Cần sớm đầu tư lò xử lý rác thải y tế bằng công nghệ cao

24/04/2012 18:13

(Baonghean) - Vì nhiều lý do khác nhau, việc xử lý rác thải y tế ở tỉnh ta chưa nhận được sự đầu tư đúng mực, đang trở thành vấn đề "nóng", gây bức xúc trong nhân dân và ngay chính cả ở các bệnh viện.

Trong tuần đầu tháng 4, kho chứa rác thải y tế của Bệnh viện Nhi Nghệ An chất đầy các loại bệnh phẩm, kim tiêm, bông gạc, chai lọ... Tuy nhiên, rác thải y tế sau khi thu gom, phân loại ở các phòng, khoa vẫn không ngừng được đưa về, khiến kho nằm trong tình trạng quá tải. Bác sỹ Lê Thị Châu - Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn - Bệnh viện Nhi cho hay: "Theo sự chỉ đạo của Sở Y tế, từ tháng 11/2011 rác thải y tế của Bệnh viện Nhi sẽ được chuyển ra lò đốt của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi để xử lý. Nhưng hiện tại lò đốt của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đang hư hỏng nên rác thải đành phải lưu giữ, bảo quản tại kho. Biết để lâu sẽ gây ô nhiễm nhưng Bệnh viện Nhi cũng không thể giải quyết bởi không có lò chuyên dụng...".

Tìm hiểu tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi thì được biết: Lò đốt rác thải bị hỏng bộ phận ghi và tụ điều khiển, hiện đang được đơn vị bảo hành là Viện Công nghệ kỹ thuật môi trường tiến hành sửa chữa và dự kiến tới cuối tháng 4 mới được sửa xong. Chị Cao Thị Huệ - Kỹ thuật viên trưởng, Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn cho biết: "Lò được đưa vào sử dụng từ năm 2007 và hoạt động bình thường, nhưng kể từ khi nhận đốt thêm cho 4 cơ sở y tế khác là Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Nhi, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Bệnh viện Giao thông thì hư hỏng liên tục do quá tải. Từ đầu năm đến nay, lò đốt của bệnh viện đã phải đốt tới 2.486 kg rác thải y tế của 4 bệnh viện và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong khi công suất lò này chỉ cho phép đốt với khối lượng 20 kg/giờ, mỗi ngày đốt 3 giờ".



Lò đốt của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An đang hư hỏng, gây ô nhiễm vì quá tải

Quan sát trực tiếp tại lò đốt của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, thấy rõ: Lò đốt này quá nhỏ, tro than của rác thải y tế sau khi đốt không cháy hết hoàn toàn (lượng tro than này hiện khá nhiều và chính bệnh viện cũng chưa biết nên xử lý như thế nào). Theo những người dân xóm 4, xã Nghi Vạn, thời gian gần đây, những hôm trời trở gió, khói từ lò đốt bay vào tận nhà dân, gây mùi hôi thối rất khó chịu. Nhiều người bày tỏ lo lắng ô nhiễm từ lò đốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người trong gia đình.

Nói đến chuyện ô nhiễm từ lò đốt rác thải y tế thì có lẽ không đâu bằng Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc. Cơ sở vật chất Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc được kế thừa từ bệnh viện huyện Nghĩa Đàn cũ - được xây dựng từ năm 1980, với 80 giường bệnh. Cũng với từng ấy phòng bệnh, nay bệnh viện phải thực hiện nhiệm vụ chăm sóc cho 250 giường bệnh nhân. Sự quá tải bệnh nhân đã kéo theo quá tải về rác thải y tế với 50-60 kg/ngày. Số lượng rác thải y tế lớn như vậy nhưng bệnh viện chỉ có một lò đốt thủ công xập xệ, đốt bằng dầu. Mỗi ngày bệnh viện đốt rác thải một lần, mỗi lần như vậy, khói đen lại bốc lên cuồn cuộn, theo gió phát tán vào khu dân cư. Bác sỹ Tăng Việt Hà - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc thừa nhận, bệnh viện không kiểm soát được độ phát tán của khói cũng như sự độc hại của nó.

Theo số liệu của ngành Y tế thì ở Nghệ An hiện có 39 bệnh viện, với 7.341 giường bệnh. Lượng chất thải rắn y tế bình quân 1,3 kg/giường/ngày, trong đó 25% là chất thải rắn y tế nguy hại. Như vậy, trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh có từ 2.500 kg - 3.000 kg chất thải rắn y tế nguy hại được thải ra. Ước tính năm 2012, riêng lượng chất thải rắn phát sinh của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố và vùng phụ cận gần 2300 tấn , trong đó chất thải rắn nguy hại 573 tấn. Trước đây, số rác thải này được tập trung tại lò đốt rác thải Hoval ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh với công suất 400 - 500 kg rác/24h. Tuy nhiên, hiện nay lò đốt tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh đang quá tải và xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Do đó, các cơ sở y tế phải phân tán rác thải, đưa về lò đốt ở các bệnh viện huyện như bệnh viện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Bệnh viện Lao... Tuy nhiên, các lò đốt này có công suất nhỏ, tuổi thọ thấp, lại nằm trong khu dân cư gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ người dân.

Để giải quyết tình trạng "bí" trong việc xử lý rác thải, vừa qua UBND tỉnh đã giao Sở Y tế phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng và hoàn thiện đề án "Đầu tư xây dựng Trung tâm xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung" cho các cơ sở y tế khu vực TP. Vinh và các huyện phụ cận, giai đoạn 2012 - 2020 bằng công nghệ vi sóng hiện đại và tiên tiến nhất, với công suất 2.500 - 3.000 kg/ngày. Hiện đề án này đang trong quá trình hoàn thiện và chờ phê duyệt. Theo đó, lò đốt rác của trung tâm sẽ sử dụng công nghệ vi sóng để khử khuẩn, không gây ô nhiễm môi trường. Đến năm 2015 có 75 - 80% cơ sở y tế được xử lý rác thải rắn nguy hại đạt tiêu chuẩn môi trường; đến năm 2020 có 100% cơ sở y tế được xử lý rác thải rắn nguy hại đạt tiêu chuẩn môi trường, trong đó 70% được tái chế tái sử dụng. Đầu tư ban đầu cho một lò đốt rác không khói bằng công nghệ "vi sóng" trên 51 tỷ đồng. Có thể nói đây là đề án hết sức cần thiết, tạo an toàn cho cộng đồng, giải quyết triệt để bài toán về rác thải y tế. Tuy nhiên, trước mắt để giải quyết tình trạng "nóng" của rác thải hiện nay, ngành Y tế Nghệ An cũng nên tìm thêm giải pháp bổ trợ cho các biện pháp tình thế đang áp dụng.


Thành Chung - Từ Thành