Tân Kỳ nhân rộng mô hình trồng cỏ VA06
(Baonghean) - Tân Kỳ là huyện miền núi có tổng đàn gia súc lớn. Nhằm tạo nguồn thức ăn xanh phục vụ phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, những năm qua, các ban ngành chức năng từ huyện đến cơ sở đã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tận dụng diện tích đất còn hoang hóa để trồng cỏ, đặc biệt là nhân rộng mô hình trồng cỏ VA06...
(Baonghean) - Tân Kỳ là huyện miền núi có tổng đàn gia súc lớn. Nhằm tạo nguồn thức ăn xanh phục vụ phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, những năm qua, các ban ngành chức năng từ huyện đến cơ sở đã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tận dụng diện tích đất còn hoang hóa để trồng cỏ, đặc biệt là nhân rộng mô hình trồng cỏ VA06...
Gia đình bà Nguyễn Thị Vân ở xóm 1, Thanh Tân, xã Kỳ Tân phát triển chăn nuôi bò từ nhiều năm nay. Trung bình mỗi năm gia đình bà nuôi 3 - 4 con bò. Trước đây, với tập quán chăn nuôi thả rông và tận dụng nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp như lá mía, cây ngô... nên mùa rét thường thiếu thức ăn, hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi tham gia mô hình trồng cỏ VA06, được hỗ trợ về giống và khoa học kỹ thuật, bà Vân đã cải tạo 400m2 vườn nhà để trồng cỏ. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cỏ của gia đình bà luôn phát triển tốt, cung cấp thức ăn xanh thường xuyên nên đàn bò tăng trọng nhanh, sau 4 đến 5 tháng nuôi nhốt có thể xuất bán, đem về nguồn thu nhập khá.
Kỳ Tân là địa phương có truyền thống chăn nuôi theo hướng hàng hóa do hàng năm nhu cầu về thức ăn cho gia súc rất lớn. Hiện nay, toàn xã có hơn 1.700 con trâu bò. Với ưu điểm vượt trội của giống cỏ VA06, hầu hết các gia đình tham gia nuôi bò trên địa bàn xã đều đã và đang chuyển sang trồng giống cỏ này. Toàn xã có hơn 700 gia đình chăn nuôi bò nhốt. Bà con đã cải tạo và chuyển đổi 26 ha đất trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng cỏ VA06. Việc nhân rộng mô hình trồng cỏ VA06 đã tạo nguồn thức ăn quanh năm cho đàn vật nuôi trên địa bàn xã.
Với hơn 44 nghìn con gia súc, nhằm hạn chế dịch bệnh, bảo vệ môi trường và để nâng cao hiệu quả kinh tế, huyện đã có chủ trương phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung, chủ yếu là nuôi nhốt. Cùng với đó, để đảm bảo cung cấp đủ nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi, huyện đã chỉ đạo bà con nông dân mở rộng diện tích trồng cỏ, đặc biệt là trồng những giống cỏ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn. Qua thực tế, các mô hình trồng cỏ VA06 đã khẳng định được hiệu quả vượt trội. Đây là giống cỏ phù hợp với chất đất của địa phương, phát triển nhanh, năng suất cao và giàu chất dinh dưỡng. Đến nay, toàn huyện trồng được 1 nghìn ha cỏ, trong đó 70% là diện tích cỏ VA06. Năng suất bình quân đạt 250 tấn/ha/năm. Một số địa phương có diện tích trồng cỏ lớn là Nghĩa Đồng, Kỳ Tân, Hương Sơn, Đồng Văn…
Việc nhân rộng mô hình trồng cỏ VA06 đã và đang tăng cường nguồn thức ăn dồi dào, đảm bảo cung cấp thường xuyên cho đàn gia súc trên địa bàn huyện. Bởi vậy, huyện đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương vận động bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tận dụng các diện tích đất hoang hóa để trồng cỏ. Đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống.
Hồng Thịnh