Đổi tên để... tiến lên?
Các giáo sư quốc tế đến thỉnh giảng tại ĐHQG không sao hiểu nổi. Họ bảo - VN rất dễ thương nhưng nhiều cái lạ quá, chẳng giống ai. Tại sao cứ phải thay "giấy khai sinh"?
Thay đổi, hay đổi mới đều để phát triển. Nhưng thay đổi tên gọi một địa phương, một con phố, một cơ quan, một trường học có nhiều chục năm, thậm chí nhiều trăm năm tuổi liệu có phải là động lực để phát triển, hay chỉ là ý thích hồn nhiên của một số người?
Gần đây nhất là đề xuất đổi tên ĐH Quốc gia tại phiên họp Thường vụ Quốc hội là một ví dụ. Rất may, ngay lập tức, Phó CT QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói "không". Dư luận rất hoan nghênh.
Tại sao chúng ta cứ thường xuyên phải chứng kiến nhiều vụ thay... "giấy khai sinh" như thế? Chuyện tách- nhập, nhập- tách kéo theo hàng loạt sự thay đổi, từ con dấu, biển hiệu, đến nhân sự... Biết bao nhiêu khê, bao tốn kém... Chẳng nhẽ cứ phải thế mới phát triển được? Thế mới hội nhập sâu?
ĐHQGHN được thành lập cách đây gần 20 năm (tháng 12 năm 1993) sau một quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sát nhập ba trường ĐH có thâm niên - ĐH Tổng hợp HN, ĐH Sư phạm Ngoại Ngữ HN và ĐH Sư phạm HN I, để thực hiện mong muốn "sánh vai cùng khu vực và quốc tế".
Sau gần 20 năm chẵn, ĐHQGHN đã có thể sánh vai đến nấc nào với năm châu, hẳn những ai quan tâm đều rõ. Ngay cả so sánh với nhiều trường ĐH khác trong nước không có chữ "quốc gia", liệu hai ĐHQG ở hai thành phố lớn nhất nước đã thuyết phục được họ chưa? Đã là "đầu tàu phát triển của hệ thống giáo dục Việt
Trụ sở điều hành Đại học Quốc gia Hà Nội
Chẳng giống ai
ĐH Tổng hợp HN, ĐH Sư phạm Ngoại Ngữ HN và ĐH Sư phạm HN I, mất tên khi vào ĐHQG (chỉ mất tên, mọi thứ khác nguyên xi). Vì không muốn tên mới, không muốn truyền thống bị đứt quãng, và nhất là không thể để mất thương hiệu, "nên sau một thời gian ngắn, một trường thành viên của ĐHQG là ĐH Sư phạm HN I đã "xin chào các bác, em ngược".
ĐH Sư Phạm Ngoại ngữ cũng đã tấp tểnh đòi "xin chào", nhưng đến nay vẫn...nguyên xi là trường thành viên. Và luôn mong mỏi được "trả lại tên cho em".
Thiên hạ lâu nay đã rất quen với các tên: ĐH A, ĐH B, ĐH C... Bỗng đồng loạt có chữ "học viện" thay chữ "đại học", để thành Học viện A, Học viện B, Học viện C...
Hỏi một số vị lãnh đạo, tại sao phải đổi tên thì được trả lời: Để tương xứng với tầm, để hội nhập....., và chữ "học viện" nghe sang trọng hơn, oai hơn "đại học". Chao ôi là cái mác!
Tại các quốc gia phát triển, mà VN đang muốn học tập họ, thì trong một trường ĐH (university) gồm nhiều khoa (department), nhiều viện (institute). Như vậy, việc đổi tên của một số trường trên vô hình trung lại tự hạ mình xuống ít nhất một bậc (xét trên hình thức ngôn ngữ).
Xin nói thêm, chữ "academic" mà các trường trên dùng để đối ngoại, đảm bảo các bạn Âu - Mỹ không hiểu.
Tương tự, ở một góc khác, ĐHQG, tên giao dịch "National University", các trường thành viên cũng dùng chữ "University". Các giáo sư quốc tế đến thỉnh giảng tại ĐHQG không sao hiểu nổi. Họ bảo - VN rất dễ thương nhưng nhiều cái lạ quá, chẳng giống ai.
Hay đó mới được gọi là bản sắc?
Bình mới, rượu có ngon?
Các cụ ngày xưa chữ ít nhưng rất biết, làm cái gì phải cố làm cho thật tốt để giữ nghề, giữ chữ tín... Các cụ rất ghét thói "treo đầu dê bán thịt chó" hoặc "bình mới rượu cũ", tệ hơn nữa là rượu "đểu", hoặc thùng rỗng kêu to...
Trường ĐH Sorbonne, ĐH Sư Phạm Paris (nơi Ngô Bảo Châu học), ĐH Harvard, ĐH Cambridge, ĐH Oxford, ĐH Tokyo, ĐH Osaka...cũng như các hãng Peugeot, Mercedes, Ford, Sony, Huyndai..., từ khi xuất hiện đến nay chưa một lần đổi tên. Không bao giờ đổi tên.
Ngược lại, họ miệt mài xây dựng thương hiệu, tự hào, kiêu hãnh và giữ gìn cái tên mà các bậc tiền nhiệm đã chọn (chủ yếu lấy tên địa danh, một số ít lấy tên người sáng lập, hoặc người tài trợ).
Tên của một địa phương, một công ty, một trường học như tên người, tên đất nước, như mọi tên khác để gọi, để phân biệt, vì thế không thể tùy hứng là thay. Quá nhiều hệ lụy cho việc này. Nhiều khi...cười ra nước mắt.
Nếu các ngôi trường ĐH biết nói, nó sẽ nói sao?
Xin các thầy tập trung làm những việc thật sự có ích. Nếu tên em là Tí, ĐH... Nông Thị Tí, các bác cứ gọi em là Tí, dù em có đẹp như... hoa hậu.
Theo Baomoi.com