Từ thành công của Đà Nẵng nghĩ về TP Vinh

24/03/2012 12:59

(Baonghean) - Trong những ngày này, TP Vinh đang nhộn nhịp ra quân giải tỏa hành lang, vỉa hè, chỉnh trang đô thị  theo hướng văn minh, hiện đại. Đây là một tín hiệu vui đối với mỗi một người dân thành phố, song để thực hiện được điều này là không hề dễ dàng. Từ thành công của Đà Nẵng có thể rút ra được một vài kinh nghiệm giúp  ích cho TP.Vinh trong quá trình thực hiện.

(Baonghean) - Trong những ngày này, TP Vinh đang nhộn nhịp ra quân giải tỏa hành lang, vỉa hè, chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Đây là một tín hiệu vui đối với mỗi một người dân thành phố, song để thực hiện được điều này là không hề dễ dàng. Từ thành công của Đà Nẵng có thể rút ra được một vài kinh nghiệm giúp ích cho TP.Vinh trong quá trình thực hiện.


Với diện tích 1.255 km2, dân số gần 1 triệu người, sau 15 năm trực thuộc Trung ương, Thành phố Đà Nẵng đã có sự thay đổi sâu sắc. Vùng đất “chưa mưa đã thấm” này được biết đến bởi những câu chuyện từ thành phố “5 không”: Không có hộ đặc biệt nghèo, không có trẻ em bỏ học vì nghèo, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng; không có giết người cướp của đến chương trình 3 có: Có nhà ở, có việc làm và có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.



Một góc TP. Đà Nẵng

Từ chỗ cả thành phố chỉ có 360 con đường có tên, sau 15 năm trực thộc Trung ương lên hơn 1.260 con đường có tên. Hầu như tất cả con đường nội thị đều được cải tạo, mở rộng, hàng trăm con đường rộng và đẹp được xây mới. Đường Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Trường Sa được xem là một trong số những con đường ven biển đẹp nhất hiện nay. Diện mạo của thành phố đã có sự thay đổi toàn diện, cuộc sống của người dân được cải thiện.

Theo lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, để tiến tới một Thành phố văn minh, hiện đại, cái khó nhất không phải là việc chỉnh trang đô thị, dù đó là công việc khổng lồ, mà khó nhất chính là hình thành được nếp sống thị dân, văn minh. Câu “quê em từ xã lên phường” một mặt nói lên sự thay đổi nhanh chóng của vùng đất này, mặt khác phản ánh yêu cầu mới hình thành phong cách, văn hóa đô thị không thể một sớm một chiều tự nhiên mà có được.

Trong hơn 10 năm qua, Đà Nẵng đã di dời, giải tỏa, bố trí lại chỗ ở mới cho gần 98.000 hộ dân, chiếm 1/3 tổng số hộ dân thành phố. Đã có hàng trăm khu dân cư mới được hình thành cùng với nhiều chủ trương, biện pháp được triển khai để có sự ngăn nắp, trật tự. Lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng đã có nhiều ý tưởng mới, có biện pháp tổ chức thực hiện ý tưởng một cách sáng tạo, hiệu quả.

Đà Nẵng đã tổ chức thành công cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế hàng năm; nghiêm cấm bán hàng rong trên một số tuyến phố du lịch; nghiêm cấm nạn ăn xin và ăn xin biến tướng; cán bộ, công chức không được đi học trong giờ hành chính; giúp người dân làm nghề nhặt rác chuyển đổi ngành nghề. Ít ai biết rằng, trong các nhà hàng ăn uống trên địa bàn đều có câu “Xin quý khách bỏ rác vào giỏ” là một chủ trương trong Nghị quyết của HĐND thành phố. Tất cả nỗ lực của chính quyền và người dân đều không nằm ngoài việc xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.

Có lẽ Đà Nẵng là nơi đầu tiên dành hàng chục tỷ đồng cho những người hoàn lương vay không có lãi để hòa nhập cộng đồng. Năm 2010, lãnh đạo thành phố gặp mặt tất cả các ông chồng hay đánh vợ, giải thích và buộc cam kết “chừa” cái việc xấu hổ là đánh mẹ các đứa con của mình. Tổ chức cho gần 300 thanh thiếu niên chậm tiến đi thăm trường giáo dưỡng và khu du lịch Bà Nà.

Sau khi xem 2 cảnh trái ngược, rồi cho các em lựa chọn: hoặc là vào trường giáo dưỡng, hoặc là được tiếp tục vui chơi thì hơn một nửa các em sau đó có chuyển biến tốt… Những câu chuyện mang tính an dân như thế được người dân Đà Nẵng đón nhận với một niềm kỳ vọng vào cuộc sống tốt đẹp hơn và thấy được trách nhiệm của mình trước yêu cầu phát triển của thành phố.


Ở đây, xin nói, để có được thành quả như ngày hôm nay, Đà Nẵng đã có nhiều chính sách “vượt rào” được lòng dân. Cách đây 10 năm, Đà Nẵng là địa phương duy nhất trong cả nước thông qua quy định bất kể đối tượng nào đua xe thì đều bị tịch thu xe bán lấy tiền ủng hộ xây nhà cho người nghèo được cả thành phố hoan nghênh. Dĩ nhiên là Đà Nẵng đã bị “tuýt còi” bởi đã làm sai luật.

Nhưng người Đà Nẵng lại lý giải là chẳng có luật nào cho phép được đua xe gây chết người, nên vẫn xin được tiếp tục thực hiện cái việc “chẳng đặng đừng ấy” vì quyền lợi chính đáng của người dân và vì một môi trường văn minh. Theo lãnh đạo Đà Nẵng, nếu chúng ta sớm kiên quyết với nạn đua xe thì có lẽ đã không có hàng trăm người dân trong cả nước phải chết hoặc tàn phế vì đua xe. Hiện nay, với chính sách “đóng cửa” với dân nhập cư, Đà Nẵng đang tạo ra dư luận nhiều chiều.

Đà Nẵng lý giải rằng, trong 10 năm qua, bình quân tăng dân số cơ học của thành phố luôn nằm ở mức 7-8%/năm. Với diện tích hẹp, tài nguyên thiên nhiên hạn chế, nếu Đà Nẵng không có chính sách hợp lý thì mật độ dân số sẽ tăng cao và kéo theo đó là nhiều hệ lụy. Đà Nẵng đang hạn chế nhập cư một số đối tượng, trong đó có những người có tiền án, tiền sự và cũng chỉ hạn chế nhập cư vào những quận nội thành, nơi dân số hiện đã quá đông, còn ở ngoại thành thì không hạn chế. Riêng đội ngũ những người “tài” như giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư, bác sỹ, giáo viên, công nhân kỹ thuật lành nghề, Đà Nẵng lại có chính sách “trải thảm đỏ” hấp dẫn để thu hút…


Bất cứ một vấn đề gì xẩy ra trên địa bàn thành phố được phản ánh đều được lãnh đạo Đà Nẵng ghi nhận và xử lý. Đó có thể chỉ là một việc nhỏ như bảng tên đường bị mờ hoặc viết sai chính tả, một đống rác tồn tại giữa phố mà không được thu dọn… cho đến những vấn đề lớn như việc chậm trễ giải quyết nguyện vọng của dân; chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm để xây dựng các tuyến đường ở khu dân cư; sự chia sẽ với người nghèo, hướng đến xóa nghèo bền vững, hoặc gần đây như việc Đà Nẵng bị tụt xuống hạng 5 về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh sau 3 năm liền đứng thứ nhất đều được lãnh đạo thành phố nghiêm túc xem xét và giải quyết…


Từ những cách làm của Đà Nẵng, để hướng tới một thành phố văn minh, hiện đại, chúng ta lại nghĩ về Thành phố Vinh sau hơn 3 năm lên loại I. Trong những ngày này, lãnh đạo Thành phố Vinh cũng đang ráo riết chỉ đạo các địa phương tập trung giải tỏa hành lang an toàn giao thông, chỉnh trang đô thị. Song, có cảm giác như cách làm của thành phố đang thiếu tính căn cơ và bền vững. Vẫn đang còn những tiếng kêu ca, phàn nàn của người dân về cách làm của thành phố, khi chưa tuyên truyền đến nơi đến chốn đã ra quân thực hiện, khiến người dân trở tay không kịp. Nhiều nơi, chính quyền vẫn nặng về mệnh lệnh hành chính, cốt giải tỏa lấn chiếm càng nhanh càng tốt, chứ chưa tính đến việc bố trí, quy hoạch lại chỗ kinh doanh mới phù hợp cho người dân để họ đảm bảo việc làm và ổn định cuộc sống lâu dài.


Thực tế cho thấy, để hướng đến một thành phố “văn minh, hiện đại”, không thể chỉ bắt đầu những câu khẩu hiệu, hay cách làm sáo mòn mà phải có những ý tưởng mới, những cách làm mới và phải có một quyết tâm chính trị vững vàng. Nhiều khi chỉ là một việc làm tưởng chừng nhỏ, nhưng nếu không kiên trì thì sẽ rơi vào im lặng. Để xây dựng được lối sống văn minh là kết quả tổng hòa của rất nhiều yếu tố, trong đó chính quyền phải có các biện pháp cụ thể, quyết liệt, có ý tưởng mới nhưng phải được sự hưởng ứng của người dân. Và người dân chỉ đồng tình khi họ được bảo đảm quyền lợi chính đáng trước các biện pháp của chính quyền.

Đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc trả lời câu hỏi của thực tế bức bách về quản lý đô thị, nhất là các biện pháp mới nhằm xây dựng một thành phố văn minh. Những gì mà Thành phố Đà Nẵng đã làm được đều hướng đến một thành phố văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng đến một thành phố hài hòa, thân thiện, an bình; một thành phố hấp dẫn. Một chủ trương được coi là tốt khi có được sự đồng tình của người dân. Mười lăm năm trực thuộc Trung ương, khi hỏi cái “được” lớn nhất của Đà Nẵng là gì, lãnh đạo Đà Nẵng cho rằng: Cái được lớn nhất là được lòng dân. Cội nguồn của một đô thị văn minh, hiện đại là mọi thành quả phát triển của thành phố đều hướng về phục vụ nhân dân.


Mạnh Hùng