa, nhìn ra cổng đăm đăm như không tin vào sự thật mấy ngày qua, và bà vẫn như đang đợi con, đợi cháu trở về. Chút sức lực còn lại của người bà, người mẹ chỉ đủ để nói lẩm nhẩm những câu lặp đi lặp lại như để cho chính mình nghe: "Khổ mô mà kể cho hết trời ơi!"
Ám ảnh người trở về
Ngày 11/4, tức ngày 22/3 âm lịch, chuyến tàu NA QL 2405 TS rời bến ra khơi như bao hành trình khác. Đến tối ngày 20/4, thuyền bắt đầu trở về, chỉ còn cách cửa lạch 4 hải lý thì gió bắt đầu thổi mạnh. Đến 2h sáng, cơn lốc xoáy trở nên dữ dội, 11 thành viên trên thuyền vẫn đang thức để hất nước tạt vào trong thuyền. Nhưng sau đó gió càng lúc càng mạnh hơn, sóng dâng cao làm cho thuyền bị lật.
Anh Hoàng Văn Kim (SN 1973), một ngư dân trở về từ chuyến tàu định mệnh kể lại: "Chúng tôi đều bị hất văng ra khỏi thuyền, và cố bám được thứ gì thì bám. Trong lênh đênh sóng gió, có những lúc đầu óc mang ý nghĩ tuyệt vọng, rằng đã hết, chẳng mong gặp lại người thân. Tôi cùng 4 anh em nữa bám được trên 3 chiếc phao, nhắn bảo cùng nhau: "Nếu may mắn được sống thì cùng sống, còn nếu chết thì cũng chết cùng nhau".
Suốt từ 2h tới 8h sáng trôi dạt trên biển, vừa đói, vừa rét, sức lực cạn kiệt vì thức suốt đêm, nhưng khi cận kề với cái chết thì khát vọng sống trở nên vô cùng mãnh liệt. Ai cũng cố bám chắc vào phao, chỉ sợ một cái vuột tay thì sẽ không còn đường trở về được nữa. Anh Kim nói: "Lúc đó, sao tôi chỉ ước mình được sống, và thèm khát vô cùng được ngồi bên đống lửa và trên tay bưng 1 bát cơm nóng".
Và họ đã chống chọi được với sóng gió cho đến khi những ngư dân ở vùng biển Tiến Thủy nhìn thấy và kéo vào. Giây phút nhìn thấy mọi người vây quanh, nhìn thấy bờ dần hiện ra trước mắt là giây phút hồi sinh hạnh phúc nhất của những người gặp nạn.
Ông Lê Văn Thuyết, Phó Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Lập cho biết: "Sáng sớm ngày 21/4, chúng tôi được những ngư dân xã Quỳnh Tiến thông báo cứu sống được 5 người dạt trên biển của tàu cá Quỳnh Lập, thì ngay lập tức đã tổ chức đội cứu hộ. Cùng phối hợp với Đồn Biên phòng 114 để tìm kiếm những người bị nạn, có người đã dạt sang tận vùng biển Diễn Châu".
Thế nhưng, chuyến tàu ra đi 11 người chỉ 8 người may mắn được cứu sống trở về, còn 3 người: Trần Đình Hội (42 tuổi), Trần Đình Quỳnh (20 tuổi, con anh Hội) và anh Lê Văn Thành (32 tuổi, em rể anh Hội) đã ra đi mãi mãi. Những người trên thuyền đều là bố con, anh em, họ hàng thân thiết của nhau, người đi thiệt phận mình, còn người đấu tranh với thời khắc sinh tử trở về cũng mang nỗi ám ảnh, xót xa.
Từ trước tới nay, cũng có những lần tàu gặp bão, nhưng chưa một người con nào của ngôi làng ra đi vì đắm thuyền, họ cố ngoi lên mặt biển, bám chắc vào bàn tay giúp đỡ của những người ngư dân khác lên bờ, rồi còn người còn của, họ lại bắt tay vào những chuyến đi mới. Thế nhưng lần này, lại có những người con, người chồng, người cha chẳng trở về nhà.
Chúng tôi trở về khi hoàng hôn buông chậm xuống bãi biển Quỳnh Lập. Mặt trời hắt những vệt nắng đổ dài bóng người đứng trên thuyền. Phía xa kia, những con thuyền đang quây lại để kéo chiếc tàu bị nạn sắp vào bờ. Người dân vẫn đang mua, bán, trò chuyện trên bến cá. Nhưng những khuôn mặt bồn chồn hơn, lo lắng hơn, họ ngóng ánh mắt về phía con tàu gặp nạn. Nghề chim trời cá nước, cuộc sống mưu sinh vất vả, biết là rủi ro, bất trắc, có khi phải đánh đổi bằng cả mạng sống con người, nhưng như cái nghiệp, sống nhờ biển, và rồi yêu thương biển cả mà không thể nào dứt đi được.
Chiều ngày 25/4, lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu đã tới thắp hương, chia buồn và động viên các gia đình có người chết trong tai nạn chìm tàu tại xã Quỳnh Lập, trước mắt hỗ trợ mỗi gia đình có người thiệt mạng 4 triệu đồng. |
Hồ Lài