Nên giữ lại hoá đơn khi mua hàng

03/07/2012 16:05

(Baonghean) Thời gian qua, trên thị trường liên tục xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật trong kinh doanh thương mại dưới nhiều hình thức tinh vi, như: bớt xén trong đo lường, an toàn vệ sinh thực phẩm không đảm bảo, tệ nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, các lĩnh vực dịch vụ còn nhiều bất cập… gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng (NTD).

Điều đáng nói là cả khi đã có Luật Bảo vệ người tiêu dùng, các cơ quan chức năng rất tích cực trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường nhưng số vụ vi phạm vẫn có chiều hướng gia tăng. Và trong các trường hợp bị vi phạm quyền lợi, NTD thường rơi vào thế yếu, bởi thiếu cơ sở pháp lý bảo vệ, nhất là khi NTD chưa có thói quen lưu giữ hóa đơn mua bán, để khi cần thiết có chứng cứ khởi kiện...



Người tiêu dùng nên giữ lại hóa đơn mua hàng để có bằng chứng khiếu nại khi quyền lợi bị xâm hại.

Ông Nguyễn Đình Dũng ( ở xóm Mẫu Đơn, xã Hưng Lộc) mua 1 chiếc máy đo huyết áp PoliGreen tại Cửa hàng thiết bị Vật tư y tế trên đường Nguyễn Phong Sắc - TP.Vinh. Về nhà sử dụng thấy máy không chuẩn nên đã yêu cầu cửa hàng đổi máy khác, nhưng chủ cửa hàng không chấp nhận. “Tôi mua về dùng chưa đầy 1 tháng mà các con số hiển thị cứ chập chờn, lúc được, lúc không, mang đến đổi thì chủ hàng nói chỉ còn cái cuối cùng, nếu muốn lấy sang nhãn hiệu khác thì phải phụ thêm tiền... Cũng thật sơ suất khi mua hàng tôi đã không yêu cầu lấy hóa đơn, vì nghĩ rằng họ sẽ đòi giá cao hơn nên giờ chẳng biết kêu ai” - ông Dũng bức xúc cho biết.

Hay trường hợp của chị Nguyễn Thị Ân- giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng cũng phải “nuốt giận” làm ngơ, chịu mất tiền cho 2 phân vàng 9999 khi chủ tiệm chỉ tính giá trị sợi dây chuyền còn 96% (từ 4 chỉ hao xuống còn 3,8 chỉ), vì không giữ lại hóa đơn bán hàng làm "chứng cớ" cho việc mình mới mua được 1 tuần chưa hề đeo… Đây chỉ số ít những thiệt thòi mà NTD phải gánh chịu do thiếu kỹ năng tiêu dùng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với 8 quyền cơ bản (Quyền được an toàn; được thông tin; được lựa chọn; được lắng nghe; được tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD; được bồi thường; được khiếu nại và quyền được tư vấn kiến thức tiêu dùng ) có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 được kỳ vọng sẽ là “tấm lá chắn” bảo vệ NTD một cách hữu hiệu nhất. Và Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD là cơ quan được chỉ định sẽ kịp thời can thiệp, hướng dẫn và giải quyết quyền lợi cho NTD. Tuy nhiên, trên thực tế, NTD vẫn chưa nắm được luật một cách chắc chắn; khi quyền lợi bị xâm hại thì tâm lý ngại va chạm, sợ các thủ tục phiền hà rắc rối, mất thời gian, không dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Trước tình trạng hàng loạt xe máy, ô tô cháy nổ gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của người dân có thể do chất lượng xăng, dầu nhưng việc xác định nguồn nhiên liệu lại rất khó khăn, sáng kiến của Sở Khoa học và Công nghệ TP.Hồ Chí Minh, từ ngày 1/6 có 8 cây xăng trên địa bàn thành phố được chọn triển khai thí điểm lắp đặt thử nghiệm thiết bị in chứng từ, xuất hóa đơn cho khách hàng. NTD sau khi thanh toán sẽ được nhận một tờ hóa đơn xác nhận việc đổ xăng tại cửa hàng.

Với các thông tin cụ thể về địa điểm, thời gian bán, loại xăng, số lượng và số tiền... Hóa đơn này sẽ là cơ sở đối chứng, xử lý vụ việc hiệu quả nhất khi NTD khiếu nại có nghi ngờ về chất lượng xăng. Sau thời gian thử nghiệm 3 tháng, UBND TP.Hồ Chí Minh sẽ sơ kết rút kinh nghiệm, nhân rộng trong toàn bộ hệ thống bán lẻ trên địa bàn và sẽ được đề xuất là một trong những điều kiện cần để cấp giấy phép cho một cây xăng hoạt động...

Sáng kiến của TP.Hồ Chí Minh cần được sự hưởng ứng, ủng hộ của chủ các đại lý kinh doanh xăng, dầu và đặc biệt là NTD. Anh Nguyễn Viết Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường, Chất lượng- Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD Nghệ An cho biết: Để việc khiếu nại thành công và quyền lợi NTD được bảo đảm, thông tin NTD cung cấp phải chính xác.

Khi mua bất kỳ sản phẩm nào của nhà sản xuất, ngoài việc kiểm tra thông tin đầy đủ trước khi lựa chọn, NTD phải yêu cầu đơn vị bán hàng cung cấp và giữ lại đầy đủ hóa đơn, chứng từ để làm “hồ sơ” chứng thực khi có sự cố xảy ra. Muốn khiếu nại, NTD chỉ cần gửi đơn đến Hội nêu đầy đủ thông tin cá nhân, thời gian giao dịch, giá trị hàng hóa, nơi mua bán và hóa đơn giao dịch. Theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, đơn vị bị khiếu nại phải có trách nhiệm trả lời cho NTD sau 7 ngày …


Ngọc Anh