Kinh tế tập thể Nghệ An phát triển đa dạng

04/07/2012 14:00

Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ.T.ư về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, kinh tế tập thể trên địa bàn Nghệ An đã có bước phát triển mạnh mẽ, tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.

(Baonghean) Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ.T.ư về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, kinh tế tập thể trên địa bàn Nghệ An đã có bước phát triển mạnh mẽ, tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.

Tính đến đầu năm 2012, Nghệ An có 2.635 tổ hợp tác, tăng 933 tổ hợp tác so với năm 2002; 830 liên hiệp HTX, HTX, tăng 312 HTX so với năm 2002. Với hơn 65 vạn xã viên HTX, liên hiệp HTX, trong đó 2,8 vạn lao động thường xuyên trong các loại hình HTX. Các tổ hợp tác ở Nghệ An hoạt động đa dạng, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ nghề cá và thuỷ sản với nhiều ngành nghề chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, cung ứng vật tư nghề cá, sản xuất mây tre đan, dệt thổ cẩm, chế biến hải sản và các ngành nghề TTCN khác.



Tổ hợp tác liên kết đánh bắt xa bờ đem lại hiệu quả cao trong khai thác hải sản ở các địa phương ven biển. Ảnh: Xuân Nhường.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, một số hình thức hợp tác phát triển mạnh như: Các tổ đoàn kết, tổ liên kết giữa các tàu cá đánh bắt xa bờ ở các huyện ven biển (đến hết năm 2011, cả tỉnh Nghệ An có gần 30 tổ hợp tác do Hiệp hội nghề cá và Hội nông dân các cấp đỡ đầu). Các tổ hợp tác tiểu thủ công nghiệp – làng nghề hợp tác trong đào tạo nghề cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ xuất khẩu sản phẩm (thường xuyên có khoảng gần 100 tổ hợp tác thu mua và sơ chế lạc xuất khẩu, khoảng 150 tổ hợp tác phục sản xuất hàng mây tre đan và dệt thổ cẩm).

Hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp toàn tỉnh hiện nay tương đối ổn định. Một số HTX nông nghiệp mở rộng thêm các dịch vụ vệ sinh môi trường, quản lý chợ, sản xuất rau sạch, cung ứng thức ăn nuôi tôm, dịch vụ sản xuất giống lúa mới. Các HTX nông nghiệp vùng màu, ven biển phát triển thêm các ngành nghề như mây tre đan, cung ứng nguyên liệu cho làng nghề.

Thống kê đến cuối năm 2011 của 440 HTX nông nghiệp có cơ cấu hoạt động dịch vụ gồm: 419 HTX có dịch vụ thuỷ nông (chiếm 95%); 417 HTX có các dịch vụ cung ứng vật tư, giống cây trồng (chiếm 94%); 145 HTX có dịch vụ bảo vệ thực vật (chiếm 33%); 269 HTX có dịch vụ điện (chiếm 61%); 69 HTX có dịch vụ thú y (chiếm 16%); 58 HTX có dịch vụ tín dụng nội bộ (chiếm 13%); 57 HTX dịch vụ sản xuất tổng hợp (chiếm 13%). Như vậy, các HTX dịch vụ tổng hợp 5 khâu trở lên chiếm khoảng 40%, số HTX tồn tại đủ 9 khâu dịch vụ như điều lệ và đăng ký kinh doanh rất ít.

Các HTX phi nông nghiệp gồm: Các Quỹ TDND cơ sở, HTX điện năng, HTX công nghiệp – thủ công nghiệp, HTX nghề cá, HTX thương mại dịch vụ, xây dựng cơ bản và đóng thuyền. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX phi nông nghiệp khá năng động với nhiều hình thức sản xuất kinh doanh dịch vụ đa dạng, sản phẩm sản xuất chủ lực của các HTX gồm: Bột đá siêu mịn, chế biến nước mắm, vật liệu xây dựng, mây tre đan, dệt thổ cẩm… Quá trình chuyển đổi ngành nghề, cạnh tranh hội nhập, các HTX phi nông nghiệp đều ổn định, đứng vững, có nhiều HTX phát triển tốt.

Tuy nhiên số ít các HTX vẫn còn khó khăn do thiếu vốn hoặc do thay đổi cơ chế, nhất là các HTX điện năng, khi nhà nước tăng giá điện, áp dụng giá điện bậc thang, chuyển giao mạng lưới điện hạ áp, dẫn đến HTX phải thu hẹp dịch vụ hoặc giải thể. Hoặc một số HTX thủ công nghiệp trước đây của Thành phố Vinh không chuyển đổi được ngành nghề, xã viên không có việc làm, hoạt động HTX chủ yếu là cho thuê địa điểm.

Điển hình về hoạt động hiệu quả có các HTX phi nông nghiệp, HTX tiêu biểu ở Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò, huyện Tân Kỳ, huyện Con Cuông. Các HTX này ngoài việc đổi mới tăng trưởng các ngành nghề truyền thống còn đầu tư các dự án sản xuất có quy mô đầu tư lớn như: HTX làng nghề ngói Cừa (Tân Kỳ) xây dựng dự án sản xuất gạch tuynenl công suất 30 triệu viên/năm; HTX Quyết Thành (TP. Vinh) đầu tư trên 35 tỷ đồng mở rộng dây chuyền nghiền bột đá trắng và xây dựng Trung tâm Thương mại khách sạn 7 tầng; HTX sản xuất dịch vụ Sông Lam (Thị xã Cửa Lò) đầu tư cơ sở sửa chữa tàu thuyền, xưởng sửa chữa ô tô, trung tâm đào tạo nghề và nhà hàng dịch vụ Lam Giang… với tổng vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng; HTX may thêu Thống Nhất (Thành phố Vinh) liên doanh với Công ty TNHH Cá Vàng xây dựng tổ hợp thương mại dịch vụ với tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng; HTX dệt may thổ cẩm Hải Vân (huyện Con Cuông) mở rộng địa bàn sản xuất và thu mua sản phẩm dệt thổ cẩm tại các huyện Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Quế Phong, Thanh Chương với giá trị sản phẩm hàng hoá hàng tỷ đồng.

Bên cạnh đó, mô hình làng có nghề, làng nghề trong tỉnh hoạt động theo phương thức tổ hợp tác, HTX phát triển mạnh kể từ khi có Nghị quyết TƯ 5 (Khoá IX) và Nghị quyết số 06 của Tỉnh uỷ (Khoá XV). Hoạt động của các làng có nghề, làng nghề chủ yếu tập trung vào sản xuất các sản phẩm công nghiệp, chế biến nông sản, lương thực thực phẩm và hải sản, trồng và chăm sóc cây cảnh.

Tính đến năm 2011, cả tỉnh đã xây dựng và công nhận 285 làng có nghề (cấp huyện), 111 làng nghề cấp tỉnh. Mô hình làng có nghề, làng nghề ở các địa phương trong tỉnh phát triển với quy mô ngày càng lớn. Các làng có nghề sản xuất theo quy mô nhóm hộ, làng nghề sản xuất theo quy mô thôn, bản, xã và có nhiều nơi đã vào sản xuất tập trung tại khu công nghiệp nhỏ, khu chế biến hải sản tập trung, cụm làng nghề nông thôn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của sản phẩm làng nghề đạt khoảng 10 triệu USD. Mạng lưới tổ chức đào tạo nghề cho nông dân phục vụ cho sản xuất làng nghề được tổ chức ở hầu hết các huyện trong tỉnh và mở rộng sang cả địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ của các liên hiệp HTX, HTX, các làng nghề, kinh tế tập thể Nghệ An đã có những đóng góp quan trọng cho kinh tế – xã hội của tỉnh. Tỷ trọng giá trị kinh tế của kinh tế tập thể trong giá trị tổng sản phẩm của tỉnh hàng năm đạt mức bình quân từ 5 – 7%. Nếu tính riêng giá trị sản xuất từ sản phẩm thủ công nghiệp của HTX, làng nghề thì tỷ trọng có huyện đạt mức bình quân 35 – 40%, một số huyện đạt 45 – 55%. Các xã có các làng nghề TTCN quy mô lớn đạt tới 60 – 80% (Nghi Thái, Nghi Phong - Nghi Lộc), Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu), Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ). Tổng giá trị sản xuất lĩnh vực TTCN - làng nghề và kinh tế tập thể có tốc độ trăng trưởng khá, nếu như năm 2001, chỉ mới đạt 651,6 tỷ đồng, đến năm 2006 đạt 2.130 tỷ đồng, năm 2011 đạt gần 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, khu vực kinh tế tập thể còn có những đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX có vai trò quan trọng trong công tác an sinh xã hội, tăng cường lực lượng sản xuất, xây dựng quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, tổ hợp tác hoặc HTX sản xuất kinh doanh có hiệu quả là một trong 19 tiêu chí xây dựng mục tiêu nông thôn mới.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 5, các loại hình HTX đã có nhiều chuyển biến về củng cố tổ chức, nâng cao năng lực quản lý, đáp ứng quyền lợi và thu nhập cho xã viên. Sau khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX, tài chính của các HTX lành mạnh và có tăng trưởng khá. Năm 2011, tổng giá trị tài sản của các HTX đạt 936 tỷ đồng (tăng 148% so với năm 2002), tổng số vốn chủ sở hữu 719 tỷ đồng, tổng số vốn huy động 116 tỷ đồng; tổng doanh thu 975 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế 195 tỷ đồng; thu nhập bình quân trong HTX nông nghiệp đạt 1,7 triệu đồng/tháng/người, HTX phi nông nghiệp 2 triệu đồng/tháng/người, các quỹ TDND cơ sở trên 3 triệu đồng/tháng/người. Qua khảo sát tại 49 HTX của Thành phố Vinh (tổng kết điểm NQTƯ 5) năm 2011 cho thấy, nguồn vốn bình quân 1 HTX là 2,9 tỷ đồng, vốn góp bình quân 1 xã viên 1,2 triệu đồng, doanh thu bình quân 4,3 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận sau thuế bình quân 79 triệu đồng/HTX, nộp ngân sách 99 triệu đồng/HTX…

Những kết quả đạt được của khu vực kinh tế tập thể Nghệ An trong nhiều năm qua là cả quá trình kiên trì nỗ lực vươn lên của hàng chục vạn lao động nông thôn có xuất phát điểm thấp về mọi mặt. Với họ- những thành quả ấy rất đáng trân trọng. Thời gian tới cần tập trung triển khai luật HTX mới, củng cố lại hoạt động của các HTX, làng nghề, tạo điều kiện thuận lợi để khu vực kinh tế tập thể phát triển sâu rộng và bền vững hơn, nhằm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết TƯ 5 (khoá IX) về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” đạt hiệu quả tối đa nhất trên địa bàn tỉnh.


Quỳnh Lan