Từ phim “Đàn trời” nghĩ về thiên chức người cầm bút

17/06/2012 09:45

(Baonghean) Báo chí gần đây đã chỉ ra, hiện nay trong số hơn 17 nghìn nhà báo có thẻ và hàng vạn người làm báo không có thẻ, đã và đang xuất hiện không ít những bộ phận “nhà báo rởm”, “nhà báo kền kền”, “nhà báo tầm gửi”… Những người này đã khai thác, lợi dụng triệt để uy tín của báo chí, sức mạnh của báo chí – cái mà người ta vẫn thường gọi là “cơ quan quyền lực thứ tư”, để làm cây gậy chỉ trỏ, chọc ngoáy, gây khó khăn, cản trở cho các tổ chức, tập thể, doanh nghiệp, cá nhân để kiếm lợi bất chính.

Bên cạnh đó, một vấn đề khác mà một số cơ quan báo chí đã và đang bàn luận, trao đổi khá sôi nổi là vấn đề “báo lá cải”, thái độ, cách nhìn nhận, quan niệm hiện nay về “báo lá cải”, cần nhìn nhận và đối xử, ứng xử như thế nào với “báo lá cải”. Nước ta hiện có hơn 700 cơ quan báo chí đang hoạt động, rõ ràng là chưa có cơ quan báo chí nào tự nhận mình là “báo lá cải” (và đương nhiên là Luật Báo chí của ta cũng không cho phép), nhưng tình trạng một số cơ quan báo chí đang bị “lá cải hóa” là sự thật có thể chứng minh được. Không ít các bài báo, trang báo, ấn phẩm báo chí đậm đặc những thông tin “lá cải” – những thông tin chủ yếu tạo sự chấn động, giật gân, câu khách bằng việc thỏa mãn những thị hiếu tầm thường, “rẻ tiền”, đưa ra các thông tin thiếu tính chất báo chí đúng nghĩa.


Đi xa hơn việc phản ánh, lên tiếng về thực trạng các nhà báo lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi, về tình trạng báo chí đang bị “lá cải hóa”, gần đây một số bộ phim đã đi sâu lý giải, đề cập đến mối quan hệ giữa quyền lực và báo chí; mâu thuẫn giữa thiên chức người cầm bút và những ràng buộc, níu kéo của đời sống…

Trong đó, bộ phim “Đàn trời” (36 tập) của đạo diễn Bùi Huy Thuần, do VFC sản xuất, nhà văn Phạm Ngọc Tiến chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Cao Duy Sơn, đang trình chiếu trên Đài Truyền hình Việt Nam đã và đang thu hút sự quan tâm của dư luận. “Đàn trời” có đề tài mở, đề cập đến khá nhiều mảng khối của xã hội đương thời như: Cuộc sống chốn quan trường, vấn đề sân sau, cuộc chiến chống tham nhũng, thực trạng việc giải quyết các chế độ chính sách của Nhà nước đối với nhân dân…



Một cảnh trong phim "Đàn trời".

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, người xem vẫn cảm nhận được tham vọng của người làm phim đối với việc đẩy căng mối quan hệ giữa nhà báo với quan chức, để thông qua đó đưa ra sự nhìn nhận, lý giải về mối quan hệ giữa lương tâm nghề nghiệp báo chí trước những hối thúc của quyền lực, cám dỗ của vật chất, danh vọng. Phép thử đặc biệt được đưa ra để “kiểm định” bản lĩnh, nhân cách nhà báo mà tác giả kịch bản và người làm phim đưa ra chính là thái độ tác nghiệp của nhà báo khi đối diện với sự thật bị che đậy, bưng bít bởi quyền lực và tiền bạc.

Vị chủ tịch tỉnh Bình Lãng Đinh Xuân Ấn đã thò bàn tay tham nhũng rút ruột không thương tiếc các dự án thuộc Chương trình 135 (dự án thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về việc hỗ trợ đồng bảo dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tiến kịp với miền xuôi), đồng thời xòe bàn tay quyền lực để bịt miệng Tuệ - giám đốc Đài Truyền hình Bình Lãng, là điểm nút để mở ra các cuộc chiến, các quá trình đấu tranh và diễn biến phức tạp của bộ phim: Cuộc chiến giữa vị chủ tịch tỉnh với giám đốc đài truyền hình tỉnh; cuộc chiến giữa giám đốc đài truyền hình với bộ phận phóng viên phát hiện và điều tra ra sự thật; cuộc nội chiến diễn biến ngay bên trong con người của Tuệ - giám đốc Đài Truyền hình Bĩnh Lãng…


Tuy những cuộc chiến nói trên chưa thể phản ánh đầy đủ những phức tạp của cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhưng phần nào đã phản ánh trung thực những khó khăn, giằng níu, áp lực của nhà báo trước sức hút kinh người của vòng xoáy cạm bẫy, cám dỗ, những thử thách vô cùng khắc nghiệt trong cuộc chiến giành giật và bảo vệ sự thật, bảo vệ chân lý, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân.

Giám đốc Đài Truyền hình Bình Lãng ban đầu là một trở ngại cho chính đồng nghiệp, thuộc cấp của mình. Sự đồng lõa, cấu kết của giám đốc Đài Truyền hình Bĩnh Lãng với những tha hóa, biến chất của chủ tịch tỉnh Bình Lãng trong thời kỳ đầu chính là những hiện thực nhức nhối, hiện thân rõ của việc lợi dụng quyền lực, liên kết quyền lực để cản trở hoạt động hợp pháp của báo chí, cũng là một dạng mafia để thao túng và tiêu diệt các sản phẩm, thành quả của hoạt động báo chí chân chính.

Tuy nhiên, trước những người đồng nghiệp trung thực, dũng cảm, cương quyết, trước sức mạnh của sự thật, và cả những phản ứng tự vệ, tự ái của bản thân, lương tâm nghề nghiệp của Tuệ đã được thức tỉnh và Tuệ kịp sửa sang, “chỉnh đốn” để đứng vào hàng ngũ, trở lại đúng vị trí của mình, để “đồng cam cộng khổ” cùng anh em, đồng nghiệp đi đến tận cùng sự thật. Tác giả kịch bản đã rất khéo léo khi gửi gắm thông điệp sâu kín trong cuộc chiến chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, báo chí còn phải tự chiến đấu với chính mình, chiến đấu với sự vị kỷ, tư lợi cá nhân của chính mình, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan báo chí. Và, không gì có thể che mắt thế gian được mãi, công luận và dư luận dù rất khắt khe nhưng cũng rất công tâm và bao dung. Những ai đã và đang xem phim, nhất là những người làm báo, chắc hẳn còn có thể cảm nhận được nhiều điều hơn thế nữa, nhưng cũng có thể có người lại buột miệng cho rằng đó chỉ là chuyện trên phim (!).


Nhưng chắc hẳn rằng bất kỳ ai trong chúng ta cũng ao ước và mong muốn những điều tốt đẹp như tác giả kịch bản và đạo diễn phim “Đàn trời” hướng đến, đó là đừng mất niềm tin vào nhà báo, cũng như đừng mất niềm tin vào cuộc chiến bảo vệ sự thật, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đó là những cuộc chiến không tiếng súng, tuy nhiên vẫn có thể vẫn xảy ra muôn vàn thử thách, cả những mất mát và hy sinh, bởi báo chí là một mặt trận, và công chúng, độc giả, đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân vẫn tin tưởng, mong muốn người làm báo là chiến sỹ không bao giờ gục ngã trên mặt trận ấy!


Ngô Kiên