Muốn an dân thì phải nhanh chóng khắc phục sự cố

19/04/2012 18:51

Như vậy ngoài những gì BQL thủy điện 3 đã làm, đã khắc phục được thì câu trả lời chính thống cho nguyên nhân chính...

Như vậy ngoài những gì BQL thủy điện 3 đã làm, đã khắc phục được thì câu trả lời chính thống cho nguyên nhân chính dẫn đến sự cố Thủy điện Sông Tranh 2 vẫn còn bỏ ngỏ và sự cố này vẫn còn phải chờ đơn vị chủ quản khắc phục. Nói như vậy để thấy rằng, hiện tại người dân, chính quyền địa phương vẫn còn lo lắng là có cơ sở.

Sáng 18-4, đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam gồm Tỉnh ủy, HĐND, UBND đã có chuyến thị sát tại đập chính thủy điện Sông Tranh 2 (TĐST2) và sau đó đã có buổi làm việc với Ban quản lý (BQL) thủy điện 3 – đơn vị chủ quản TĐST2 về sự cố TĐST2.

Khắc phục triệt để việc nước thấm qua các khe nhiệt

Tại cuộc họp trên, ông Lê Phước Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đặt lại câu hỏi, mức nước thấm qua đập có đúng với thiết kế được cho phép hay không? Khắc phục thời gian qua chỉ là thu gom dẫn nước về một mối là chính. Vậy trong thời gian tới Ban quản lý thủy điện 3 sẽ xử lý như thế nào?

Trả lời câu hỏi trên và báo cáo tình hình hiện nay về sự cố TĐST2, ông Trần Văn Hải - Giám đốc BQL dự án TĐST2, phát biểu tại cuộc họp rằng: Đến ngày 31-3-2012 lượng nước thấm ra bề mặt bê tông hạ lưu tại các khe nhiệt đã được thu về các hành lang thân đập trên 95%, đa số các vị trí thấm ra hạ lưu tại các khe nhiệt chỉ còn là ẩm bề mặt bê tông, một ít khe nhiệt còn chảy nhưng lưu lượng rất nhỏ. Do từ ngày 22-3-2012 đến ngày 31-3-2012 đã tiến hành thu gom nước thấm vào các hành lang trong thân đập bằng cách khoan 9 lỗ khoan tại các khe nhiệt trong hành lang.

Ông Trần Văn Hải cũng cho rằng: Hiện nay tổng lưu lượng thấm 75 lít/giây (trước đây ông Hải đưa ra là 30 lít/giây - PV). Đối với các khe nhiệt có lưu lượng thấm lớn, chủ đầu tư đã cho khoan và phụt chất keo chống thấm Poluyrethan vào phía thượng lưu khe và dán vật liệu chặn nước là tấm nhựa SR vào bề mặt thượng lưu khe. Đối với các khe có lưu lượng thấm nhỏ, chủ đầu tư cho khoan và phụt chất keo chống thấm Poluyrethan vào bề mặt thượng lưu khe. Ông Trần Văn Hải cũng cho biết, giải pháp trên đã được Bộ Công thương, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Cơ quan tư vấn thiết kế, Ban quản lý thủy điện 3, Tổng thầu thống nhất cao. Hiện nay đang làm công tác chuẩn bị để triển khai thực hiện đảm bảo mục tiêu hoàn thành trước mùa lũ năm nay.

Nhiều ý kiến tại đây cũng cho rằng, muốn an dân thì phải nhanh chóng khắc phục sự cố và đưa ra câu trả lời rõ ràng về nguyên nhân dẫn đến sự cố nói trên.


Sáng ngày 18-4, nước vẫn còn chảy nhiều phía dưới hạ lưu thân đập

Nước vẫn chảy nhiều dưới thân bờ đập

Sau khi thị sát trong đường hầm thân đập, ông Lê Phước Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: "Theo quan sát của chúng tôi, bên trong đường hầm hiện nay nước chảy đã được khắc phục tối đa. Lượng nước đã được thu gom nên mức độ đã được hạn chế, chưa có hiện tương nứt đập, nước thấm qua các khe giảm nhiệt mức độ thấm khoảng 30 đến 50 lít/giây”. Còn ông Đặng Phong – Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: "Chúng tôi đã đi kiểm tra bên trong 3 đường hầm và thấy rằng, 2 đường hầm đầu đã được khắc phục nước đã hạn chế chảy, nhưng đường hầm thứ 3 nước vẫn còn chảy rất nhiều”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Đại Đoàn Kết, trước sự cố của TĐST2 cần làm gì để an dân và sự cố có thật sự nguy hiểm hay không? Ông Nguyễn Văn Sĩ – Phó Bí thư tỉnh ủy cho rằng: Hiện tại theo kết luận của một số đoàn công tác đã đưa ra cũng như báo cáo của chủ đầu tư và quá trình chúng tôi đi kiểm tra thực tế thì xét thấy đập vẫn an toàn. Đây là đập bê tông đầm lăn (RCC), chiều rộng đỉnh đập 8m, cao trình đỉnh đập 180m, chiều cao lớn nhất của đập đến 96m, chiều dài đến 640m. Với mức độ kết cấu bê tông dày và lớn như vậy nên sự cố vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Hiện nay cho dù đã xử lý sự cố nhưng bên trong đường hầm nước vẫn còn thấm. Do đó chúng tôi sẽ yêu cầu chủ đầu tư đưa ra phương án tối ưu để xử lý dứt điểm sự cố này. Còn với người dân, chúng tôi tiếp tục thông báo những kết luận của các đoàn công tác, của các nhà khoa học để người dân an tâm sinh sống. Vì hiện tại đập vẫn an toàn.

Thực tế theo quan sát, cho dù mực nước đã hạ đến mực nước chết, trên cao thân đập nước đã không còn chảy tràn lan như trước, nhưng ngay sát cống xả vẫn còn đường ống thu gom nước về phía hạ lưu. Thế nhưng phía hạ lưu thân đập ở nhiều chỗ nước vẫn còn chảy. Có mặt tại chân đập, anh Hồ Văn Tân - người dân sinh sống ngay dưới chân đập vẫn lo lắng: "Hiện nay nước đã được hạ đến hết cỡ nhưng vẫn còn chảy ngay dưới chân đập, không biết, sau này nước dâng lên lại thì liệu có chảy ào ạt như trước đây hay không? Thật tâm mà nói chúng tôi vẫn còn rất lo lắng!”

Kết luận tại cuộc họp, ông Lê Phước Thanh khẳng định, sẽ tiếp tục kiến nghị Hội đồng nghiệm thu nhà nước và các nhà khoa học xem xét nghiêm túc nguyên nhân dẫn đến sự cố TĐST2, sẽ đôn đốc chủ đầu tư nhanh chóng khắc phục sự cố. Nếu chủ đầu tư không khắc phục sự cố trước mùa mưa bão sẽ có ý kiến với Chính phủ và Quốc hội. Và sẽ có phương án di dời dân nếu có sự cố xảy ra.

Như vậy ngoài những gì Ban quản lý thủy điện 3 đã làm, đã khắc phục được thì câu trả lời chính thống cho nguyên nhân chính dẫn đến sự cố TĐST2 vẫn còn bỏ ngỏ và sự cố này vẫn còn phải chờ đơn vị chủ quản khắc phục. Nói như vậy để thấy rằng, hiện tại người dân, chính quyền địa phương vẫn còn lo lắng là có cơ sở.


Theo Daidoanket