Bộ Chính trị bàn về phát triển kinh tế xã hội 4 vùng trọng điểm

05/07/2012 21:30

Bộ Chính trị khẳng định, việc ban hành các Nghị quyết là kịp thời và phù hợp, với nhiều chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội.

Sáng nay (5/7), tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến về tổng kết các Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của 4 vùng: ĐBSCL; vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; vùng trung du, miền núi phía Bắc. Dự họp có đại diện các ban đảng; các ban chỉ đạo các vùng và một số bộ, ngành liên quan.

Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện 4 Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa IX tại các địa phương khẳng định: Việc ban hành các Nghị quyết của Bộ Chính trị là kịp thời và phù hợp, với nhiều chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn làm cơ sở cho Chính phủ chỉ đạo các địa phương, Bộ, ngành thực hiện, góp phần mang lại nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị ở các vùng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của các vùng đều cao hơn mức bình quân của cả nước và vượt so với mục tiêu các Nghị quyết đề ra. Thu nhập bình quân đầu người ở vùng ĐBSCL tăng 2,5 lần; vùng trung du và miền núi Bắc bộ đạt 12,2 triệu đồng, tăng 3,6 lần so với năm 2004; khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đạt hơn 17,8 triệu đồng, tăng 5,5 lần so với năm 2000; khu vực Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt 48,6 triệu đồng.

Trên cơ sở quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Bộ, ngành địa phương đã xây dựng các quy hoạch phát triển đô thị, nhất là những đô thị lớn; quy hoạch sử dụng tài nguyên đất, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương. Các vùng đã mở mới được 15.600 km đường giao thông, nâng cấp hơn 33.000 km đường các loại; hoàn thành nâng cấp các quốc lộ huyết mạch như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 2, Quốc lộ 6, Quốc lộ 50… đầu tư hoàn thiện nhiều tuyến đường ô tô đến trung tâm xã, góp phần cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn miền núi; đã quy hoạch và phát triển hàng trăm khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động địa phương, tăng thu ngân sách và tiếp thu khoa học, công nghệ mới.
Công tác giáo dục, đào tạo, dạy nghề có nhiều chuyển biến tích cực. Đến năm 2010, tất cả các tỉnh huyện trong 4 vùng đều có bệnh viện đa khoa, gần 100% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế; lĩnh vực văn hóa thông tin, thể dục thể thao không ngừng phát triển, đã có trên 95% hộ dân được xem truyền hình và nghe đài phát thanh. Tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh; tình hình ô nhiễm môi trường nước trên hệ thống sông ở một số nơi dần được cải thiện.

Thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa IX, lực lượng vũ trang các vùng được tăng cường, hoàn thành tốt công tác tuyển quân, huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ. Hệ thống trạm biên phòng, đồn biên phòng dọc tuyến biên giới được tăng cường đầu tư; kịp thời giải quyết các vụ việc phức tạp, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn; xử lý tốt các vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhất là ở vùng dân tộc Khmer, Chăm, Mông. Từng bước thực hiện tốt các dự án kết hợp kinh tế với quốc phòng, giữ gìn và củng cố mối quan hệ hữu nghị với các nước bạn có chung biên giới đất liền với nước ta.

Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa IX tại 4 vùng cũng nêu những hạn chế, yếu kém, vướng mắc trong quá trình triển khai; chỉ ra những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất, kiến nghị một số chủ trương, giải pháp lớn tiếp tục thực hiện các Nghị quyết đến năm 2015 và năm 2020. Trong đó tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển kinh tế nhanh bền vững, tạo nền tảng để trước năm 2020 cơ bản thành các vùng công nghiệp theo hướng hiện đại, nhất là vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cùng với đó là tập trung đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ hiện đại, vừa là nhiệm vụ vừa là giải pháp mang tính đột phá để đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vững chắc của vùng. Sớm hoàn thành việc xây dựng, rà soát và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội các vùng đến năm 2020; tiếp tục nghiên cứu bổ sung, ban hành các cơ chế chính sách để thực hiện Nghị quyết, trọng tâm là sớm nghiên cứu sửa đổi chính sách và phát luật về đất đai, giải phóng mặt bằng, khắc phục những bất hợp lý về lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người bị thu hồi đất; xây dựng mối liên kết vùng chặt chẽ, bền vững và cơ chế điều hành vùng hiệu lực, hiệu quả./.


Theo (VOV.vn)-L.T