Hội thảo Giải pháp đột phá đổi mới nền giáo dục Việt Nam

10/06/2012 18:08

Trong hai ngày 9 – 10/6, Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Giải pháp đột phá đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam” đã được tổ chức tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên dưới sự chủ trì của Hội Khoa học tâm lý – Giáo dục Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức nhằm tập hợp sự đóng góp trí tuệ của các nhà khoa học, các hội viên trong toàn quốc để đề xuất với Trung ương về giải pháp thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

Theo đó, gần 100 tham luận của các đại biểu đã xoay quanh một số vấn đề trọng tâm như: Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; các mâu thuẫn trong phát triển giáo dục và việc giải quyết các mâu thuẫn đó nhằm đổi mới cách làm giáo dục ở Việt Nam; xây dựng nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới; quán triệt quan điểm “kinh tế - giáo dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sự nghiệp đổi mới hiện nay; bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên bằng hình thức đào tạo trực tuyến…

Đa số các đại biểu cho rằng, đổi mới nền giáo dục là vấn đề thời sự từ lâu, nhưng kết quả đổi mới chưa lần nào đáp ứng được yêu cầu và đến nay xã hội vẫn đang bức xúc về lĩnh vực này. Việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam không chỉ nhằm khắc phục tình trạng yếu kém, bất cập của nền giáo dục, mà còn góp phần chuyển hệ thống giáo dục sang một mô hình phát triển mới nhằm đáp ứng yêu cầu “đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế”.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra một số giải pháp về tư duy giáo dục, sứ mạng đổi mới giáo dục với sự phát triển kinh tế và phát triển cá nhân; mục tiêu giáo dục trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; cách làm giáo dục trong cơ chế thị trường; đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân; đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên (mạng lưới, mô hình, nội dung, phương pháp, hình thức, chính sách); đổi mới căn bản, toàn diện ở từng cấp học, ngành học (mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, đại học, giáo dục thường xuyên) và ở từng địa phương.


Theo TTXVN-M