Phát huy vai trò của nhân dân trong chỉnh đốn Đảng
(Baonghean) - 4 nhóm giải pháp đưa ra trong Nghị quyết TƯ 4, vai trò của nhân dân, mối quan hệ giữa tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên với nhân dân được nêu đi nêu lại nhiều lần.
Ở nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng, Nghị quyết nêu rõ: “Định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý kiến xây dựng Đảng thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Trong nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, Nghị quyết cũng đề ra giải pháp thứ năm: “Trong năm 2012 ban hành quy chế giám sát (trực tiếp và gián tiếp) của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và chính quyền các cấp…”.
Thực tế cho thấy, cán bộ, đảng viên tốt, xấu; bản thân cán bộ, đảng viên có lạm dụng chức quyền; gia đình và cán bộ, đảng viên có đoàn kết xây dựng gia đình văn hóa, gần gũi với nhân dân, gương mẫu thực hiện nếp sống văn hóa, có đóng góp cho thực hiện quy ước, hương ước, có biểu hiện khác thường về thu nhập… hay không, nhân dân đều biết rõ. Do vậy, không phải ngẫu nhiên trong xã hội, từ rất lâu đã hình thành tâm lý hoài nghi đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên có chức quyền. Vẫn biết, tâm lý đó của nhân dân là do một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tư tưởng, song cha ông đã đúc rút: “Con sâu làm rầu nồi canh” và điều xấu thường lan truyền nhanh hơn điều tốt.
Để thực sự “vì sự tồn vong của chếđộ” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu, chúng ta cần phải thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp như Nghị quyết đã nêu, trong đó cần chú trọng và phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng. Chi bộ (hoặc đảng bộ) định kỳ phải tổ chức lấy ý kiến, góp ý của quần chúng đối với cán bộ, đảng viên và với tổ chức đảng. Khi tổ chức lấy ý kiến các tổ chức quần chúng, chi bộ cần thực hiện nghiêm túc, tránh bệnh hình thức; đảng viên phải thật sự cầu thị, không nóng nảy, thiếu tôn trọng quần chúng.
Nhận được những ý kiến góp ý của quần chúng đối với đảng viên và tổ chức đảng, chi bộ cần ghi chép đầy đủ và đem vào nội dung sinh hoạt chi bộđể các đồng chí đảng viên trong chi bộ biết, quán triệt thực hiện. Đồng thời, chi bộ cần thông báo với tổ chức quần chúng biết việc tiếp thu (hoặc phải trả lời những thắc mắc của quần chúng) những ý kiến đóng góp của quần chúng đối với đảng viên và tổ chức đảng.
Đối với các đảng viên là lãnh đạo sinh hoạt tại các chi bộ cơ quan nhà nước, việc phê bình của tập thể chi bộđôi lúc chưa đạt kết quả thiết thực. Thiết nghĩ, cần đề ra cơ chếđể nhân dân, nhất là tại nơi cư trú có thểđóng góp ý kiến. Dĩ nhiên, song hành với quá trình lấy ý kiến của nhân dân, phải giữ vững các nguyên tắc trong Đảng, trong đó có nguyên tắc tập trung dân chủ. Đồng thời, đảng bộ, chi bộ phải thường xuyên nhấn mạnh nhiệm vụ của đảng viên đối với quần chúng nhân dân: gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng, phát huy quyền làm chủ, nắm vững tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Dẫu vậy, để nhân dân góp ý xây dựng Đảng đạt kết quả cao trước mắt sẽ có rất nhiều khó khăn. Nhân dân muốn góp ý xây dựng Đảng, phê bình đảng viên phải thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Tuy nhiên, có lúc, có nơi, vị trí của MTTQ, các đoàn thể chưa tương xứng với tôn chỉ, mục đích; hơn thế, một số cán bộđại diện cho tiếng nói của nhân dân lại chưa đủ thẳng thắn để tiếp thu, lấy ý kiến và đặc biệt là thiếu dũng khí truyền đạt tinh thần đấu tranh.
Thiết nghĩ, đã đến lúc phải định ra một cơ chếđể nhân dân có thể trình bày ý kiến của mình về xây dựng Đảng, góp ý phê bình tổ chức đảng, đảng viên trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng, không phải là hạ bệ, công kích. Đây cũng chính là con đường thực hiện tâm nguyện “ý dân lòng Đảng” mà bấy lâu chúng ta thường quan tâm vế “ý Đảng lòng dân”.
Nguyễn Mạnh Hà