Nâng cấp đền thờ Đức Khánh: Thành công từ việc xã hội hóa

02/05/2012 19:30

(Baonghean) - Đầu năm 2010, chúng tôi có bài viết "Sự tích ngôi đền bên dòng Nậm Mộ" giới thiệu về lịch sử đền Đức Khánh (thường gọi là đền Cây Đa) tại bản Cánh, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn). Đây là điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân bản Cánh và xã Tà Cạ nói riêng, toàn huyện Kỳ Sơn nói chung. Nhưng vào thời điểm đó, quy mô của ngôi đền còn quá khiêm tốn và bị khuất lấp bởi những tán và gốc đa cổ thụ, chưa xứng tầm với công đức của vị thần được nhân dân thờ phụng.

Và niềm mơ ước của người dân nơi đầu nguồn Nậm Mộ là ngôi đền sẽ được trùng tu, nâng cấp trong một ngày không xa. Giờ đây, ngôi đền được dựng bằng gỗ với diện tích 65 m2 sắp sửa hoàn thành, niềm mong ước lâu nay đã thành hiện thực.




Đền Đức Khánh đang được đầu tư nâng cấp.

Lịch sử ngôi đền gắn liền với câu chuyện khai sơn, phá thạch của Đức Khánh. Theo lời kể của người già ở bản Cánh, vào khoảng giữa thế kỷ XVII, nơi đây còn hoang vu, con người còn cư trú thành các bộ tộc. Một buổi chiều có cặp vợ chồng đã luống tuổi cùng một đứa trẻ dừng chân dưới gốc cây đa ven đường. Rồi họ giúp đồng bào tiêu trừ thú dữ, tổ chức các cuộc săn bắt thú rừng về thuần dưỡng, huy động nhân lực san lấp đồi núi, ngăn các con suối để khai hoang ruộng nước. Cuộc sống ngày một no ấm và bình yên. Người đàn ông ấy có tên gọi là Đức Khánh và được tôn xưng là "Vua của bản làng". Ông vốn là một vị tướng dưới trướng của một tù trưởng vùng biên. Khi giặc phương Bắc tràn lên vùng biên giới, Đức Khánh tìm cách cùng vợ mang con trai của vị tù trưởng chạy trốn khỏi sự truy sát của kẻ thù. Đến vùng bản Cánh, nhận thấy nơi đây có thể trú chân lâu dài nên ông quyết định dừng chân để chiêu dân lập bản, tạo dựng cuộc sống mới. Đức Khánh thường xuyên tổ chức tập luyện và mở các hội thi đấu võ và săn bắt thú rừng để rèn luyện dân binh. Người dân khắp nơi nghe tiếng đều tìm đến đây xin sinh sống và lập nghiệp. Bản Cánh nằm bên đôi bờ dòng sông Nậm Mộ, Đức Khánh chủ trương giúp dân đóng thuyền, mở chợ để phát triển giao thương. Chẳng bao lâu, nơi đây nhộn nhịp cảnh trên bến dưới thuyền.


Đức Khánh qua đời ở tuổi 95. Để ghi nhớ công đức và lưu truyền cho muôn đời con cháu, nhân dân góp tiền của và công sức xây dựng đền thờ. Ngôi đền được dựng dưới tán những cây đa nơi ngày xưa ông dừng chân và soi bóng xuống dòng Nậm Mộ. Đến khoảng đầu thế kỷ XIX, một trận lũ quét cực lớn đã tàn phá vùng Tà Cạ, biến nơi đây vốn bằng phẳng trở thành những vách núi cheo leo, những bãi đá ngổn ngang. Bến sông và chợ được dời về vùng bản Phảy (Thị trấn Mường Xén ngày nay). Một thời gian sau, người dân lại trở về khai phá Tà Cạ, dựng lại bản làng và không quên phục dựng đền thờ Đức Khánh.


Đầu năm 2011, chính quyền và nhân dân xã Tà Cạ tổ chức Lễ hội đền Đức Khánh thu hút toàn thể nhân dân trong vùng và du khách gần xa về tham dự. UBND xã lập dự án nâng cấp ngôi đền bằng nguồn kinh phí xã hội hóa để xứng tầm với giá trị lịch sử- văn hóa. Dự toán kinh phí nâng cấp đền Đức Khánh khoảng gần 400 triệu đồng, trong đó huy động từ các doanh nghiệp được 230 triệu đồng, số tiền còn lại do nhân dân đóng góp. Đến nay, các hạng mục quan trọng của công trình sắp sửa hoàn tất và dự kiến sẽ tổ chức khánh thành vào dịp lễ hội cuối tháng 4 âm lịch.


Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Sỹ Cần, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tà Cạ cho biết: "Sắp tới, chúng tôi tiếp tục xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái. Cụ thể là trồng thêm nhiều cây cổ thụ trong khuôn viên để đền thêm phần linh thiêng, cổ kính và khôi phục lại bến thuyền để vừa tái lập được cảnh quan xưa, vừa phục vụ nhu cầu khám phá vẻ đẹp của lòng hồ Thủy điện Nậm Mộ. Như thế vừa có ý nghĩa giáo dục truyền thống, vừa khai thác được tiềm năng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội".


Công Kiên