Hành trình con cá mặt trăng tới... Sách đỏ
(Baonghean) - Câu chuyện cá mặt trăng quý hiếm mắc lưới ngư dân, sau đó suýt trở thành... món ăn nếu không có một người kịp thời mua lại cá và hiến tặng nó cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã khiến chúng tôi tìm về với xã ven biển Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu). Trò chuyện cùng những ngư dân chân chất quanh năm bám biển mưu sinh và người mua, hiến tặng cá - một chàng trai còn rất trẻ, chúng tôi không tránh khỏi băn khoăn về việc bảo vệ các loài sinh vật biển quý hiếm nói riêng, những loài vật có tên trong Sách đỏ nói chung hiện nay...
Loài cá lạ
Thật may mắn, khi chúng tôi tới nhà anh Hồ Văn Đoàn, thuyền trưởng của con thuyền mang về cá mặt trăng thì gặp tất cả các ngư dân của con thuyền này đang tập trung ngồi vá lưới chứ chưa đi biển chuyến khác. Câu chuyện về cá mặt trăng xem chừng vẫn rôm rả lắm. Anh Hồ Xuân Nhân, người đầu tiên ôm con cá trong tay khi gỡ ra từ lưới, vừa vẽ hình cá dưới đất cho chúng tôi hình dung kích cỡ của cá, vừa kể: "Lúc tui ôm nó trong tay, nó còn sống và còn quẫy. Tui thấy nó chẳng giống con cá nào tui từng gặp qua chứ không biết nó là cá mặt trăng hay mặt trời gì cả. Đầu nó hơi hơi giống con cá nóc, nhưng mình thì lại không giống. Tiếc là mấy anh em tui không có cái văng mô để dẫn cá về nên lên thuyền được một lúc thì nó chết mất. Thế là chúng tui ướp đá nó, cho nó nằm trong đá 1 tuần thì về đến bờ". Anh Hồ Văn Đoàn cũng xuýt xoa: "Cả đời tui chưa khi mô gặp con cá như rứa cả.Đến khi về, được nói lại thì mới biết nó là cá trong Sách đỏ đấy chứ".
Con cá mặt trăng nặng 15 kg này đã mắc lưới các ngư dân ngay ngày đầu thả lưới (9/4) của chuyến đi biển 8 ngày. Khi thuyền cập bến, hay tin con cá lạ, nhiều người đã tìm ra bến để tận mắt chứng kiến.
Cán bộ Bảo tàng Thiên nhiên Việt
Theo "Sách đỏ Việt
Và người mua cá để... hiến cho Bảo tàng
Ngay sau khi nghe xôn xao dưới bến, trong làng về con cá lạ mà thuyền anh Đoàn bắt được, anh Phạm Xuân Chiến vội tìm đến ngay. Khi biết các ngư dân có ý định đưa cá vào thực đơn bữa nhậu, anh Chiến đã không ngần ngại bỏ tiền ra mua lại bằng được và lập tức liên hệ với cán bộ Bảo tàng Thiên nhiên Việt
Gặp anh Chiến, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ với chàng thanh niên trẻ tuổi với dáng vẻ thư sinh, trắng trẻo. Quê biển, nhưng không theo nghề đi biển như nhiều bạn bè cùng trang lứa, Chiến ở nhà mở cửa hàng mua bán, sửa chữa máy vi tính. Niềm đam mê công nghệ cộng với tình yêu đối với các loài sinh vật biển đã làm nên "duyên nợ" giữa anh với cá mặt trăng. Đây không phải là lần đầu tiên, Chiến mua và hiến tặng cá mặt trăng cho Bảo tàng Thiên nhiên. Cách đây 2 năm, anh Chiến nhớ đó là ngày 25/4/2010, bên xã Quỳnh Lập có người bắt được con cá lạ nặng 30 kg và đem sang bãi biển Quỳnh Phương để... bán. Thấy mọi người xôn xao về con cá lạ, Chiến tìm tới xem và mua lại. Sau đó, anh chụp ảnh, đưa lên mạng để hỏi cộng đồng mạng xem có ai biết đây là loại cá gì. Sau khi biết được đây chính là cá mặt trăng, một loại cá quý hiếm có tên trong Sách đỏ, anh đã tìm cách liên hệ với Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam để hiến tặng cá. Từ đây, Chiến càng có ý thức hơn trong việc tìm hiểu về các loài sinh vật biển. Hễ hay tin bà con đánh bắt được con gì lạ là anh lại để ý tìm hiểu. Anh cũng là người đã cùng với các cấp chính quyền và cơ quan chức năng vận động người dân thả về biển con rùa quý vào năm ngoái. Anh tự nhận thấy việc mình làm không chỉ là niềm vui mà còn là trách nhiệm. Tự lúc nào, anh đã trở thành một "tình nguyện viên" trong tuyên truyền, bảo vệ các sinh vật biển quý hiếm trên quê hương mình. Anh chia sẻ: việc tôi mua cá và đem tặng cho bảo tàng đơn giản chỉ là làm việc thiện cho xã hội. Mong rằng việc làm của mình có ích lợi gì đó, giúp những người có chuyên môn, thẩm quyền tiến hành nghiên cứu khoa học".
Bảo vệ sinh vật biển quý hiếm: nhiều khó khăn
Đem câu chuyện về cá mặt trăng và câu hỏi về việc bảo vệ các loài sinh vật biển quý hiếm trao đổi với anh Hồ Ngọc Hà - Phó Chủ tịch xã Quỳnh Phương, anh cho hay: "Chính quyền địa phương cũng đã tổ chức nhiều hội nghị với Hội Nông dân, Hội Nghề cá để tuyên truyền về việc bảo vệ các loài cá quý hiếm. Nếu ngư dân đánh bắt được những loài cá hay động vật biển quý hiếm thì sẽ thả trở về biển. Trường hợp con cá mặt trăng lần này lúc đưa về thì cá đã chết. Nhưng từ việc tuyên truyền tới việc nhận thức, thực hiện lại là một quá trình khó khăn..."
Qua tìm hiểu của chúng tôi, thì nhận thức của người dân về trách nhiệm bảo vệ các loài sinh vật biển quý hiếm còn hết sức mờ nhạt, thậm chí gần như là con số không. Họ không hề biết, nếu bắt được cá mặt trăng thì cần phải thả ngay chúng trở về biển, càng không biết tới "Sách đỏ" là gì. Việc tuyên truyền cấm săn bắt động vật hoang dã trên rừng có vẻ rõ hơn, dễ hơn với các loại dưới biển, vì dù sao thì người dân vào rừng cấm săn bắn thì đã là "phạm luật". Trao đổi với ông Phạm Văn Lực- Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, chúng tôi được biết, hiện trong 30.000 mẫu vật được trưng bày, lưu giữ trong bảo tàng, thì sinh vật biển chiếm số lượng rất nhỏ, riêng cá mặt trăng mới có 3 con (trong đó có 2 con đến từ vùng biển Quỳnh Lưu, do anh Chiến hiến tặng), "không phải vì sinh vật biển được bảo vệ nghiêm ngặt đâu mà vì chúng bị biến thành thức ăn trước khi cán bộ bảo tàng tìm đến". Ông Lực kể, có những lần, được báo ngư dân một vùng biển bắt được loại cá quý hiếm, khi cán bộ bảo tàng tìm vào đến nơi thì chỉ còn thấy... xương và người dân hồn nhiên trả lời: "Chúng tôi làm thịt, ăn mất rồi". Hầu hết, ngư dân bắt được con cá nào thì cũng đều để chế biến món ăn cả. Chỉ có số ít khi bắt được cá lạ, sợ "cá thần" mới đem đi bán hoặc chôn. Cũng không hiếm lần, khi thấy cán bộ bảo tàng tới tìm mua, các ngư dân nghĩ cá mình bắt được là cá quý hiếm nên "hét" giá hàng tỷ đồng. Có nhiều người dân đã tỏ ra khá ngạc nhiên khi mấy ông cán bộ bảo tàng tới mua cá, mua rùa... rồi lại đem thả về biển. "Chính vì thế, những việc làm như của anh Chiến là việc làm rất đáng trân trọng" - ông Lực cho hay- "và việc nhận thức, bảo vệ các sinh vật quý hiếm, đặc biệt là sinh vật biển hiện nay đang ở mức báo động".
Lời kết
Tạm biệt những người đàn ông vùng biển da sạm đen nắng gió, nụ cười hồn nhiên, tay đang thoăn thoắt gỡ lưới với câu chuyện chưa dứt về cá mặt trăng, tạm biệt căn nhà sát bên bãi biển rì rào tiếng sóng vỗ, xào xạc rừng phi lao, tạm biệt người thanh niên dáng vẻ thư sinh ngồi bình yên sau quầy hàng mua bán, sửa chữa máy tính của mình, chúng tôi trở về với băn khoăn còn bỏ ngỏ của ngư dân nơi này: Nghề chim trời cá nước, trời cho cái nghiệp, ngư dân chỉ biết đánh được đủ cá về thuyền, còn chuyện xử trí thế nào khi gặp phải cá lạ, cá quý hiếm cần được bảo vệ, thì còn là một chuyện khá xa vời...
Thùy Vinh- Hồ Lài