Về Châu Phong
Con đường nhựa độc đạo từ Thị trấn Tân Lạc đến Châu Phong (huyện Quỳ Châu) dài trên 20 km và chỉ rộng chừng 3m. Đường sá đi lại khó khăn, hiểm trở nên phải 4-5 ngày mới có một chuyến ô tô chở hàng ngược rừng về với Châu Phong. Nguồn thực phẩm tươi hàng ngày chủ yếu tự túc hoặc được các lái buôn nhỏ tận Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Thị trấn Tân Lạc thồ về bán rải rác dọc đường.
(Baonghean) - Con đường nhựa độc đạo từ Thị trấn Tân Lạc đến Châu Phong (huyện Quỳ Châu) dài trên 20 km và chỉ rộng chừng 3m. Đường sá đi lại khó khăn, hiểm trở nên phải 4-5 ngày mới có một chuyến ô tô chở hàng ngược rừng về với Châu Phong. Nguồn thực phẩm tươi hàng ngày chủ yếu tự túc hoặc được các lái buôn nhỏ tận Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Thị trấn Tân Lạc thồ về bán rải rác dọc đường.
Đường vào Châu Phong mùa này hiểm trở, một bên vực sâu, một bên núi cao, chỉ cần một trận mưa là đất đá có thể đổ xuống bất cứ lúc nào, chia cắt đường đi. Mới đầu mùa mưa nhưng nhiều đoạn đường đã bị nước từ trên núi xói trơ chân đá, lô nhô, lổm nhổm. Anh Hùng, công tác tại UBMTTQ huyện Quỳ Châu chở tôi trên chiếc Sirius mới cóong. Đường lên dốc Bù Xen xe chạy rì rì như nhích từng bước một. Mười cây số đường nhựa chúng tôi cũng phải “bò” mất gần 1 tiếng đồng hồ mới lên tới đỉnh dốc. Đồng bào dân tộc Thái gọi đỉnh dốc Bù Xen là đén pha, có nghĩa là cổng trời. Theo lời giới thiệu của anh bạn đường, đây là điểm cao nhất tại Quỳ Châu, khoảng 200m so với mực nước biển, nơi giao nhau, gần nhất giữa trời và đất, mây sát đầu người, khí hậu mát mẻ, 10 giờ trưa nhưng trời có sương mù, mưa bụi bay bay ướt áo. Lên đến cổng trời, tôi cứ tưởng mình đang lạc vào một thế giới hoàn toàn khác lạ, một Sa Pa thu nhỏ của vùng đất xứ Nghệ.
Xe bắt đầu chạy xuống, anh bạn đường vặn chìa khóa tắt máy, đưa xe về số “mo”, thả trôi hoàn toàn tự do, chỉ dùng phanh chân, phanh tay để hạn chế tốc độ. Xuống được một nửa bên kia dốc Bù Xen, chúng tôi gặp một vụ va quệt xe. Anh bạn đường bảo: “Chuyện thường ngày ở huyện thôi, đường quanh co, dốc lên, dốc xuống, khuất tầm nhìn… nhưng mà cũng chỉ là những vụ va quệt nhẹ thôi, vì không lái xe nào mạo hiểm chạy nhanh. Va chạm mạnh là “tỏm” xuống vực sâu như chơi”.
Xuống lưng chừng dốc trời lại nắng nóng, nhưng cái nắng ở thung lũng Châu Phong nhẹ, không rát da cháy thịt như những vùng khác. Khe Pùng ngày càng hiện rõ trước mắt chúng tôi. Những bản làng bên khe suối, những rừng cọ xanh mướt tạo cảm giác người dân nơi đây bốn bề được bao bọc, che chở bởi núi rừng, sông nước bao la. Dòng khe Pùng xuất phát từ trong lòng cổng trời, chảy vào phía thung lũng Châu Phong, gặp khe suối từ Châu Hoàn, Diên Lãm, chảy ra phía Thị trấn Tân Lạc nhập vào dòng sông Hiếu. Các dòng suối nơi đây bao bọc, thân thiết với trên 11 nghìn người dân thuộc 35 bản làng đồng bào dân tộc Thái từ bao đời nay. Dòng suối hiền hòa, mát trong cho đồng bào nước tưới vào mùa hè, cho cá ăn hàng ngày, cho dòng điện phát sáng nhưng cũng không kém phần hung giữ trong mùa nước lũ. Nước khe lạnh nên năm nào mưa nhiều, nhiệt độ xuống thấp, đồng bào Thái Nơi đây thường mất mùa, nhưng khi nắng nhiều, nguồn nước ở đây lại có vai trò lớn giúp đồng bào được mùa. Cuộc sống người dân nơi đây còn thiếu thốn đủ bề, những nhu cầu thiết yếu nhất vẫn chưa được đáp ứng. Thấy chúng tôi mồ hôi nhễ nhại, ngồi phệt xuống ghế, vẻ mệt mỏi, một chủ quán nước bên đường, giọng Bắc thanh minh: “Chú thông cảm, nắng nóng nhưng chị không bật quạt được, điện chỉ đủ để thắp sáng một bóng đèn. Ti vi mua về mà có bao giờ xem được đâu!?”.
Dù năm nay hạn hán nhưng Châu Phong nằm bên nguồn nước dồi dào của khe Pùng nên vẫn được mùa. Bà con đã thu hoạch hết lúa nương, lúa rẫy và cả lúa nước, cánh đồng trơ gốc rạ vàng, trên đường chỉ sót lại vài cọng rơm vàng, mùi lúa mới từ trong bồ vẫn tỏa mùi thơm dễ chịu. Anh Lương Văn Năm - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong, một cán bộ trẻ vừa được huyện tăng cường về đây cho biết: “Đời sống nhân dân ở Châu Phong và các xã Châu Hoàn, Diên Lãm nhìn chung còn nhiều vất vả. Đồng bào cũng quen với cách thức, kỹ thuật canh tác lúa nước rồi nhưng đặc điểm khí hậu ở đây chỉ thích hợp với các giống lúa địa phương, chất lượng thơm ngon nhưng năng suất thấp. Tuy vậy, năm nay được mùa, năng suất ước đạt 45-50 tạ/ha. Người dân sản xuất lúa chỉ đủ ăn thôi, còn kinh tế gần như phụ thuộc hoàn toàn vào chăn nuôi đại gia súc. 95% người dân ở đây chăn nuôi trâu, bò, dê…”. Anh Năm cũng hồ hởi thông báo, sắp tới đây, Nhà nước sẽ đầu tư trên 40 tỷ đồng để kéo đường dây điện lưới từ Quỳ Hợp về 3 xã vùng sâu này. Điện về, đồng bào sẽ từng bước phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống…
Sau bữa cơm trưa, chúng tôi chia tay Châu Phong vội vã bởi cơn mưa chiềuđặc trưng của vùng miền núi này sắp kéo tới. Đến Châu Phong, được hai lần đi qua Cổng Trời đã cho tôi những trải nghiệm thực sự thú vị. Cuộc sống của người dân nơi đây dẫu còn nhiều khó khăn nhưng trong họ luôn ánh lên tinh thần lạc quan vào một ngày mai…
Võ Văn Dũng