Cả nhà cùng học theo Bác
(Baonghean) - Đến xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu), hỏi nhà thầy giáo Đậu Xuân Tiêu, từ em bé cho đến cụ già đều nhiệt tình dẫn đường, ai cũng nói “Nhà thầy Tiêu có thư viện sách và ảnh về Bác Hồ, cả xã ai cũng biết”.
Học Bác ngay từ khi còn nhỏ
Năm 1930, do quá nghèo khổ, gia đình cậu bé Tiêu phải bỏ làng ra đi. Để cầm cự, người mẹ đã phải nhai châu chấu nuôi con. Nhờ có cách mạng, có Đảng và Bác Hồ, cuộc đời của gia đình cậu bé Tiêu đã bước sang trang mới. Với những gì người mẹ kể lại, hình ảnh Bác Hồ trở thành ông Tiên trong suy nghĩ của cậu bé Tiêu. Theo lời dạy của Bác “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, “diệt giặc đói và giặc dốt”, ngoài việc giúp mẹ công việc đồng áng, cậu bé Tiêu còn ra sức thi đua học tập với các bạn cùng trang lứa.
Nhờ chăm chỉ học hành, năm 1954, Đậu Xuân Tiêu được cử đi học tại khu học xá Trung ương ở Nam Ninh (Quảng Tây - Trung Quốc). Trở về nước, theo tiếng gọi của Đảng, chàng trai trẻ xứ Nghệ xung phong lên huyện miền núi Lục Ngạn (Bắc Giang) để đem cái chữ đến cho những người nghèo. Lương của một thầy giáo mới ra trường không cao, nhưng hàng tháng thầy Tiêu vẫn dành một khoản tiền để xuống tận hiệu sách huyện tìm mua các loại sách báo. Qua sách báo, nghe đài, thầy giáo trẻ Đậu Xuân Tiêu càng khâm phục tài năng, đức độ, lòng yêu nước, thương dân của Bác và từ đó anh sưu tầm các bài viết, tranh ảnh về Bác để cất giữ làm tài liệu nghiên cứu và giảng dạy. Cảm mến đức tính đó của “thầy đồ Nghệ”, cô gái xứ Kinh Bắc Nguyễn Thị Dinh đã kết tóc se duyên và trở thành “người giúp việc tận tuỵ” cho thầy Tiêu trong việc sưu tầm, lưu giữ các tài liệu về Bác Hồ.
Lập thư viện cho mọi người cùng học
Năm 1971, về dạy học tại huyện nhà, từ tủ sách, báo của mình, thầy Tiêu đã dành hẳn một gian nhà để hình thành nên thư viện “Sách và ảnh về Bác Hồ” phục vụ các bạn đồng nghiệp, các em học sinh và hàng xóm láng giềng. Theo thầy Tiêu thì đây là gia tài quý nhất mà ông đã tích cóp từ thời trai trẻ với hàng nghìn tờ báo, hàng trăm quyển sách, tài liệu quý và trên 400 bức ảnh về Bác Hồ được xuất bản trong và ngoài nước qua các thời kỳ như: Bài Điếu văn của BCH Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô, ảnh Bác Hồ đăng trên tờ hoạ báo Liên Xô năm 1969, tập hợp các bài báo của Bác Hồ đăng trên báo Nhân Dân... Tất cả các tư liệu, hình ảnh đều đã úa màu thời gian nhưng được sắp xếp rất ngăn nắp và khoa học theo từng thể loại, từng thời kỳ, rất dễ cho người đọc lựa chọn.
Bức ảnh Lời Điếu văn của BCH Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đăng trên họa báo Liên Xô khi Bác mất, được thầy Tiêu lưu giữ cẩn thận.
Thầy Tiêu tâm sự: “Họ đi nước ngoài thường mua cái nọ, cái kia, nhưng tôi thì mang về toàn sách là sách, trong đó có rất nhiều bài báo, tranh ảnh viết về Bác. Tôi rất thích đọc sách, báo, nhất là các tác phẩm của Bác Hồ. Cuốn “Nhật ký trong tù” của Bác tôi thuộc từ lúc còn trẻ. Thấm thía những lời dạy của Bác, tôi càng nghĩ càng thấy hay và mong muốn chia sẻ với mọi người, trước hết là truyền thụ cho học sinh, đó cũng là lý do mà tôi lập nên thư viện này”.
Thấm vào nếp sống thường ngày
Tâm đắc với lời dạy của Bác: Có đạo đức cách mạng thì trong hoàn cảnh nào cũng kiên quyết đấu tranh, chống mọi kẻ thù; ra sức học tập, cải tiến công tác. Có lần thấy những sai phạm trong công tác giáo dục ở huyện nhà, thầy Tiêu đã viết bài đăng báo phản ánh. Mặc dù bị trù dập nhưng ông vẫn đấu tranh và tìm ra lẽ phải để cuối cùng đã chấn chỉnh được tình trạng đó. Trong những năm tháng dạy học, từ những lời dạy của Bác, vợ chồng thầy Tiêu đã ra sức thi đua “dạy tốt, học tốt”, những bài giảng văn của thầy Tiêu được các đồng nghiệp nhận xét là “làm sống dậy từng con chữ, từng nhân vật”.
Học tập tinh thần “tăng gia sản xuất” của Bác, tuy làm nghề giáo nhưng thầy Tiêu vẫn là một “gương làm kinh tế giỏi”. Để có đồng ra, đồng vào nuôi con ăn học, trước đây, vợ chồng thầy còn tranh thủ nuôi thêm bò, hươu, đào ao nuôi cá, trồng rau, những khoản này cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Từ tấm gương, sự chỉ bảo của bố mẹ, 4 người con của thầy Tiêu (2 trai, 2 gái) đều học tập và làm theo lời Bác từ những việc nhỏ hàng ngày. Đến nay, họ đều trở thành những công dân có ích cho đất nước. Vợ chồng anh con trai đầu đều tốt nghiệp thạc sỹ ở nước ngoài, hiện là trung tá đang công tác ở Bộ Quốc phòng, người con trai thứ hai là hiệu trưởng Trường cấp 1 Quỳnh Thắng. Hai cô con gái, một người là hiệu phó Trường cấp 1, một người là giáo viên dạy văn cấp 2. Các cháu nội ngoại mỗi lúc rảnh rỗi đều về “thư viện” để được nghe ông kể chuyện về Bác Hồ.
Về hưu, có thời gian, thầy Tiêu theo dõi khá kỹ tình hình thời sự trong nước và quốc tế cũng như đời sống của người dân trong tỉnh. Từ những kiến thức học được qua sách báo, thầy đã dành thời gian nghiên cứu kỹ các văn kiện từ tỉnh đến Trung ương rồi viết thư góp ý. Nhiều ý kiến đóng góp của thầy Tiêu đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Về lĩnh vực giáo dục, ông cũng nhiều lần gửi thư đóng góp ý kiến. Trong thư Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An gửi ông ngày 4/12/1996, có đoạn viết: “Thay mặt lãnh đạo ngành xin chân thành cảm ơn những ý kiến tâm huyết góp ý xây dựng Nghị quyết T.Ư 2 khóa VIII và xin ghi nhận những ý kiến đó trong việc chỉ đạo sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh, đồng thời báo cáo lên cấp trên tham khảo. Chúng tôi kính mong ông với kinh nghiệm đã tích lũy được đóng góp thêm nhiều ý kiến, góp phần đưa sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo có thêm những bước phát triển mới đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Đến nay thầy Tiêu đã có hẳn một quyển sách dày trên 200 trang A4 lưu giữ 63 bài viết, góp ý cho các cấp từ huyện đến Trung ương về những vấn đề xã hội, những ý kiến phê bình khuyết điểm của các cấp. Thầy Tiêu cho biết, đó cũng là một cách để xây dựng đất nước, bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng, của Bác Hồ.
Năm nay thầy giáo Tiêu đã bước sang tuổi 84, nhưng mỗi sáng mai, trước bàn thờ gia tiên có đặt tượng Bác Hồ ở vị trí trang trọng, hai bên treo những lời dạy của Bác, thầy Tiêu lại cùng con cháu bật tivi làm lễ chào cờ (lễ chào cờ vào lúc 6 giờ sáng hàng ngày được phát trên VTV1), để được ngắm lá cờ Tổ quốc tung bay trên Quảng trường Ba Đình - nơi Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập.
Có người nói: Thầy Tiêu làm như vậy là lẩm cẩm, nhưng với thầy, tấm gương đạo đức của Bác, những báu vật mà thầy gom góp lưu giữ và truyền bá, phổ biến hàng chục năm nay, cả việc chào cờ, tưởng niệm Bác mỗi buổi sáng đã thấm vào máu thịt, trở thành nếp sống như cơm ăn, nước uống thường ngày.
Tạm biệt quê hương Quỳnh Thạch, tôi thầm nghĩ, tấm gương học tập và làm theo đạo đức của Bác Hồ của thầy Tiêu còn ít người biết đến, như là ngọc ở trong đá vậy!
Đức Dũng