Đầu tư hạ tầng viễn thông phục vụ phát triển kinh tế xã hội
(Baonghean) Với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật được trang bị hiện đại, công nghệ tiên tiến và luôn được cập nhật ngang tầm với sự tiến bộ của khu vực và trên thế giới, Viễn thông Nghệ An đã đưa các sản phẩm dịch vụ Viễn thông - CNTT ngày càng trở nên gần gũi, thân thuộc và hữu ích với cộng đồng.
(Baonghean) Với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật được trang bị hiện đại, công nghệ tiên tiến và luôn được cập nhật ngang tầm với sự tiến bộ của khu vực và trên thế giới, Viễn thông Nghệ An đã đưa các sản phẩm dịch vụ Viễn thông - CNTT ngày càng trở nên gần gũi, thân thuộc và hữu ích với cộng đồng.
Mạng truyền dẫn nội tỉnh đã cáp quang hóa đến tất cả các huyện, thị với chiều dài hơn 3.500km. Trên hệ thống cáp quang này, Viễn thông Nghệ An đã hoàn thành xây dựng mạng MAN-E (Metro Ethernet), đóng vai trò là mạng lõi để thu gom và truyền tải lưu lượng cho các dịch vụ băng rộng, sử dụng công nghệ truyền dẫn IP/MPLS với tốc độ 30Gbps. Mạng truy nhập Internet ADSL hiện đã có hơn 350 điểm cung cấp dịch vụ với hơn 100.000 cổng kết nối, đảm bảo cung cấp dịch vụ băng rộng đến hầu hết các xã trong tỉnh.
Hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện tỉnh Nghệ An đã mang lại hiệu quả trong các phiên họp giao ban. Ảnh: Thanh Lê
Song song với phát triển thuê bao băng rộng sử dụng cáp đồng, Viễn thông Nghệ An đã tiến hành xây dựng mạng truy nhập quang, đảm bảo cung cấp dịch vụ tốc độ cao, ổn định đến nhà thuê bao, đặc biệt là các thuê bao doanh nghiệp, ngân hàng... Với đường truyền cáp quang một loạt các dịch vụ đòi hỏi tốc độ cao đã được cung cấp như: kết nối mạng máy tính giữa các chi nhánh có khoảng cách địa lý xa nhau, dịch vụ hội nghị truyền hình, dịch vụ giám sát từ xa...
Viễn thông Nghệ An cũng chính là doanh nghiệp đầu tiên cung cấp dịch vụ di động băng rộng 3G trên địa bàn. Đến nay, Viễn thông Nghệ An đã có gần 600 trạm BTS VinaPhone 2G và 3G phủ sóng tất cả các vùng trong tỉnh. Với việc đưa dịch vụ 3G vào khai thác, khả năng truy nhập băng rộng tốc độ cao đã vươn tới những vùng sâu, vùng xa, nơi mà mạng cáp đồng chưa có.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin & Truyền thông và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) về việc triển khai dự án mạng Truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) của các cơ quan Đảng và Nhà nước, Viễn thông Nghệ An đã thực hiện kết nối mạng máy tính cho tất cả các sở, ban, ngành, các Huyện ủy, UBND huyện và hầu hết các xã trong tỉnh. Mạng TSLCD chính là hạ tầng ban đầu cần phải có trong quá trình xây dựng chính phủ điện tử của Việt Nam.
Viễn thông Nghệ An đã tài trợ đường truyền Internet băng rộng cho dự án "Bill and Melida Gates" với mục đích "Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam". Trong cả hai giai đoạn của dự án này, Viễn thông Nghệ An đã lắp đặt đường truyền Internet băng rộng cho 70 điểm BĐVHX trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó ưu tiên những điểm thuộc vùng sâu, vùng xa nhằm thực hiện mục tiêu lâu dài của dự án là hỗ trợ người dân nghèo, nhóm thiệt thòi và những người sống ở vùng đặc biệt khó khăn có cơ hội được tiếp cận bình đẳng, hiệu quả và bền vững với CNTT và được hưởng lợi từ sự tiếp cận này để cải thiện cuộc sống.
Ngoài ra, Viễn thông Nghệ An đã tài trợ lắp đặt mở rộng hệ thống giao ban điện tử của UBND tỉnh Nghệ An với 12 điểm cầu tại các UBND huyện với kinh phí gần 2,5 tỷ đồng và cho đến nay vẫn tài trợ 100% đường truyền số liệu cho các phiên họp. Hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện tỉnh Nghệ An đã mang lại hiệu quả trong các phiên họp giao ban định kỳ quý, các phiên họp chuyên đề, hội thảo tổ chức giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh với các huyện ủy, UBND huyện trong quy mô toàn tỉnh.
Thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng mạng viễn thông đến năm 2015 của UBND tỉnh, Viễn thông Nghệ An sẽ tiếp tục phát triển hạ tầng mạng viễn thông - CNTT cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đáp ứng mọi nhu cầu của xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.
Viễn thông Nghệ An