Bài 3: Dọc ngang Vịnh Bắc bộ
(Baonghean) - "Có ra nơi sóng gió biển trời Tổ quốc này mới thấy hết được ý nghĩa của những con tàu xa khơi bám biển. Các thuyền viên bình dị của con tàu NA-90331-TS này, với những chuyến bám biển thách thức sóng gió trùng dương, chính là sự hiện diện góp phần khẳng định chủ quyền của đất nước".
Ngày thứ ba. Biển vẫn ắng, nhìn bốn phía ảo giác như nếu có một bàn tay khổng lồ vén màn mây mù lên, ngay lập tức phía chân trời sẽ xuất hiện một làng quê trù phú thân thuộc. Ấy là chỉ vì cái nỗi nhớ đất liền.
Chợt tôi nghe phía boong tàu tiếng người rù rì lúc âu yếm dụ dỗ, lúc giận dữ dọa nạt... Thì ra lão Dưỡng dậy từ lúc nào, đang lom khom rình bắt một con chim biển đậu đầu mũi tàu.
Con chim trông giống như một loài ó, ngạo nghễ giương đôi mắt tròn ve nhìn lão Dưỡng. Mỗi lần lão vụt cái cần câu lên, nó lại khoan thai nhún mình vỗ cánh liệng một vòng rồi đậu lại. Lão Dưỡng lại tức giận lẩm bẩm: "Mày láo lắm con ơi! Mày chết rồi con ơi!... Có giỏi mày cứ đậu đó xem nào!". Rồi lão lại thon thót vụt cái cần câu lên. Tôi bật cười, lão bẽn lẽn quay lại, dứ dứ tay về phía con chim biển và săm sắn đi múc nước sạch giục tôi đánh răng rửa mặt...
Đối với kẻ đi biển lần đầu như tôi, thì cái sự đánh răng rửa mặt đã là kỳ công rắc rối. Cứ phải một chân choãi ra sàn tàu, một chân cài vào một cái hốc bất kỳ nào đấy để giữ thăng bằng. Không khéo thì bàn chải có thể thọc sâu vào miệng hay trượt rách cả môi. Nhưng khổ sở hơn là làm các việc vệ sinh khó nói khác, kín đáo quen rồi nên cứ nín nhịn chờ mọi người ngủ cả mới dám "hành sự". Ngồi lại phải thõng thượt một tay ôm cọc gỗ, một tay bám vào cái mỏ neo cũ buộc ở góc cuối đuôi tàu. Các thủy thủ thì khác, quen rồi, có khi cả tàu tắm cứ nồng nỗng.
Ngoài hai cha con lão Dưỡng là cha con anh Toàn. Thằng Thành con út mới 19 tuổi, tóc nhuộm vàng chóe, cổ đeo dây xanh dây trắng hết banh-sơ-lam lại vuốt hổ... nhưng tính lành hết mực, lại siêng năng nhanh nhẹn không nề hà việc gì kể cả nấu ăn, rửa bát. Nó sắp sửa đi xuất khẩu lao động nghề biển ở Đài Loan theo chân anh trai nó. Ở Quỳnh Long hiện có 720 lao động đi xuất khẩu chủ yếu ở thị trường Đài Loan, Hàn Quốc và một số ít ở Nga.
Trên tàu có Dũng, em vợ Thu, đã 31 tuổi vẫn chưa vợ; thằng Hải tuổi hăm ba đã vợ con, cũng rấp ranh làm hồ sơ đi xuất khẩu. Đi đánh cá ở Đài Loan, tháng thu nhập 7 triệu đồng như ở nhà, nhưng bọn trẻ ham đi vì giữ được đồng tiền gửi về gom vốn. Ở nhà đi nghề, tiêu pha lãng phí lắm. Phải nói, Quỳnh Long bây giờ rộn rịp xây nhà xây cửa, đồng ra đồng vô thúc đẩy dịch vụ phát triển, một phần nhờ đồng tiền gửi về từ xuất khẩu lao động. Đất đai cứ tính một "mét chạy" chỗ rẻ cũng không dưới 20 triệu đồng.
...Tàu tiếp tục neo chờ con nước để tiếp tục hải trình. Các tàu Quỳnh Long sau mấy đêm đầu bám biển không có cá đã tản mát đi khắp nơi, cách xa nhau cả hàng trăm cây số. Đợt đi khơi này, Quỳnh Long có khoảng 20 tàu công suất lớn. Bộ đàm lại ỗm oãm tiếng than phiền của các tàu về sự hiếm hoi cá mú, mong mỏi chỉ kiếm đủ tiền dầu trở về chờ may rủi ở chuyến sau.
Nhiều tàu gửi lời "hỏi thăm nhà báo" có say sóng không, uống rượu vui không? Thì ra chuyện tôi có mặt trên tàu NA- 90331-TS đã được hầu hết các tàu trong chuyến biển này thông báo cho nhau. 10h00' ăn cơm xong, ai không ngủ thì tranh thủ lên boong vá lưới và cuốn lại cáp - công việc hàng ngày khi đi biển. Một bộ lưới vây như của tàu Thu, có giá tới 500 triệu đồng. Vừa đánh bắt vừa vá, cheo nào nát quá thì khi về bờ thay cheo ấy. 14h00', tàu nhổ neo ở tọa độ 18o55-106o52. Thu quyết định trực chỉ vùng biển Bạch Long Vĩ.
Gió lạnh. Thi thoảng có mưa bụi. Chợt trời sáng rỡ lên, ánh mặt trời hiếm hoi xuất hiện, mặt biển bàng bạc sóng. Có tiếng reo: "Cá voi! Cá voi...". Cách tàu chúng tôi về phía Tây khoảng 0,5 hải lý, một cột nước trắng xóa vọt lên trên mặt biển; sau mấy lần như thế, con cá voi gồng cái vây to lớn nhọn hoắt lên rồi lặn mất. Thu bảo, đi biển giáp cá voi thế này chắc là sẽ gặp may mắn đây!
Tọa độ 18o58 - 107o02. Đã rất xa đất liền. Đây là vùng khơi Thanh Hóa với độ sâu nước biển hơn 60m. Đã có thêm nhiều tàu cá Quảng Bình chạy ra đánh bắt ở đây. Bốn xung quanh tàu thuyền sáng đèn lung linh huyền ảo nhìn như một thành phố trong phim giả tưởng. Trong vầng sáng của đèn giàn, cơ man là én biển chao liệng vun vút trên đầu như những ngôi sao chổi khổng lồ. Mẻ lưới thứ hai. Vẫn không khả quan hơn là mấy, chỉ được dăm khay cá hố, nếu bán được giá (80.000đ/kg) khoảng 5 triệu đồng. Thằng Chung - bạn ngang người xã Sơn Hải, bé loắt choắt nhưng mồm mép lém lỉnh, nhảy loi choi chỉ tay một vòng hát: "Một bầy tang tình con nít... lội... lội... lội..." rồi im bặt khi đồng loạt mấy cặp mắt lừ lên nhìn nó rồi liếc về thuyền trưởng Thu đang đăm đăm nhìn đụt lưới nhẹ bẫng.
Ngày thứ tư. Trời lạnh và sương mù, tầm nhìn trên biển chỉ vài cây số. Sương đặc quánh đọng theo những khe nhỏ trên mạn tàu, thò thụt theo nhịp rung lắc của con sóng sinh động như những chiếc đuôi rắn biển. Đang tọa độ 19o07 - 107o01, thuộc vùng khơi biển Thanh Hóa giáp Ninh Bình. Tàu chúng tôi tiếp tục hải trình trực chỉ vùng biển Bạch Long Vỹ. Bắt đầu từ giờ, tàu chúng tôi sẽ độc hành trên biển cả. Màn hình máy dò vẫn phẳng lặng. Hai giờ chiều, tàu neo lại tọa độ 19o24 - 107o01. Các tàu thông tin qua bộ đàm về tình hình đánh bắt. Vẫn khó khăn. Có tàu mới chỉ được vài ba tạ cá, mà dầu và thực phẩm đã sắp hết...
Mẻ lưới thứ ba đã làm lóe lên tia hy vọng về một chuyến biển thành công với khoảng 3 tấn cá, chủ yếu là cá đốm. Cả tàu quần quật suốt đêm để ướp cá xuống hầm tàu. Thu cho biết, chuyến này tàu "ăn" 700 cây đá lạnh, đủ ướp hơn 10 tấn cá. Như vậy để đạt "chỉ tiêu" đặt ra, phải cần ít nhất hai mẻ lưới như thế này nữa. Ướp xong cá và rửa dọn tàu xong thì trời vừa sáng. Đi biển, gặp được mẻ lưới lớn phải lao động liên tục, có khi hàng chục tiếng đồng hồ, nhưng không mệt bằng khi không có cá, người cứ oải cả ra...
Cả tàu quyết định tắm. Cả chuyến đi chỉ chuẩn bị 7 khối nước ngọt nên phải tiết kiệm. Tiêu chuẩn cho mỗi người tắm khoảng 3 ca lớn. Cách tắm là kỳ cọ sạch sẽ bằng nước biển xong xuôi, mới dùng nước ngọt để gội đầu và xả nước mặn. Tôi được ưu tiên một xô lớn, nghĩa là bằng tiêu chuẩn của 4 người, và được tắm dưới hầm máy để khỏi lạnh... Đã có mẻ lưới kha khá nên tâm trạng mọi người vui vẻ hơn. Mấy đứa trẻ bắt chim én cải thiện. Tiêu chuẩn mỗi người có hai con mực tươi chiên, hai con chin én rang và một con cá lầm xơ kho tươi béo ngậy...Tôi đã dần "quen sóng", ăn ngon miệng hơn. Hay có thể đã cùng vui lây niềm vui của mọi người.
Bảo quản sản phẩm để chuyển về đất liền
Đêm. Nước chảy xiết và biển mù sương. Thấp thỏm. Màn hình máy dò vẫn không báo tín hiệu có cá. Thu quyết định đánh một mẻ lưới may rủi. Cá vẫn không "chực đèn". Lại một mẻ lưới đáng thất vọng. Thu liên lạc qua bộ đàm và cho biết, đã có 6 tàu Quỳnh Long về lạch, nói chung đều không được cá; có 2 tàu do hết dầu, lương thực phải về, không nán lại vớt vát được nữa. Vẻ lo lắng đã hiện rõ trên nét mặt của các thuyền viên. Những bữa cơm bớt sôi nổi dần. Tàu chúng tôi tiếp tục xuyên sương mù tiến lên vùng khơi biển Hải Phòng. Thi thoảng có ánh đèn tàu lớn về ăn hàng ở Cảng thành phố Hoa phượng đỏ. Sóng biển mạnh hơn, con tàu vặn mình răng rắc... Thuyền trưởng Thu lại qua một đêm không ngủ...
Một ngày biển đẹp. Nước biển màu ngọc bích. Bình minh với những vầng sóng lộng lẫy loang từ chân trời về mạn tàu. Nhưng, dường như cái tráng lệ, hùng vỹ của biển cả lúc này không phù hợp với những ngư dân đang say giấc ngủ nhọc nhằn dưới kia.
Đây đã gần giáp ranh với vùng biển nước bạn. Tít bốn phía chân trời đều có tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Có ra nơi sóng gió biển trời Tổ quốc này mới thấy hết được ý nghĩa của những con tàu xa khơi bám biển. Trần Xuân Thu, lão Dưỡng, anh Toàn... và các thuyền viên bình dị của con tàu NA-90331- TS này, với những chuyến bám biển thách thức sóng gió trùng dương, chính là sự hiện diện góp phần khẳng định chủ quyền của đất nước.
Tàu cá NA-90331- TS có thêm hai ngày dọc ngang trên Vịnh Bắc bộ kiên trì với những mẻ lưới bằng niềm tin vào sự bao dung của biển cả. Máy trưởng Thuân ai ủi tôi: "Anh ăn với chúng em vài bữa cơm trên biển nữa, vớt vát xem sao. Nếu về ngay, không có thu nhập cho anh em bạn ngang tội lắm anh ạ!". Nhưng sau khi hội ý chớp nhoáng với nhau, Thu quyết định quay về để làm "ván biển" khác. Cũng còn hơn chục ngày nữa mới đến kỳ con trăng - kỳ nghỉ dài ngày của ngư dân.
(Còn nữa)
Đình Sâm