Nâng cao năng lực hoạt động của người đại biểu dân cử

12/05/2012 11:04

Quy trình chuẩn bị nhân sự để bầu cử đại biểu HĐND các cấp được quy định hết sức chặt chẽ, dân chủ nhằm lựa chọn đại biểu thực sự tiêu biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của công dân. Các ứng cử viên cũng lo lắng, trăn trở chuẩn bị nội dung chương trình hành động để trình bày với cử tri một cách thuyết phục nhằm tranh thủ sự đồng tình của cử tri và được cử tri dành cho phiếu bầu. Song, trúng đại biểu HĐND rồi, câu hỏi đặt ra cho mỗi đại biểu là làm gì và làm như thế nào để khỏi phụ lòng dân tin, dân cử ?

(Baonghean) - Quy trình chuẩn bị nhân sự để bầu cử đại biểu HĐND các cấp được quy định hết sức chặt chẽ, dân chủ nhằm lựa chọn đại biểu thực sự tiêu biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của công dân. Các ứng cử viên cũng lo lắng, trăn trở chuẩn bị nội dung chương trình hành động để trình bày với cử tri một cách thuyết phục nhằm tranh thủ sự đồng tình của cử tri và được cử tri dành cho phiếu bầu. Song, trúng đại biểu HĐND rồi, câu hỏi đặt ra cho mỗi đại biểu là làm gì và làm như thế nào để khỏi phụ lòng dân tin, dân cử ?


Nhiệm vụ của người đại biểu theo luật định đã rõ, nhưng từ thực tế yêu cầu mỗi đại biểu cần lưu ý những việc cụ thể để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của mình


- Trước hết là hoạt động tiếp xúc cử tri. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp, những vấn đề cử tri nêu ra, được đại biểu ghi chép một cách đầy đủ, tiếp thu một cách ''trung thành'' đó là yêu cầu không thể thiếu nhưng chưa đủ, đây mới chỉ là một chiều nhưng có những vấn đề đơn giản đáng ra đại biểu phải giải thích, trả lời với cử tri nhưng vì không nghiên cứu, nắm các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của HĐND các cấp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thông qua các văn bản quy định, nên một số đại biểu không thực hiện được. Vì vậy, hơn bao giờ hết yêu cầu cần phải có đối với người đại biểu là phải không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức hiểu biết về chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước để khi đại biểu đến với dân, dân đến với đại biểu những vấn đề mà người dân nêu lên, đại biểu có cơ sở lý giải cho dân, hướng dẫn, giải thích cho dân.


- Tham gia vào các nghị quyết của HĐND theo đúng thẩm quyền, nhất là việc thảo luận và quyết định các cơ chế chính sách của từng địa phương là vấn đề không đơn giản nếu không nghiên cứu kỹ các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và không gắn liền với thực tế cuộc sống. Việc giơ tay biểu quyết thì dễ, nhưng nếu không hiểu vấn đề để tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến thì quả là điều đáng phân tâm, phải tránh cho được tình trạng có đại biểu suốt nhiệm kỳ không tham gia một ý kiến nào.


Chương trình hành động của từng đại biểu đã xây dựng và đã hứa trước cử tri, vì vậy bất cứ lúc nào mỗi đại biểu phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong đời sống, sinh hoạt, lề lối làm việc, chế độ công tác, tác phong sâu sát cơ sở, cùng với cấp uỷ, chính quyền các cấp giải quyết tốt những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu trong từng địa phương, đơn vị.


Chu Văn Nhẫn