Nô nức mùa chiến dịch

20/03/2012 16:47

(Baonghean) - Tháng Ba, tháng cao điểm phát động Chiến dịch Truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ năm 2012. Sau lễ phát động cấp tỉnh tổ chức tại Nghĩa Đàn vào 1/3 vừa qua, hiện khắp các địa phương từ miền núi cao đến đồng bằng, miền biển nô nức vào mùa chiến dịch...

(Baonghean) - Tháng Ba, tháng cao điểm phát động Chiến dịch Truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ năm 2012. Sau lễ phát động cấp tỉnh tổ chức tại Nghĩa Đàn vào 1/3 vừa qua, hiện khắp các địa phương từ miền núi cao đến đồng bằng, miền biển nô nức vào mùa chiến dịch...

Xã Môn Sơn (Con Cuông) vào những ngày này, công tác tuyên truyền cho chiến dịch diễn ra hết sức khẩn trương. Các băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền đã được chuẩn bị đầy đủ để treo ở các tuyến đường chính. Gia đình chị La Thị Sao, bản Cửa Rào, nhà có 2 con gái, trước đây có ý định sinh thêm để có "người nối dõi" cho biết: "Cũng muốn sinh thêm nếu được con trai thì tốt. Nhưng nhà còn khó khăn quá nên dừng ở đây thôi. Nghe tin chiến dịch lần này tổ chức ở xã, tôi đã vận động chồng đi triệt sản, còn tôi thì đăng ký khám phụ khoa, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản...".




Nhờ chiến dịch, đồng bào DTTS các xã vùng khó được tiếp cận dịch vụ.

Theo kế hoạch, chiến dịch năm nay, Con Cuông sẽ triển khai ở 9 xã, thị, với khoảng 2.000 người sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT). Ngoài ra, BCĐ của huyện sẽ mở rộng hoạt động chiến dịch vào 2 bản thuộc địa bàn biên giới Việt - Lào, đưa dịch vụ vào tận nơi phục vụ đồng bào. Ông Nguyễn Văn Đường - Giám đốc Trung tâm dân số huyện Con Cuông cho biết:"Để đạt và vượt mức chỉ tiêu được giao, công tác truyền thông, vận động, đặc biệt là chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ phải làm quyết liệt. Ngoài trang bị kiến thức chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho phụ nữ 15-49 tuổi có chồng, làm mẹ an toàn, năm nay, ngành sẽ tiếp tục tập trung vào nhóm đối tượng là nam nông dân, chủ hộ gia đình để họ cùng chia sẻ với phụ nữ trong việc thực hiện KHHGĐ."


Ngày 6/3 vừa qua, Trung tâm Dân số Thanh Chương đã tổ chức phát động chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ năm 2012 tại xã Thanh Khê - một xã có đông đồng bào theo đạo (chiếm 36% dân số; 10/10 xóm có đồng bào công giáo sinh sống).

Trước khi phát động chiến dịch, xã đã tiến hành rà soát lại danh sách những đối tượng chưa thực hiện KHHGĐ để vận động đăng ký thực hiện; phối hợp với các chức sắc, chức việc tôn giáo vận động đồng bào tham gia chiến dịch; kéo dài thời gian chiến dịch, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ; chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ chiến dịch... Với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, sau khi tổ chức lễ phát động từ 6/3 đến nay, Trạm Y tế xã Thanh Khê luôn mở cửa phục vụ các đối tượng đến tham gia tư vấn, CSSKSS; đội ngũ CTV dân số có kế hoạch cụ thể "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng".

Ngoài ra, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội làm tốt công tác tuyên truyền trên loa phát thanh xã, xóm bằng nhiều hình thức: biểu dương các gia đình thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, biểu diễn các tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm vui, chiếu video có nội dung về DS-KHHGĐ; tuyên truyền bằng pa-nô, áp-phích, khẩu hiệu... Đặc biệt, gói dịch vụ của tỉnh chỉ cấp cho 10 xã miền núi, nhưng UBND huyện Thanh Chương đã có công văn chỉ đạo các xã ngoài vùng chiến dịch trích ngân sách thường xuyên và quỹ dân số để triển khai chiến dịch, đảm bảo 100% nhân dân các xã trên địa bàn huyện được thụ hưởng các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ.


Để thực hiện tốt chiến dịch năm nay, xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn) đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chiến dịch do Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, lên kế hoạch thực hiện và thông qua cán bộ xóm, đội ngũ CTV dân số, hệ thống truyền thanh thông báo rộng rãi các nội dung, chỉ tiêu chiến dịch đến toàn thể người dân. Trạm y tế xã bố trí 2 phòng khám, phòng tư vấn trước khám và phòng đăng ký dịch vụ để người dân tiếp cận dịch vụ. Chị Phan Thị Cúc - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nghĩa Hội cho biết: "Trung bình mỗi ngày điểm cung cấp dịch vụ thu hút khoảng 150-170 lượt chị em đến khám và tư vấn; gần 1.000 phụ nữ đăng ký khám. Sau 2 tuần thực hiện, đến nay xã đã vận động được trên 90% cặp vợ chồng sử dụng các BPTT, thực hiện 30 ca đặt vòng, 356phụ nữ được khám phụ khoa, 117 chị được điều trị..."


Với chủ đề "Hướng về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao", chiến dịch năm nay sẽ được triển khai ở 191 xã vùng khó và vùng đồng bằng có mức sinh cao. Mục tiêu cụ thể đặt ra tại mỗi xã là tỷ lệ triệt sản đạt 60% chỉ tiêu KH năm, 75% sử dụng các BPTT cận lâm sàng, 90% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thuộc địa bàn chiến dịch được cung cấp thông tin, tư vấn và nâng cao hiểu biết về SKSS/KHHGĐ.

Chiến dịch được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn I (từ tháng 3 đến cuối tháng 4/2012) triển khai tại 70% số xã thuộc địa bàn chiến dịch; đợt 2 tổ chức ở các địa bàn còn lại và hoàn thành trước 30/2/2012. Theo đó, sẽ có trên 40.000 người sử dụng các BPTT, 118ca đình sản, 228 người dùng thuốc cấy tránh thai...

Để đạt được các chỉ tiêu đề ra theo bà Nguyễn Thị Hồng Hoa - Chi cục trưởng Chi cục Dân số/KHHGĐ, Phó ban trực chỉ đạo chiến dịch thì: "Ngoài sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo, chính quyền các địa phương... chúng tôi sẽ huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể; tăng cường giám sát các huyện, xã, thị trấn trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để chiến dịch đạt được kết quả cao nhất.


Thanh Phúc