Nhiều đơn vị, địa phương cơ bản đã hoàn thành

09/05/2012 17:43

(Baonghean) Nghị định 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo được dư luận đánh giá là chủ trương đầy nhân văn, góp phần động viên các thầy, cô giáo yêu và gắn bó hơn với nghề.

Việc thực hiện NĐ 54 ở Nghệ An đã diễn ra suôn sẻ, thuận lợi nhờ được triển khai sớm và có sự vào cuộc đồng bộ, sự chỉ đạo linh hoạt của các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Tuy nhiên vẫn còn những vướng mắc cần được các cấp, ngành quan tâm để niềm vui đến với các thầy, các cô kịp thời và trọn vẹn hơn.

T heo Nghị định, đối tượng được hưởng chế độ thâm niên là nhà giáo trong biên chế, đang giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động, được xếp vào các ngạch viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo, hoặc đang làm nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập có thời gian giảng dạy từ 5 năm (60 tháng) trở lên. Mức phụ cấp thâm niên được hưởng bằng 5% mức lương hiện hành cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%.


Sau khi Nghị định ra đời, Sở GD&ĐT Nghệ An không đợi Hướng dẫn liên ngành của bộ, của tỉnh mới triển khai thực hiện chế độ thâm niên nhà giáo mà đã khởi động mọi việc từ trước đó, nhất là phổ biến Nghị định 54 để giáo viên chuẩn bị hồ sơ và bổ sung những giấy tờ liên quan còn thiếu.


Để được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên, mỗi giáo viên đủ điều kiện phải hoàn thiện hồ sơ, trong đó gồm: Bản kê khai thời gian làm việc; quyết định tuyển dụng, quyết định công nhận hết hạn tập sự, quyết định thuyên chuyển (nếu trong quá trình công tác có thuyên chuyển), quyết định nâng bậc lương gần nhất, quyết định bổ nhiệm chức vụ (nếu có), sổ bảo hiểm xã hội.


Thầy giáo Trần Văn Nghệ - Hiệu trưởng Trường THPT Cờ Đỏ huyện Nghĩa Đàn cho biết: "Theo chỉ đạo của sở, chúng tôi nhanh chóng phổ biến và triển khai thực hiện tính chế độ phụ cấp thâm niên cho giáo viên. Một số trường hợp hồ sơ bị thiếu, do không có quyết định tuyển dụng, quyết định công nhận hết hạn tập sự song những người này có đủ thời gian để bổ sung hồ sơ cho mình. Việc thực hiện tính chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo ở Trường Cờ đỏ cơ bản đã hoàn thành. Có 40/65 giáo viên được hưởng thâm niên, giáo viên được phụ cấp thâm niên cao nhất là 10 triệu đồng".


Cho đến nay, việc tổ chức thực hiện chi trả chế độ thâm niên nhà giáo ở Nghệ An đã và đang diễn ra suôn sẻ, thuận lợi nhờ có sự vào cuộc đồng bộ, sự chỉ đạo linh hoạt của các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Theo số liệu sơ bộ, huyện Anh Sơn có 1.400 giáo viên trong tổng số 1.600 giáo viên được hưởng chế độ thâm niên nhà giáo; Thanh Chương là 2.800/3.100, Đô Lương là 2.300/2.330, Thị xã Thái Hoà là 510/600, các đơn vị trực thuộc sở là 5.000/5.500 (số còn lại do mới vào biên chế, chưa đủ năm).


Để thực hiện một chế độ, chính sách mới của Nhà nước, thông thường lo lắng đầu tiên là nguồn chi. Thế nhưng, với chế độ thâm niên nhà giáo thì tỉnh Nghệ An lại có nhiều thuận lợi. Ông Nguyễn Nhượng- Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Sau khi có sự thống nhất của các ngành cấp tỉnh liên quan, được UBND tỉnh cho phép, tiền chi trả chế độ thâm niên nhà giáo đã được Sở Tài chính đưa vào kế hoạch phân khai ngân sách năm 2012 với mức 70% dự toán ước tính khoản chi này; số tiền này đã chuyển về kho bạc các huyện từ đầu năm 2012.


Sở cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, đơn vị nào hoàn chỉnh hồ sơ sở thẩm định xong, có thể cho giáo viên tạm ứng. Ngay trước Tết Nhâm Thìn, giáo viên ở một số trường THPT trong tỉnh đã được nhận tiền phụ cấp thâm niên theo phương thức tạm ứng. Ông Nguyễn Thanh Long- Hiệu trưởng Trường THPT Đô Lương 2 cho biết, ngay khi có Nghị định số 54/2011/NĐ-CP, lãnh đạo trường quyết định cho giáo viên chuẩn bị hồ sơ, làm thủ tục và chuyển lên Sở GD&ĐT thẩm định. Tuy chưa được rút tiền trả chế độ thâm niên từ kho bạc về, nhưng biết tiền này đã có, nên ngay từ trước Tết Nhâm Thìn, trường đã vận dụng cho 55 giáo viên thuộc diện được hưởng phụ cấp tạm ứng tiền thâm niên 8 tháng của năm 2011, các tháng của năm 2012 thực hiện phát theo lương.


Tuy nhiên, trên thực tế khi triển khai vẫn còn những vướng mắc nhất định. Ông Nguyễn Hoài Nam, trưởng phòng giáo dục huyện Thanh Chương và ông Nguyễn Tất Tây- Trưởng phòng Giáo dục huyện Đô Lương đều cho biết: Mỗi huyện có gần 10 người chưa duyệt được mà phải bổ sung hồ sơ. Đây thường là những người thuyên chuyển từ nơi khác đến hoặc chuyển ngành, anh chị em không lưu giữ được quyết định công nhận hết hạn tập sự. Đối tượng nữa cũng đang phải chờ, đó là cán bộ quản lý các nhà trường (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng) có một số năm không tham gia giảng dạy hoặc tham gia giảng dạy không đủ số tiết quy định thì thời gian này có được hưởng thâm niên? Vấn đề này phòng Tổ chức - Cán bộ Sở GD&ĐT Nghệ An đã có công văn hỏi Bộ GD&ĐT và đang chờ hồi âm của Bộ.


Đặc biệt, các Phòng GD&ĐT hiện có 2 bộ phận cán bộ, bộ phận cán bộ hưởng lương hành chính đương nhiên không được hưởng thâm niên, nhưng bộ phận cán bộ hưởng lương sự nghiệp (đang mang mã ngạch giáo viên), theo quy định thì họ cũng không được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo, trong khi đó, vì đang hưởng lương sự nghiệp nên họ lại không được hưởng phụ cấp công vụ. Mà số này trước khi về phòng đều là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường hoặc giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện. Trước những vướng mắc này, UBND tỉnh Nghệ An cần có chủ trương chỉ đạo Sở Nội vụ giải quyết.


Hiện nay các nhà giáo nghỉ hưu trước ngày 31/3/1993 đã được tính phụ cấp thâm niên trong lương hưu theo quy định tại Quyết định số 309-CT ngày 9/12/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Nghị định số 27/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ. Theo Nghị định số 54/2011/NĐ-CP, những nhà giáo nghỉ hưu sau ngày 30/4/2011 được tính phụ cấp thâm niên. Như vậy hiện nay còn một số lượng không nhỏ nhà giáo về hưu trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/1993 đến ngày 30/4/2011 không được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.


Tuy vẫn còn những vướng mắc nhưng nhìn chung, việc triển khai NĐ 54/2011/NĐ-CP đã được các địa phương, đơn vị thực hiện khá tốt. Mọi việc thuộc trách nhiệm cấp huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo để thực hiện chế độ phụ cấp nhà giáo đã cơ bản hoàn thành; tiền trả phụ cấp thâm niên tuy chưa đủ nhưng đã đáp ứng khoảng 70%. Hướng dẫn liên ngành số 253/HDLN quy định Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, các sở hoặc UBND cấp huyện phải hoàn thành việc thẩm định đối tượng và chế độ hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo của các đơn vị do mình trực tiếp quản lý trước ngày 20/4/2012 cũng đã được thực hiện. Nói cách khác, các cơ sở giáo dục và các nhà giáo đã sΩn sàng để chính thức được nhận chế độ phụ cấp thâm niên theo quy định của Chính phủ.


Thảo Nhi