Vĩnh Tuy - Làng nói trạng

02/05/2012 19:36

(Baonghean) - Tục truyền, làng tôi (Vĩnh Tuy, Vĩnh Thành, Yên Thành) tự cổ xưa đã có nhiều người ham học, thích vè dặm, thích hát tuồng. Chúng tôi lớn lên cũng theo các đàn anh, đàn chị "đi hò".

Trước làng có cái hồ mênh mông gọi là Rộc Cựa. Trẻ em, người lớn giữa gió nồm hây hẩy nằm nghe các cụ đọc vè, kể chuyện. Ngày trước, làng có cụ Trần Cuổn, tộc trưởng họ Trần Duy, nhà nghèo, có tài xuất khẩu thành chương, đang lúc làng thịnh trị, cụ đặt những câu vè thật cảm động: "Làng ta ba giáp đua nhau/Xem trong phong cảnh có cau hai hàng/Các quan thì được chữ vàng/ Các cố chữ bạc trong làng hai ông/ Làng ta thật thậm là đông/Có bà tiết phụ biển rồng mới ban/Trông lên thấy bóng rồng ngang/Bốn bề mây phủ hai hàng con quy/Chầu về giữa đất Vĩnh Tuy/Trong chùa ngoài giếng voi quỳ một bên/Nhờ ơn quan cố bề trên/Thái bình thịnh trị thiên niên đời đời". Không khí hội làng được tạo dựng lại sống động: "Làng sắm kiệu đã lâu rồi, bộ kiệu rày đang mới/Kiệu sơn son đỏ rượi/Rồi thếp bạc chạm rồng/Các quan đi hai dòng/Trống lùng bùng vui vẻ".


Nhưng làng tôi nổi tiếng nhờ chuyện nói nghịch, lắm chuyện vui đến chảy nước mắt. Cũng trong những đêm ngủ bờ hồ này, chúng tôi được nghe vè bà Cát. Các cụ bảo, làng mình có bà Cát đặt vè hay lắm. Thời bom đạn cả làng hát vang: "Đã đảo đũa bếp/Đoàn kết môi thìa/Rau má lìa xìa/Ăn no đánh thắng". Các bà cấy dưới ruộng thấy trên về kiểm tra, bà Cát giơ tay đếm: "Cán bộ to mang xắc đỏ/Cán bộ nhỏ mang xắc đen/Cán bộ loèn quèn mang xắc vải...". Cảnh dời nhà làm chuồng trâu tập thể có cái bi hài của nó. "Đội 1 vác cột nhà xia/ Đội 2 vác chai đi mua mật". Sự thực, thời ấy đã bắt đầu có tiêu cực: "Mỗi người làm việc bằng hai/Để cho cán bộ mua đài mua xe". Hoặc "Sướng anh mang sách/Khổ anh tắc rì". Đời sống nhân dân chẳng khấm khá gì "Đội 1 vác cột nhà xia/Ăn chia thiếu ló/Khổ như con chó/Đi ứng cả đời". Có những điều khó hiểu: "Bảy lạng chưa qua/Ba lạng sắp tới/ Xã viên phấn khởi/Lặn lội ngoài đồng/Được một trăm công/Bớt ba chục rưỡi". Hình như dân bắt đầu "ngộ" ra một điều gì đó: "Đâu dâu cũng nói/Hợp tác xã mình/Đã được nêu danh/Quê hương tiên tiến".

Cái kết vỡ ra thật cay đắng: "Nhưng còn một chuyện/Cán bộ đồng lòng/Rủ nhau thăm đồng/ Ba ngày một lợn". Những câu ấy, của bà thì ít mà của dân thì nhiều, cuối cùng bà "chịu cả". Hoặc như chuyện ông N, tính hiền lành, các cụ trong xóm đùa, ông chỉ cười, sau con cháu thấy hay hay dựng lên thành chuyện. Một hôm, bà N trách: "Ông mặc như phá, cái quần mới mặc hồi cải cách đến dừ, mà đã rách!" Ông N ấm ức: "Bà mi thật lạ, rứa mà tau đi họp, phải chui vô góc tối để ngồi". Để mần chi rứa, bà hỏi: "Để trật quần, ghé mông xuống đất, bảo vệ cái quần, mãi dừ hắn mới rách, rứa mà bà cứ trách?". Lần khác, ra thăm con ở Hà Nội, bắt xe không được, bỗng thấy đoàn tàu rầm rập lao qua, ông giơ nón vẫy: "Tàu ơ... cho đi với ...". Tàu vẫn không dừng, ông cáu tiếp: "Quân mất dạy, nó chẳng biết tôn trọng người già". Bỗng nhìn thấy những cặp bánh tàu to tướng, ông mừng rỡ. "Cha! Ra Hà Nội nói con hắm sắm cho cái bơm, ăn rồi đi bơm bánh tàu cũng đủ sống". Đến thủ đô, ông ngơ ngác trước những dãy nhà cao tầng. Một gã xe lai xuất hiện . "Ê ông già! Đây là nhà tôi, sao ông dám ngó". "Tôi mới ngó đến tầng thứ 5" "Vậy nôn ra năm nghìn!". Ông N lập cập moi túi lấy tiền, gã xe lai du thủ du thực chạy xa, ông N ngẩng mặt lên trời cười rũ rượi. "Thằng ngu! Tau đếm đến tám tầng rồi, mà lấy có năm nghìn, đúng là đồ dại". Ra Bắc, đến bữa con dâu bảo mẹ: "Con mời u lên xơi cơm" Ông ngạc nhiên: "Răng gọi là u?". "Dạ ngoài này, chúng con gọi mẹ là vậy" - "Trời ơi, trong choa họ gọi u là cảy (sưng)". Đến lúc về, giơ ảnh cháu ra khoe với bà, ông bỗng phát cáu: "Cha cái quân trọng của khinh người, dám úp cháu tau vô chậu để đilàm". Bà N lật đật tới xem, hoá ra ông cầm ảnh ngược...


Bây giờ, nhớ lại không khỏi kinh ngạc! Những tư duy kiểu bà Cát, ông N chứa chức năng dự báo. Ngay cái thời bom đạn, chính nhân dân chứ không ai khác đã thấy cái cơ chế hợp tác phải thay đổi rồi. Còn chuyện ông N, đó là một hình tượng mang tính phê phán nạn thất học và khoảng cách nhận thức đáng báo động giữa nông thôn và thành phố. Có lẽ vậy, nên khi được nghe Giáo sư Phan Ngọc nói về văn hóa làng, tôi thực sự bàng hoàng, bởi chúng ta đang sở hữu trong tay cả một "kho vàng" mà lắm lúc không hay biết?!


Trần Ngọc Khánh