“Choáng” vì mỗi bệnh viện một giá

22/05/2012 22:39

Giá chênh lệch khủng khiếp

Giá chênh lệch khủng khiếp

Theo BHXH VN, chi phí tiền thuốc, vật tư y tế chiếm khoảng 64% tổng chi khám - chữa bệnh BHYT. Năm 2010, số người tham gia BHYT là 52,41 triệu, chi khám - chữa bệnh BHYT là 19.217 tỉ đồng, riêng chi thuốc là 11.722 tỉ đồng. Năm 2011, với khoảng 55,9 triệu người tham gia BHYT, chi khám - chữa bệnh BHYT là 24.000 tỉ đồng, riêng thuốc chiếm 15.000 tỉ đồng.

Tham khảo giá thuốc trúng thầu năm 2011 của 115 loại thuốc tại Quảng Nam với giá thuốc trúng thầu tại các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi và BV Chợ Rẫy cho thấy: Giá thuốc ở Quảng Nam cao bình quân 12% so với giá thuốc phổ biến; Đà Nẵng cao hơn 9% (35 loại thuốc khảo sát giá); Bình Định vẫn còn có 16/54 loại thuốc có giá cao hơn giá thuốc phổ biến khoảng 5%.

Nghịch lý ở chỗ, giá thuốc thanh toán BHYT đối với cùng một loại hoạt chất có biên độ rất lớn, ảnh hưởng đến chi phí thuốc BHYT. Cụ thể: Thuốc Ginko biloba 40mg, được trúng thầu và thanh toán BHYT 6 tháng đầu năm 2011 dao động từ 168 - 6.825 đồng/viên (trong khi giá bình quân: 1.626 đồng/viên).

Với trên 15.000 loại thuốc được trúng thầu vào các BV tuyến trung ương năm 2011, trong khi năm 2010 chi trên 13.000 loại đã cho thấy số lượng thuốc trúng thấu vào các BV đã tăng lên rất lớn. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại, phần lớn số đó được trúng thầu với giá “trái khoáy” khi cùng loại thuốc nhưng trúng vào mỗi BV mỗi giá. Chẳng hạn, thuốc Acetylcystein chứa hoạt chất N-acetylcysteine với hàm lượng 200mg của Cty dược phẩm Tipharco (Việt Nam) trúng thầu vào BV Thống Nhất giá 690 đồng/gói. Với hoạt chất và hàm lượng tương tự, nhưng thuốc Mekomucosol của Cty dược phẩm Mekophar trúng thầu vào BV C Đà Nẵng giá 726 đồng/gói...

Túi ngân sách và túi người bệnh thâm thủng...

Câu hỏi được đặt ra, tại sao có khoảng chênh lệch giá giữa một loại thuốc trong các BV? Phần lớn lãnh đạo các BV đều cho rằng, việc chênh lệch giá chắc chắn sẽ xảy ra giữa các BV vì các nhà sản xuất sẽ ưu tiên giá cho các BV nào lấy số lượng lớn, đặc biệt là BV chuyên khoa. Qua tìm hiểu gần 20 BV công lập trực thuộc Bộ Y tế trúng thầu giá thuốc năm 2011 cho thấy, hầu như có loại thuốc trong nước sản xuất được, có hoạt chất tương đương lại để cho thuốc của nước ngoài trúng thầu, hoặc cùng loại thuốc, hoạt chất nhưng giá thuốc trúng thầu của thuốc ngoại lại cao gấp bội thuốc nội...

Đó là chưa kể đến một số loại thuốc trong BV cao hơn giá bán buôn bên ngoài. Trong khi thuốc vào BV được “bao cấp” mặt bằng, dược sĩ, điện nước, thuế và đặc biệt là bao cấp lượng bệnh nhân khổng lồ. Với hàng loạt thuận lợi kể trên, đáng lẽ thuốc vào BV phải giảm.

Một ví dụ cụ thể về các loại vaccine chích dịch vụ tại các BV công lập, trung tâm y tế dự phòng có thể minh họa cho nhận định trên. Chị Lê Thị Minh - quận 3, TPHCM đưa con đi tiêm vaccine Infanrix-hexa (ngừa 6 bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ HIB, viêm gan siêu vi B) tại Trung tâm Y tế dự phòng quận Tân Phú, giá 630.000 đồng/mũi; uống Rotarix ngừa tiêu chảy giá 760.000 đồng/liều. Cùng thời điểm đó, người quen của chị Minh cũng cho con đi uống Rotarix ở một cơ sở y tế khác thì có giá đến 810.000 đồng. Rõ ràng, chỉ tính riêng tại TPHCM, giá vaccine mỗi nơi mỗi khác.

Tại hội nghị giao ban công tác thực hiện chính sách BHYT năm 2012 mới đây, một lãnh đạo của BHXH VN đã đưa ra ý kiến: “Cùng loại thuốc, cùng hàm lượng nhưng BHYT thanh toán cho BV A 5 đồng, nhưng lại thanh toán cho BV B tới 10 đồng. Đó là một bất cập không thể chấp nhận được”. Liệu thông tư đấu thầu thuốc trong các cơ sở y tế có hiệu lực từ ngày 1.6 có cải thiện được tình hình trên? Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nếu phân tích kỹ thì thông tư trên vẫn chưa khắc phục được điểm yếu trên. Chính vì điều này, cái “túi” ngân sách và của người bệnh tiếp tục thâm thủng..


Theo Lao động - H