Viết thêm về Giáo sư Tạ Quang Bửu

07/04/2012 14:24

(Baonghean) - Bài “Giáo sư Tạ Quang Bửu và khoa học quân sự nước nhà” của tác giả Hoàng Chỉnh (báo Nghệ An cuối tuần, số 8897, năm 2011) chưa đầy đủ. Xin bổ sung thêm một vài tư liệu để bạn đọc thấy rõ những đóng góp to lớn, tầm nhìn xa, rất xa của GS. Tạ Quang Bửu trong xây dựng LLVTND.

(Baonghean) - Bài “Giáo sư Tạ Quang Bửu và khoa học quân sự nước nhà” của tác giả Hoàng Chỉnh (báo Nghệ An cuối tuần, số 8897, năm 2011) chưa đầy đủ. Xin bổ sung thêm một vài tư liệu để bạn đọc thấy rõ những đóng góp to lớn, tầm nhìn xa, rất xa của GS. Tạ Quang Bửu trong xây dựng LLVTND.


Tác giả Hoàng Chỉnh (HC) viết: Tháng 9/1945 – 1/1946, ông giữ chức tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Đính chính: Từ tháng 9/1945 – 2/1946, GS giữ chức Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao, tháng 3/1946 mới giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Có một sự kiện rất quan trọng chưa thấy đề cập trong giai đoạn này: Tháng 10/1945 GS Bửu được Bác chỉ định vào Hội đồng cứu quốc phòng”, ông đã cùng các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phan Anh hoàn thành các kế hoạch chiến lược, trước mắt về võ bị quốc gia. Lộ trình và phương thức phát triển khoa học kỹ thuật, từng bước hiện đại hóa quân đội của ông ngày ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị.




Tại Hội nghị Giơ - ne - vơ ngày 21/7/1954, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu (người ngồi, bên phải) đại diện phía Việt Nam ký hiệp định với Pháp.

Tác giả H.C viết: “Trong năm 1946, ông tham gia hai cuộc họp quan trọng: Hội nghị Đà Lạt và Hội nghị Phông – ten – blô”. Chính xác phải là: Tháng 4/1946, ông là thành viên Chính phủ ta trong Hội nghị trù bị Đà Lạt và tháng 6/1946 là thành viên Chính phủ ta trong Đoàn đàm phán tại Phông – ten – nơ - bơ - lô. Về sự kiện này rất tiếc HC không đề cập một tư liệu rất quan trọng: Từ Phông – ten – nơ- bơ - lô, ông đã được đồng chí Phạm Văn Đồng cử đến Giơ – ne – vơ thay mặt Chính phủ ta dự Kỷ niệm 200 năm Hội Khoa học Kỹ thuật Thụy Sỹ. Tại đây, ông đã mua và được tặng hơn 800 kg sách vở, tài liệu về chế tạo vũ khí. Nhờ những tài liệu này ông đã cùng kỹ sư Trần Đại Nghĩa chế tạo thành công nhiều loại vũ khí, góp phần giải quyết khó khăn về trang bị cho quân đội những ngày đầu.

Tác giả HC viết: “Tháng 8/1947, ông được kết nạp vào Đảng ĐCSVN và được giao cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”. Chính xác thì tháng 7/1947, ông được kết nạp Đảng và xin được bổ sung thêm: Tháng 12/1947, Thường vụ Bộ Chính trị bổ nhiệm ông vào Quân sự ủy viên hội (nay là Đảng ủy Quân sự Trung ương) đặc trách lãnh đạo công tác khoa học kỹ thuật quân sự GS. Tạ Quang Bửu chưa bao giờ là “Ủy viên Hội đồng Quốc phòng tối cao kiêm Chánh Văn phòng quân ủy Trung ương” như HC viết. Một đóng góp lớn của ông trong thời điểm này là với tầm nhìn xa, rất xa, ông đã trực tiếp thành lập, xây dựng quy chế công tác các “Ban nghiên cứu không quân”, “Ban nghiên cứu Hải quân” “Nha nghiên cứu KHKTQS”, “Nha chế tạo mẫu”… Đây là tiền thân của nhiều cơ quan KHKT quân đội hiện nay. Theo chỉ thị của Bác, ông đã trực tiếp tổ chức Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, trực tiếp biên soạn giáo trình, tham gia giảng dạy nhiều học phần quan trọng. Trong trường sỹ quan đầu tiên của quân đội (nay là Học viện Lục quân), nhiều học viên khóa I, II, III của trường đã trở thành tướng lĩnh, anh hùng, cán bộ chủ chốt của quân đội trong các cuộc kháng chiến. Thời kỳ này, ông viết cuốn “Bắn máy bay bằng súng trường tập trung”. Về sự kiện này, HC viết: “Cuốn sách này rất cần vì hồi đó ta chưa có súng cao xạ và các loại súng phòng không khác”. Xin đính chính: Thời kỳ đó ta đã có tiểu đoàn cao xạ 367. Đây là giáo trình của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, thể hiện quan điểm chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, lấy yêu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều của Đảng, Bác Hồ. Nghệ thuật quân sự độc đáo này đã làm nên bao huyền thoại về khẩu súng trường bắn rơi máy may phản lực hiện đại trong chống chiến tranh phá hoại bằng không quân Mỹ của quân và dân ta.

Tác giả HC viết: “… dự Hội nghị Giơ – ne – vơ về Việt Nam, trên cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và là người đại diện cho Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam ký hiệp định đình chiến tại Việt Nam và Lào”. Xin đính chính: Theo thỏa thuận giữa ta và Pháp, thành viên quân sự đại diện cho chính phủ hai nước hàm thứ trưởng. GS. Tạ Quang Bửu dự hội nghị và ký trong văn bản giữa hai chính phủ Việt Nam – Pháp với tư cách đó, không liên quan đến Lào. Còn Tổng Tư lệnh là người chỉ huy các tư lệnh quân khu, quân chủng, binh chủng, không phải người chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về quân sự - quốc phòng.


Là một nhà khoa học lớn của thời đại, giữ chức Thứ trưởng, Bộ trưởng, rồi lại Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho đến năm 1961, mặc dầu sau đó ở cương vị khác, ông vẫn tiếp tục có những đóng góp cực kỳ to lớn vào sự nghiệp xây dựng quân đội về lĩnh vực khoa học, kỹ thuật. Trong bài, HC có đề cập đến 2 đề tài khoa học, ông trực tiếp chỉ đạo đã góp phần giải phóng bom, mìn, thủy lôi đảm bảo GTVT trong chống Mỹ cứu nước. Nhưng rất tiếc, có hai tư liệu đặc biệt quan trọng không thể thiếu được khi nói đến những đóng góp của ông trong chống Mỹ cứu nước. Xin bổ sung:


1. Khi làm Bộ trưởng ĐT-THCN, GS Bửu đã đề nghị Chính phủ cho Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội thành lập phân hiệu II với những quy chế riêng biệt, được Bộ ĐH – THCN và Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo nội dung học tập, chọn những sinh viên giỏi từ năm thứ III đưa về đào tạo. Tốt nghiệp trường, số sinh viên này vào phục vụ trong quân đội. Đây là những kỹ sư quân sự đầu tiên do quân đội ta tự đào tạo trong nước. Nhiều người trong số họ đã trở thành Anh hùng LLVTND, tướng lĩnh nhà Khoa học quân sự. Phân hiệu II Bách Khoa sau 2 khóa đào tạo đã trở thành Đại học Kỹ thuật quân sự, nay là Học viện Kỹ thuật quân sự - nơi đào tạo cán bộ sau đại học và đại học về kỹ thuật quân sự cho đất nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi đây là bước “đại đột phá” trong xây dựng tiềm lực con người, sức mạnh chiến đấu của LLVTND ta!


2. Để có “Điện Biên phủ trên không”, GS. Tạ Quang Bửu đã cùng các nhà khoa học trong và ngoài quân đội nghiên cứu thành công “phương pháp tách nhiễu” buộc máy bay chiến lược B52 của Mỹ phải hiện nguyên hình trên màn hiện sóng, tạo điều kiện cho tên lửa ta bắn rơi tại chỗ hàng loạt pháo đài bay B52 của Không quân Mỹ. Sau sự kiện này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gọi GS. Tạ Quang Bửu là “Lê Quý Đôn của thời đại Hồ Chí Minh”!


Sinh thời, GS.Tạ Quang Bửu sống thận trọng, nghiêm túc, chính xác, thẳng thắn và cầu thị. Chúng tôi cũng xin được bổ sung thêm tư liệu để bạn đọc trên quê hương thấy rõ hơn “tầm vóc thời đại” của ông trên lĩnh vực Quốc phòng!


Nguyễn Khắc Thuần