Chống giặc "nội xâm"

23/04/2012 17:52

(Baonghean) - Kẽ hở, sự thiếu sót trong cơ chế chính sách, luật pháp liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý đất đai,...

(Baonghean) - Kẽ hở, sự thiếu sót trong cơ chế chính sách, luật pháp liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý tài sản công, quản lý doanh nghiệp Nhà nước, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, đấu thầu, sử dụng thầu, quản lý các dự án (trùng tu, tôn tạo, khai thác khoáng sản)..., đã tạo ra cơ chế "xin - cho" dẫn đến phát sinh tham nhũng. Tham nhũng không chỉ xảy ra trong lĩnh vực kinh tế, mà còn xuất hiện cả trong một số lĩnh vực như: y tế, giáo dục, văn hoá xã hội, xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, cứu trợ; trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử... Đảng ta xác định, tham nhũng là một trong bốn nguy cơ lớn đối với đất nước, được coi là quốc nạn, trở thành trọng bệnh và những kẻ tham nhũng như những con "siêu vi trùng" ngày đêm đang gặm nhấm, đục khoét "cơ thể" quốc gia, cản trở tiến trình phát triển của đất nước, làm tổn hại đến uy tín của Đảng, thanh danh của Nhà nước, làm xói mòn niềm tin của nhân dân và đe doạ đến sự tồn vong của chế độ. Mục đích của chống tham nhũng không phải chỉ để nghiêm trị, mà còn là để phòng ngừa.

Để phòng chống tham nhũng, cần hoàn thiện các thể chế luật pháp; nêu cao vai trò trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị; nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên; coi trọng công tác giáo dục rèn luyện tu dưỡng của cán bộ, công chức; kê khai minh bạch tài sản nhà đất, cơ sở kinh doanh; tạo điều kiện để quần chúng quản lý và giám sát việc hình thành những tài sản mới; phát huy vai trò của báo, đài truyền thanh truyền hình...

Đấu tranh chống tham nhũng - chống giặc "nội xâm" phải kiên quyết, kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp mới có hiệu quả. Tính kiên quyết và đồng bộ trong xử lý tham nhũng phải là sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến tận địa phương trên tất cả các lĩnh vực. Trong điều tra, xử lý vụ việc, các thành viên của lực lượng chuyên trách phòng chống tham nhũng (tạm gọi là tổ công tác đặc biệt) hoạt động phải hoàn toàn độc lập với các cơ quan Đảng và chính quyền địa phương. Nếu người đứng đầu giải quyết các vụ việc tham nhũng chỉ trong "nội bộ" thì chắc hẳn tìm cho ra ngọn nguồn của vấn đề tham nhũng là chuyện "bất khả thi"; hoặc nếu chỉ cần lưu ý đến công lao, thành tích trong quá khứ của đối tượng thì những kẻ tham nhũng sẽ khó bị vạch mặt chỉ tên. Cuối cùng, nếu không có nhiều người trong sạch (cùng một ý chí) với vận nước lòng dân thì không thể giải quyết nhanh và hiệu quả các vụ việc tham nhũng.

Chống tham nhũng đang thử thách bản lĩnh chính trị, khả năng chỉ đạo thực tiễn của Đảng ta, là biểu hiện của ý Đảng, lòng dân, là trận chống "nội xâm" mang tầm vóc của một trận đánh lớn của toàn Đảng, toàn dân, âm thầm nhưng vô cùng quyết liệt. Uy tín của Đảng, sức sống của công cuộc đổi mới, sức mạnh của chế độ, tương lai của đất nước phụ thuộc vào kết quả của trận chiến không khoan nhượng này. Nếu cấp uỷ chỉ đạo sâu sát, chính quyền kiên quyết tổ chức thực hiện có hiệu quả, cán bộ đảng viên gương mẫu, nhân dân đồng tình ủng hộ, cả hệ thống chính trị đồng loạt vào cuộc thì việc khó đến mấy cũng làm được.


Hoàng Tùng