Đề nghị giữ bộ phận pháp y thuộc công an tỉnh

29/05/2012 16:20

Tập trung hoạt động giám định pháp y ở cấp tỉnh vào một đầu mối

Sáng 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Giám định tư pháp. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành sự cần thiết ban hành cũng như nhiều nội dung của dự thảo Luật; đồng thời, góp ý cụ thể nhiều nội dung trong dự thảo Luật.


Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Luật Giám định tư pháp quy định về giám định viên tư pháp; tổ chức giám định tư pháp; người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; hoạt động giám định tư pháp; chi phí giám định tư pháp, chế độ, chính sách trong hoạt động giám định tư pháp và trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với tổ chức, hoạt động giám định tư pháp.

Tập trung hoạt động giám định pháp y ở cấp tỉnh vào một đầu mối

Vấn đề được thảo luận sôi nổi và có nhiều ý kiến trái chiều chính là tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y, đặc biệt là tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giám định tư pháp của Ủy ban thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày cho thấy, hiện vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh.

Có ý kiến nhất trí với Tờ trình và dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội, theo đó, tổ chức giám định pháp y gồm: Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ tế; Trung tâm giám định pháp y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thuộc ngành Y tế); Viện pháp y quân đội Bộ Quốc phòng; Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự, Bộ Công an. Như vậy, riêng ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) sẽ không còn Giám định viên pháp y tại Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh, mà tập trung hoạt động giám định pháp y vào tổ chức giám định pháp y thuộc ngành Y tế để bảo đảm tính khách quan, chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đề nghị cho giữ quy định về giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh như quy định hiện hành, vì qua thực tiễn nhiều năm, đội ngũ Giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh chủ yếu thực hiện giám định tử thi và đang phục vụ kịp thời việc xử lý các vụ án xâm phạm tính mạng con người (gây chết người).

Thảo luận ở Hội trường, nhiều đại biểu đưa ra nhận định, tổ chức và hoạt động giám định pháp y nhiều năm qua vừa thiếu thống nhất, manh mún, không thuận lợi cho việc đầu tư phát triển lĩnh vực này theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; đồng thời, không phù hợp với xu hướng cải cách tư pháp, cải cách hành chính hiện nay. Vì vậy, theo ý kiến của nhiều đại biểu, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng thì đòi hỏi phải có sự đổi mới mô hình tổ chức giám định pháp y ở cấp tỉnh. Theo đó, cần tập trung hoạt động giám định pháp y ở cấp tỉnh vào một đầu mối, tạo điều kiện để Chính phủ đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực, xây dựng hệ thống tổ chức giám định pháp y chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp hóa cao. Đây cũng là nội dung đổi mới căn bản nhất trong dự án Luật Giám định tư pháp mà Chính phủ trình Quốc hội. Tuy nhiên, nên giữ giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh, vì giám định pháp y không đơn thuần là nghiệp vụ y tế, mà còn góp phần vào bảo đảm an ninh, trật tự.

Đại biểu Nguyễn Đức Trung ( đoàn Hà Nội); Phạm Văn Gòn ( đoàn Hồ Chí Minh); Nguyễn Minh Kha ( đoàn Cần Thơ) và nhiều đại biểu khác cho rằng, nhiều năm qua, đội ngũ giám định viên pháp y thuộc công an cấp tỉnh đã đóng góp quan trọng trong điều tra xử lý các vụ việc, đảm bảo độ chính xác, khách quan và nhanh chóng. Cùng với đó, hiện lực lượng giám định viên thuộc Phòng kỹ thuật hình sự, Công an cấp tỉnh đang hoàn thành tốt nhiệm vụ nên cần giữ giám định pháp y thuộc công an.

Đại biểu Thích Thanh Quyết (đoàn Quảng Ninh) nhấn mạnh, công an đóng vai trò chủ đạo trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nếu bỏ giám định pháp y thuộc công an cấp tỉnh sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều tra, phá án.

Ngược lại ý kiến với các đại biểu trên, đại biểu Trương Thị Yến Linh ( đoàn Cà Mau); Lê Minh Hiền ( đoàn Khánh Hòa) cho rằng, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) sẽ không còn Giám định viên pháp y tại Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh, mà tập trung hoạt động giám định pháp y vào tổ chức giám định pháp y thuộc ngành Y tế để bảo đảm tính khách quan, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, theo các đại biểu này, trong bối cảnh các tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh thuộc ngành Y tế chưa được kiện toàn đầy đủ do nhiều yếu tố. Ở một số địa phương, giám định pháp y thuộc ngành Y tế chưa thể đảm đương ngay được toàn bộ nhiệm vụ giám định pháp y (bao gồm cả giám định pháp y trên người sống và giám định tử thi), nên cần có lộ trình phù hợp. Đặc biệt, việc xác định bước chuyển tiếp, thời hạn thực hiện chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn từ bộ phận pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh sang tổ chức giám định pháp y thuộc ngành Y tế phải trên cơ sở điều kiện thực tế của từng địa phương.

Xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp ở mức độ nào?

Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn, có nên xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, cho phép các giám định viên tư pháp có đủ điều kiện thành lập văn phòng giám định tư pháp ở tất cả các lĩnh vực, để thực hiện giám định tư pháp theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và yêu cầu của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

Đa số ý kiến đại biểu cho rằng, việc thành lập tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập là loại hình dịch vụ mới, cần có lộ trình phù hợp.

Đại biểu Thích Thanh Quyết (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, xã hội hóa giám định tư pháp là chủ trương đúng đắn, cần có bước đi thận trọng, quy định rõ xã hội hóa ở lĩnh vực nào, xã hội hóa đến đâu.

Cùng ý kiến, đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) đề nghị, nên giới hạn xã hội hóa giám định tư pháp, sau đó trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm để có hướng thực hiện tốt hơn.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa ( đoàn Đà Nẵng) đồng tình với quy định mở rộng quyền cho đương sự trực tiếp yêu cầu giám định tư pháp nhằm tạo sự bình đẳng trong quan hệ tố tụng và phù hợp với cải cách tư pháp. Đại biểu này còn đề nghị mở rộng hơn nữa đối tượng được yêu cầu giám định tư pháp. Nên quy định đương sự trong các loại án kinh doanh, thương mại và lao động; người bị hại trong vụ án hình sự cũng có quyền yêu cầu giám định. Như vậy mới bao quát được đầy đủ các lĩnh vực xét xử, bảo vệ công lý. Tuy nhiên, để tránh việc đương sự lợi dụng sự thông thoáng này để kéo dài quá trình xét xử, trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình; đại biểu Nghĩa cho rằng, chỉ nên cho phép yêu cầu giám định trong thời hạn giải quyết vụ án.

Không đồng tình với việc xã hội hóa hoạt động giám định pháp y bao gồm cả việc giao cho đương sự được trưng cầu giám định, đặc biệt là đối với các vụ án hình sự, những vấn đề liên quan đến hành chính và kể cả một số vấn đề liên quan đến dân sự là ý kiến của đại biểu Hồ Trọng Ngũ ( đoàn Vĩnh Long).

Về phạm vi hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp (GĐTP) ngoài công lập, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi các tổ chức GĐTP ngoài công lập bao gồm cả 3 lĩnh vực cơ bản là: Pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự và các lĩnh vực khác như: Giám định chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm; tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chưa nên quy định nội dung này vào dự thảo Luật./.


Theo HNMO- H