Hội nghị thượng đỉnh EU: Chờ một hướng đi mới
Cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Berlin giữa tân Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Đức Merkel, dù được đánh giá là “hứa hẹn một khởi đầu tốt đẹp” vẫn không xua tan nghi ngại về những sóng gió có thể nổi lên trong quá trình ấn định một chính sách phục hồi kinh tế và cân bằng ngân sách hoàn chỉnh, có thể áp dụng được cho châu Âu thời gian tới.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Berlin giữa tân Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Đức Merkel, dù được đánh giá là “hứa hẹn một khởi đầu tốt đẹp” vẫn không xua tan nghi ngại về những sóng gió có thể nổi lên trong quá trình ấn định một chính sách phục hồi kinh tế và cân bằng ngân sách hoàn chỉnh, có thể áp dụng được cho châu Âu thời gian tới.
Với việc áp đặt thành công chủ đề tăng trưởng vào các nghị sự thảo luận tại Trại David, Hollande đã chính thức bày tỏ quan điểm đối lập với đối tác Đức. Bên cạnh vấn đề của Hy Lạp, quan điểm đối lập giữa hai nước sẽ khiến các tranh luận về ngân sách và tăng trưởng tại châu Âu tới đây trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết.
Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Đức Merkel. (Nguồn: Reuters)
Tại Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Trại David và bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Chicago, “chủ nghĩa tích cực” của Hollande đã vô tình góp phần cô lập Thủ tướng Đức, “người đàn bà thép” của Liên minh châu Âu. Để không đơn độc, Merkel sẽ khai mào cho một cuộc tranh luận chính thức tối 23/5 tại Brussels, nơi các nhà lãnh đạo EU sẽ có một cuộc họp “dưới chân núi lửa Hy Lạp” để xem xét biện pháp và phương tiện khả dĩ có thể đưa châu Âu tăng trưởng trở lại. Liệu Hollande có tìm được sự ủng hộ của đa số để củng cố “phe tăng trưởng”?
Người ta vẫn còn nhớ hình ảnh tân Tổng thống Pháp đã “hớn hở” như thế nào khi nhấn mạnh với cánh nhà báo có mặt tại Trại David, trước vẻ mặt thất vọng của bà Merkel. Rõ ràng ông đã rất hài lòng với sự “trình làng” của mình và với việc tạo sức ép “thành công” đối với Thủ tướng Đức tại một hội nghị như G8.
Việc đặt mục tiêu tăng trưởng thành chủ đề trung tâm của nghị sự G8 đã thực sự khiến bà Merkel không thể không lo lắng. Bà sẽ không đơn độc tại Brussels những ngày tới, nhưng dường như sự xuất hiện của Tổng thống Pháp đang khiến bà bắt đầu cảm thấy bất an.
Trong thông cáo cuối cùng của G8, lãnh đạo các nước công nghiệp giàu có nhất đã tìm cách đưa hai phía xích lại gần nhau bằng tuyên bố công nhận “tăng trưởng và thắt chặt tài chính công sẽ song hành với nhau.”
Theo nhận định của giới phân tích, tuyên bố này sẽ mở đường cho Pháp và Đức tìm một giải pháp dung hòa được dự đoán từ trước. Đó là EU sẽ không phải đàm phán lại Hiệp ước ngân sách mà 25 thành viên đã ký và một vài nước đã phê chuẩn. Và Tổng thống Pháp sẽ phải chấp nhận việc đề xuất về tăng trưởng và việc làm của ông sẽ được quan tâm như một “sự bổ sung tất yếu”, hay một phụ lục “quan trọng” của Hiệp ước ngân sách.
Tuy nhiên, đó chỉ là dự đoán và thực tế phức tạp hơn nhiều. Vấn đề là ở chỗ nếu chấp nhận đề xuất kích thích tăng trưởng của ông Hollande trong bối cảnh bắt buộc phải tìm mọi biện pháp cân bằng ngân sách nhà nước, bà Merkel sẽ phải chấp nhận một loạt các yêu cầu “bất khả thi” theo kèm.
Nếu như các vấn đề khác, chẳng hạn điều chỉnh chức năng nhiệm vụ của Ngân hàng trung ương châu Âu, được cho là dễ dung hòa quan điểm của Pháp và Đức hơn, thì yêu cầu phát hành trái phiếu châu Âu (Eurobonds), được một nhà báo Pháp ví như một tấm vải đỏ khua trước mặt nhà lãnh đạo Đức, vẫn là vấn đề khó tìm được sự đồng thuận nhất.
Trước khi tới Brussels, Tổng thống Pháp cho biết ông chờ đợi ở các nhà lãnh đạo châu Âu một cuộc “tranh luận thẳng thắn” và “mọi vấn đề đều được đặt lên bàn” để có thể xây dựng một chiến lược tăng trưởng chung cho cả Liên minh. Hollande nhấn mạnh “trong gói này sẽ có Eurobonds và tôi sẽ không phải là người duy nhất đưa ra đề xuất này và tôi khẳng định như vậy”. Phản ứng tức thì của Đức? “Đó không phải là một phương thuốc cho khủng hoảng.”
Thực tế, đến nay chỉ có Thủ tướng Italy, Mario Monti, bày tỏ rõ nhất sự ủng hộ này, nhưng vẫn ở mức độ thận trọng. Tại Trại David, ông chỉ dám nói đến “một sự tiến triển hướng tới Eurobonds.”
Hơn nữa, vẫn còn một sự mù mờ giữa việc phát hành trái phiếu mang danh nghĩa nợ công chung của khu vực đồng euro, một công cụ mà Thủ tướng Đức cương quyết phản đối, và trái phiếu chung nhằm tài trợ cho các dự án lớn của châu Âu (Projects bonds) được dư luận đánh giá là “có thể chấp nhận được”. Mario Monti cho biết ông sẽ tổ chức một cuộc gặp cấp cao ba bên tại Roma vào đầu tháng 6 này để “đưa các quan điểm xích lại gần nhau.”
Nói cho cùng, mặc dù tìm được sự ủng hộ của lãnh đạo các nước khác tại Hội nghị G8, nhưng đề xuất của ông Hollande vẫn là câu chuyện của EU. Tổng thống Pháp không dễ áp đặt quan điểm nếu như tới đây, tại các cuộc bầu cử lập pháp, Đảng Xã hội và các đảng cánh tả khác không giành được đa số ghế trong Quốc hội và Berlin cũng rất quan tâm đến cuộc bầu cử này tại Pháp.
Ngược lại, Thủ tướng Đức nhắc lại rằng bà sẽ không sử dụng các được mất tại EU vì các mục đích chính trị nội bộ. Có nghĩa là thất bại của Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo trong cuộc bầu cử tại bang Bắc Rhine-Westphalia đông dân nhất nước Đức vừa qua sẽ không làm suy chuyển chính sách khắc khổ của bà./.
Theo (Vietnam+) - ĐT