Hai lần Sinh nhật đáng nhớ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

17/05/2012 16:06

(Baonghean.vn) - Nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chối những nghi lễ phiền phức về ngày sinh của mình. Thậm chí, Người còn tìm cớ đi đâu đó để tránh đồng chí, đồng bào đến chúc tụng, dù là đến với động cơ tốt lành.


Lần đầu tiên, toàn Đảng, toàn Quân và toàn dân ta kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngày 19/5/1946.


Tại Bắc Bộ phủ, buổi sáng hôm đó, Bác tiếp đại biểu thiếu nhi Thủ đô, tự vệ, hướng đạo cùng hơn 50 đại biểu Nam Bộ đến chúc mừng. Với các đại biểu thiếu nhi, Bác tặng các cháu một cây bách rồi ân cần dặn dò: “Mai sau, cây sẽ mọc ra trăm cái tán. Các cháu về chăm nom cho cây lớn cây tốt, thế là các cháu yêu Bác Hồ lắm đấy !”. Còn đối với tấm lòng kính yêu lãnh tụ của đồng chí, đồng bào, Bác khiêm tốn: “Tôi chưa xứng đáng với sự săn sóc của đồng bào. Vì tôi hãy còn là một thanh niên, tuổi có 56 chưa đáng tuổi được đồng bào chúc thọ”. Tận đáy lòng mình, vào đúng ngày này, Bác hứa: “Từ trước đến nay, tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau, tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc. Tôi xin hứa với đồng bào gắng sức làm việc, nhưng tôi hy vọng vào sự cộng tác chặt chẽ của đồng bào. Việc nước là việc lớn, không ai có thể một mình làm nổi... Hôm nay, đồng bào cho tôi nhiều hoa và bánh. Những thứ đó đáng giá cả, nhưng xin đồng bào nghĩ đến các bà con nghèo khó hơn là hao phí cho tôi”.

Còn dịp sinh nhật Bác Hồ năm 1969. Vào 7h sáng, ngày 10/5/1969, Bác dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 16 tại nhà khách Hồ Tây. Đến 9h thì giải lao, Bác xin phép về nhà sàn. Lần đầu tiên trong 4 năm trời, Bác viết và sửa chữa bản Di chúc chậm hơn thường lệ, từ 9h30 đến 10h30. Vào ngày đó, Bác viết lại toàn bộ phần mở đầu Di chúc. Sáng ngày 11/5, theo thói quen cũ, từ 9h đến 10h, Bác dành thời gian sửa lại Di chúc. Đến 16h15, Bác đến thăm và trò chuyện thân mật với đại biểu dự Hội nghị cán bộ cao cấp toàn Quân.



Bác Hồ nhận hoa chúc thọ, ngày 11/5/1969, của đại biểu Quân đội nhân dân Việt Nam

Khi Bác vào phòng họp, mọi người đứng cả dậy hô vang: “Hồ Chủ Tịch muôn năm! Hồ Chủ Tịch muôn năm!”, Bác giơ tay ra hiệu mọi người ngồi xuống. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ thay mặt anh em mang hoa đến chúc thọ Bác Hồ, giọng một tướng lĩnh mà cứ run run:


- Thưa Bác, nhân dịp mừng thọ Bác 79 tuổi, chúng cháu xin thay mặt cán bộ, chiến sĩ toàn Quân kính chúc Bác mạnh khoẻ, sống lâu ! Toàn thể lực lượng vũ trang nhân dân tin tưởng tuyệt đối và biết ơn sâu sắc sự lãnh đạo, giáo dục và tình thương yêu chăm sóc của Đảng, của Bác Hồ...

Thiếu tướng vừa dứt lời, Bác cười vui vẻ, rút một bông hoa đẹp nhất tặng lại người đồng chí của mình, âu yếm và thân tình xiết bao. Có ai ngờ, đây lại là lễ kỷ niệm cuối cùng Ngày sinh của Bác có Bác đến dự, của lực lượng vũ trang nhân dân !

Có một điều thú vị, là vào dịp 19/5 của các năm 1949, 1950, 1953, 1959, 1961, 1964, 1965, 1967 và 1968, Bác đều có làm thơ hoặc để đáp từ hoặc nói lên tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của một Chủ tịch nước, một công dân Việt Nam. Ngày 19/5/1969, Nghệ An quê Bác còn nhận được một đặc ân lớn, Bác gửi tặng cán bộ, nhân dân tỉnh nhà tấm ảnh chân dung của Người, phía dưới tự tay Bác viết dòng chữ: “Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi công tác, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân !”.

Nữ nhà báo Pháp - bà Mađơlen Rípphô, có lần dẫn lời một đồng chí sống gần gũi với Bác Hồ: Hồ Chí Minh rất ít ngủ và bận lo suy nghĩ tới nạn hạn hán hay mùa lũ đang đe dọa đồng ruộng; nghĩ tới những chiến sĩ, thanh niên xung phong dưới mưa bom bão đạn. Nhiều đêm đã khuya, công việc đã hoàn tất, Người ngả lưng lên giường và mở đài bán dẫn nghe những buổi phát thanh nước ngoài. Nếu nhắc Người đi ngủ vì giữ sức khỏe thì Người chỉ mỉm cười bảo rằng “Tôi đang nghe tiếng nói của nhân loại”. Luôn bận rộn vì quyền lợi và hạnh phúc của người khác, một con người như thế chắc chắn sẽ có rất ít thời gian dành cho riêng bản thân mình.


Đúng vậy, giữa hai lần sinh nhật đáng nhớ kể trên, nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chối những nghi lễ phiền phức về ngày sinh của mình. Thậm chí, Người còn tìm cớ đi đâu đó để tránh đồng chí, đồng bào đến chúc tụng, dù là đến với động cơ tốt lành. “Tránh việc chúc thọ ở mức độ không cần thiết, đó là tầm cao của sự khiêm tốn, đó là bản chất người đầy tớ của nhân dân.” TS.Trần Viết Hoàn đã có lý, khi ông nêu nhận xét như thế !


Kim Hùng