Nâng cao năng lực ứng phó cho người dân
(Baonghean) Cũng như nhiều địa phương khác ở miền Trung, hàng năm Nghệ An phải chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão, lũ lụt, lốc xoáy... gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Đã đến lúc các cấp chính quyền và người dân cần thay đổi nhận thức, sớm đề ra các giải pháp cụ thể để chủ động hơn trong việc ứng phó với thiên tai, bão lũ.
(Baonghean) Cũng như nhiều địa phương khác ở miền Trung, hàng năm Nghệ An phải chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão, lũ lụt, lốc xoáy... gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Đã đến lúc các cấp chính quyền và người dân cần thay đổi nhận thức, sớm đề ra các giải pháp cụ thể để chủ động hơn trong việc ứng phó với thiên tai, bão lũ.
Theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, trong vòng gần 10 năm (từ năm 2002-2011), Nghệ An là địa phương đã hứng chịu 26 cơn bão, 23 trận lũ lụt. Bão, lũ đã cướp đi sinh mạng của 272 người, làm 149 người bị thương; 925 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi, 84.262 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, di dời, 102.995 ngôi nhà bị ngập; 59 tàu thuyền bị đánh chìm; 3.342 công trình, 2.568.916m3 đất, 50.084m3 đá, bê tông bị hư hỏng. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.039 tỉ 632 triệu đồng.
Người dân xóm 1, xã Hưng Nhân - Hưng Nguyên dự trữthức ăn cho gia súc.
Hẳn chúng ta còn nhớ, mùa mưa lũ năm 2011, do ảnh hưởng cơn bão số 2, trong các ngày 24, 25/6/2011 trên địa bàn huyện Kỳ Sơn xuất hiện trận lũ lịch sử khiến hàng trăm ngôi nhà, cơ quan nhà nước, trường học ngập sâu hơn 5m. Thời điểm đỉnh lũ, mực nước đo được tại Thị trấn Mường Xén là 145,49m, cao hơn mực nước lịch sử xảy ra tại huyện này năm 2005 là 3,34m. Cùng thời gian sau đó, vào ngày 22/7/2011, cơn lũ quét bất ngờ lại xảy ra tại xã Bắc Lý, nhấn chìm một vùng rộng lớn với hàng chục ngôi nhà, cuốn trôi 17 căn nhà, làm sập và hư hỏng nhiều căn nhà khác cùng trường học và trạm y tế. Rất may không có thiệt hại về người. Theo người dân địa phương, trên 30 năm nay chưa từng xảy ra trận lũ như vậy.
Thực tế lũ, lụt ngày càng xảy ra bất thường, ngoài tác động của biến đổi khí hậu, còn có nguyên nhân trực tiếp là do việc chặt phá rừng đầu nguồn. Mặt khác, việc quy hoạch, xây dựng các công trình phục vụ dân sinh như: đường giao thông, công trình thủy lợi, thủy điện, trường học, cụm- khu công nghiệp, các điểm tái định cư, khu dân cư mới... còn nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến dòng chảy tự nhiên. Và điều đáng nói là ở những địa phương thường xuyên bị thiên tai, người dân đã không chuẩn bị tốt tâm lý chủ động cũng như không có kinh nghiệm trong việc ứng phó với tình trạng lũ, lụt bất ngờ, dẫn đến những hậu quả khó lường về người và tài sản.
Theo ông Nguyễn Hữu Nhung - Chi cục phó Chi cục Đê điều&PCLB tỉnh, để ứng phó với thiên tai, bão lũ, người dân phải luôn chủ động ứng phó với mưa lũ hàng năm, tính toán các phương án tại chỗ, nhất là không được chủ quan, phải tự giác chuẩn bị những gì cần thiết nhất trong thời gian mưa lũ để có thể ổn định cuộc sống mà không phải di tán đến nơi khẩn cấp. Như ở xã Hưng Nhân - nơi được xem là vùng "rốn lũ" của huyện Hưng Nguyên, một trong những cách được người dân nơi đây chọn đối phó với lũ những năm vừa qua mang lại hiệu quả quan trọng bước đầu là nâng cao nền nhà và làm cồn chống lũ.
Xã có trên 900 hộ dân, trong đó gần 500 hộ đã xây dựng được cồn chống lũ. Cùng với việc nâng nền nhà lên cao so với mặt bằng địa hình thì thời gian qua, các gia đình đã làm chạn bếp, xây dựng cồn chống lũ trên mái nhà. Nhờ vậy, đợt lũ lịch sử trong tháng 10/2010, người dân xã Hưng Nhân không phải đưa trâu bò, lợn, gà ra bờ đê, mà hộ chưa có thì gửi ở các gia đình đã có. Do đó thiệt hại về tổng đàn gia súc, gia cầm của xã cũng giảm rất nhiều. Thế nhưng, mong muốn chung của chính quyền và người dân đó là tỉnh, huyện sớm lập một dự án "sống chung với lũ" cho địa phương, đầu tư cho mỗi xóm xây dựng một nhà văn hóa hai tầng để bình thường làm nơi sinh hoạt, hội họp của người dân, khi lũ về thì giúp cho người già, trẻ em có nơi tránh lũ...
Để đạt được mục đích bảo vệ an toàn cho người dân, ngoài ý thức, sự chủ động của người dân thì các cơ quan chức năng, nhất là các cấp chính quyền cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin cần thiết liên quan kịp thời đến bão, lũ; đồng thời Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ người dân ở các vùng thấp trũng sống chung với lũ an toàn. Thời gian qua, ngoài công tác tổ chức, chỉ đạo ứng phó, cứu trợ khắc phục hậu quả, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm nhẹ thiên tai.
Chuẩn bị áo phao sẵn sàng ứng phó với mưa bão.
Đặc biệt, tỉnh đã đầu tư xây dựng một số công trình như: xây dựng các hồ chứa, trạm thủy điện ở thượng nguồn (Nhà máy Thủy điện bản Vẽ, Khe Bố, hồ bản Mồng là 3 công trình có khả năng cắt lũ cho hạ du); nâng cấp các hồ chứa ở cụm hồ Đô Lương, cụm công trình thủy lợi Anh Sơn; hoàn thành 10 công trình chống sạt lở ở bờ sông và tiến hành xây dựng 5 dự án kè chống sạt lở; củng cố, nâng cấp hệ thống đê điều ở lưu vực sông Cả, đê biển, đê sông nội đồng; xây dựng các khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão ở Lạch Quèn; xây dựng 3 nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai ở Hưng Nhân (Hưng Nguyên), Thành Sơn (Anh Sơn), Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu); triển khai chương trình nạo vét kênh tiêu thoát lũ ở sông Mơ (Quỳnh Lưu), kênh Nhà Lê (Diễn Châu)...
Thời gian tới sẽ đề xuất với cấp trên tiếp tục hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện một số công trình như: xây dựng nhà tránh bão, nhà cộng đồng chống lũ cho các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn; nâng cấp hệ thống đê điều, công trình chống sạt lở và các đường cứu hộ, cứu nạn phòng tránh lụt bão; hoàn thành 3 khu neo đậu tàu thuyền, xây dựng cống giữ ngọt Bến Thủy...
Xuân Thống