Bài 2: Sản phẩm VietGAP bị đánh đồng chất lượng

18/04/2012 16:19

(Baonghean) - Nhiều năm nay, một số huyện đã triển khai chương trình sản xuất rau, thực phẩm theo hướng VietGap. Điều này mở ra một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sản phẩm sạch hiện đang bị đánh đồng với những sản phẩm khác.

Đến nay, sau 5-6 năm triển khai, Nghệ An đã tổ chức sản xuất theo hướng VietGap trên một số sản phẩm như rau, quả, chè... với sự tham gia của 11 đơn vị xã, HTX, công ty nhỏ. Tổng diện tích đất đủ điều kiện và đã được cấp phép sản xuất đến thời điểm này là trên 80 ha trong đó có 39 ha rau, còn lại là cam và chè.

Tuy nhiên, việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo hướng VietGap ở tỉnh ta dù chỉ mới manh nha đã gặp những khó khăn nhất định, chỉ mới dừng ở khâu chứng nhận vùng, còn khâu chứng nhận sản phẩm sạch chưa được một đơn vị nào đứng ra đảm nhận. Một số vùng sản xuất rau sạch đã đủ điều kiện như rau Hưng Đông, Nghi Liên (TP Vinh), rau Diễn Hồng, Diễn Thành (Diễn Châu)... đang trong tình trạng dở khóc dở cười khi sản phẩm sạch bị đánh đồng khi đưa ra bán ở các chợ truyền thống. Chúng tôi tìm đến xã Hưng Đông khi địa phương này đang chuyển 3,8ha trồng rau VietGap sang trồng lạc trong vụ Xuân này. Chị Nguyễn Thị Thuận, một hộ trồng rau cho biết: "Nhà tui có 1 sào sản xuất rau theo hướng VietGap nhưng cũng chỉ được từ tháng 9 tới tháng 2 hàng năm vì những tháng khác, sâu bệnh phát triển mạnh, nếu không dùng thuốc BVTV thì rau không thể phát triển tốt. Đem ra chợ bán, nói đây là rau sạch Hưng Đông cũng chẳng mấy ai tin nên bán ngang giá trong khi công đầu tư cao, lãi không được bao nhiêu. Trong số nhiều đơn vị sản xuất rau sạch trên địa bàn tỉnh ta hiện nay, chỉ có Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) giải quyết tốt đầu ra. Rau Quỳnh Lương đã có mặt tại các siêu thị ở Hà Nội, Đà Nẵng...

Ông Đào Trọng Dũng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Nghệ An, cho biết: Hiện các siêu thị nói chung rất "khát hàng" nông sản sạch. Nắm bắt được điều đó, nhiều đơn vị sản xuất theo hướng VietGap đã tìm đến xin chứng nhận sản phẩm nhưng đáng tiếc là điều này không nằm trong khả năng và chức năng của Chi cục. Một số đơn vị có nhu cầu đứng ra làm công tác chứng nhận sản phẩm nhưng do thiếu cơ sở vật chất và năng lực cộng với việc tỉnh chưa có chính sách khuyến khích nên đến nay vẫn chưa xuất hiện đơn vị nào đứng ra làm nhiệm vụ này.

Một cán bộ Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết thêm: theo quy định của Bộ NN, Sở NN&PTNT các tỉnh có thẩm quyền công nhận vùng đủ điều kiện sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap; cho phép cá nhân, đơn vị đủ điều kiện cơ sở vật chất, năng lực chứng nhận sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Tuy nhiên vì chưa có đơn vị nào đủ năng lực để đứng ra đảm nhận vai trò này, nên sản phẩm vẫn bị đánh đồng chất lượng so với các sản phẩm sản xuất thông thường mặc dù sản xuất theo hướng VietGap yêu cầu rất nghiêm ngặt, chi phí đầu tư lớn. Dự kiến, cuối năm 2012, Sở NN&PTNT Nghệ An sẽ chỉ định 1-2 đơn vị đủ điều kiện chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap.
(Còn nữa)


Võ Văn Dũng