Bảo tồn bản sắc văn hóa: Nhìn từ hội thi ẩm thực

22/04/2012 09:53

(Baonghean) - Ở các huyện miền núi- vùng cao, vào dịp lễ hội hay tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc, hội thi ẩm thực cũng là một trong những nội dung thu hút đông đảo người dân và du khách.

Tại các hội thi, ban tổ chức thường đưa ra quy định giới hạn tối đa về số tiền chi cho việc tổ chức mâm cơm, mà vẫn bảo đảm tiêu chuẩn về dinh dưỡng. Cùng với đó là tiêu chuẩn về nguyên liệu (ưu tiên những sản vật gần gũi), cách chế biến, bài trí và lời thuyết minh hấp dẫn. Đây chính là những thử thách đặt ra cho các đơn vị dự thi. Những chị em dự thi vừa khéo léo, có khiếu thẩm mỹ, nói năng linh hoạt, lại vừa giỏi tính toán để “liệu cơm gắp mắm”. Vì thế, mâm cơm của các đơn vị tham gia các hội thi ẩm thực đều đạt yêu cầu trở lên.



Phụ nữ huyện Con Cuông chuẩn bị mâm cơm dự thi ẩm thực

Nhìn vào mâm cơm, dễ dàng nhận thấy những sản vật rất đỗi gần gũi của núi rừng, sông suối và bản làng miền Tây Nghệ An, qua bàn tay khéo léo của phụ nữ vùng cao lập tức trở thành những đặc sản. Đó là những món ăn chỉ cần nhắc đến, nhiều vị khách miền xuôi đã thích thú như gà đồi, lợn đen, cá lăng, cá mát, ốc suối, cơm lam, xôi ngũ sắc, bánh chưng, bánh sừng bò, chẻo, moọc, măng rừng và rượu cần... Mùa nào thức ấy, mỗi thứ một cách chế biến đã làm nên hương vị đặc trưng của núi rừng vùng cao. Sự tinh tế và khéo léo của người phụ nữ vùng cao còn thể hiện ở cách sắp đặt, bài trí mâm cơm. Ở đây, có sự hài hòa về chất liệu, hình khối và màu sắc. Nhìn những mâm cơm như thế, nhiều người khẳng định nó không chỉ dừng lại ở việc ăn uống thường ngày mà đã trở thành một nghệ thuật.

Cùng với mục đích tôn vinh sự khéo léo, tinh tế của người phụ nữ, việc tổ chức hội thi ẩm thực chính là dịp để bảo tồn bản sắc văn hóa, cụ thể là nét văn hóa ẩm thực. Nhịp sống hiện đại đã bắt đầu vươn đến các bản, làng vùng cao, con người nơi đây cũng đã bắt đầu bận rộn hơn với công việc mưu sinh hàng ngày, không còn nhiều thời gian để chế biến những món ăn truyền thống. Những món ăn này đòi hỏi người chế biến sự cầu kỳ, tỷ mẩn và khéo léo. Cùng với đó là sự phát triển của thịt trường, hầu hết các mặt hàng, trong đó có lương thực, thực phẩm được vận chuyển đến tận từng bản làng, rất thuận tiện cho những người nội trợ. Do vậy, những món ăn truyền thống đang dần vắng trong mâm cơm của các gia đình. Chị Hà Thị Hằng (dân tộc Thái), bản Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông) chia sẻ: “Công việc ngày càng bận rộn, không còn nhiều thời gian để nấu những món ăn truyền thống nên hội thi ẩm được tổ chức hàng năm chính là dịp để tìm về những nét đẹp của tổ tiên truyền lại”.

Ông Nguyễn Huy Chương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Con Cuông cho biết: “Vào dịp tổ chức Ngày hội Văn hóa- Thể thao các dân tộc hàng năm, chúng tôi luôn dành một thời lượng đáng kể cho nội dung thi ẩm thực. Đó cũng là một phần quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương”.


Tường Anh