Bài 2: Mẹ đào củ mài lấy tiền gọi điện cho con

17/04/2012 14:54

Phóng sự điều tra
(Baonghean) - Sau cơn lũ năm ngoái, nước khe rút, chị Vi Thị Mạy từ chòi lội khe về nhà, không thấy con, chị chạy khắp nơi khóc gọi con, ngỡ con vô khe tìm mẹ bị lũ cuốn. Khi biết con bị bán đi Trung Quốc, gia đình chị đã làm đơn kiện lên công an xã nhưng "họ" bảo chị phải rút đơn kiện thì chị mới được tiền 30 triệu đồng...

Mới tháng Tư mà trời ở miền Tây nóng "như rang". Cho đến lúc nhá nhem tối, chúng tôi mới tìm được đến nhà chị Vi Thị Mạy ở bản Hồng Điện (xã Đôn Phục, Con Cuông). Bản Hồng Điện bị con khe Phèn gấp khúc chảy qua nên chúng tôi phải mấy bận lội khe. May mắn là dịp này nước khe rút. Cán bộ xã cho biết: Mùa lũ, dân bản không thể đi được vì đường này lên Bình Chuẩn đang thi công dở. Nước khe dâng cao, phải làm bè nứa đẩy từng người sang rất nguy hiểm. Thế mà các em học sinh ở đây hằng ngày đi học như vậy. Các em đi bộ 5 - 6 cây số, dậy từ 4 giờ sáng nhịn ăn để đi. Nhiều em đã nói dối bố mẹ đi học, tối không thấy các em về, mới hay các em đã bị lừa bán sang Trung Quốc.

Chị Vi Thị Mạy vừa từ trong khe trở về, áo ướt đẫm mồ hôi. Khi biết "cán bộ tỉnh" về thăm, hỏi đến em Ngân Thị Ứng bị bán sang Trung Quốc, chị bật khóc, nỗi thương con trào dâng được dịp tỏ bày. Chị kể, Ứng là đứa con ngoan của gia đình, năm ngoái cháu 16 tuổi. Bố mẹ đi làm cỏ rẫy cả. Nước lụt, không về nhà được, Ứng ở nhà không vô rẫy. Ở nhà lũ dâng cao, điện lại mất, chị em củ sắn, củ mài qua ngày. Khi hết lụt, chị về, không thấy con. Gạt nước mắt, chị Mạy kể tiếp: "Chị hỏi, hàng xóm nói con chị ôm quần áo đi rồi. Chị nghĩ con đi vô khe tìm mẹ, chị chạy khóc tìm con mãi, sợ bị lũ cuốn. Chị tìm mự Pành (hàng xóm - PV) hỏi, mự Pành nói tìm chị Iu mà hỏi. Chị chạy sang nhà chị Iu ở bản Hồng Thắng - Đôn Phục tìm vì chị Iu có con là Lương Thị Nhung cũng đi Trung Quốc. Chị thấy chị Iu cầm điện thoại chạy ra vườn sau nói chuyện, chị sinh nghi. Răng chị Iu không nói chuyện trước mặt chị mà phải chạy ra vườn, chị chạy theo, chị Iu thấy chị lại không nói điện thoại nữa. Sau này chị mới biết là con Ứng nhà chị đi với Lương Thị Nhung. Chị nói đưa con chị đi Trung Quốc rồi giờ tính răng? Phải có trách nhiệm chứ.

Rồi chị ốm, không dậy được. Chị tìm "bọn chúng". Chị nói phải cho chị liên lạc được với con thì chị mới yên tâm. Chúng nó đưa số điện thoại cho chị. Con Nhung, con Hà hẹn chị xuống Vinh trả tiền. Cả đời chị chưa xuống Vinh lần mô, chị phải bán măng khô, củ mài mãi mới đủ tiền đi xe. Chị xuống bến xe Vinh, nó đưa chị đến nhà nghỉ H.B (Hòa Bình - PV) ở Vinh. Đưa chị đi ăn cơm, chị nhớ bữa ăn đó hết 670.000 đồng. Ăn xong, chị nói: "Dừ chị lấy tiền mô để về, tiền bán con chị mô?". Mỗi đứa rút tiền đưa cho chị, đứa 500.000 ngàn đồng, đứa 700.000 ngàn đồng. Tất cả là 1.200.000 đồng. Chị hỏi đây là tiền chi? Tiền bán con chị à? Hắn nói tiền xe, còn muốn nhận được tiền bán con thì về rút đơn kiện đi. "Mà nếu dì cứ kiện cháu cũng không sợ. Bọn cháu có người bảo lãnh" - Hà nói.



Đơn tường trình gửi Công an xã của ông Ngân Văn Tư
(bản Hồng Điện, Đôn Phục).

Người dân bản cho hay: Trong bản có một số người đã nhận tiền sau khi con đi Trung Quốc, 20 - 30 triệu đồng/người từ những người đưa đi. Chính vì vậy, họ không tố cáo với công an. Nhà chị Mạy không ưng, ông Ngân Văn Tư đã làm đơn kiện lên xã. Chị muốn con về. Chị nói khi mô nhớ con lại gọi điện cho con, "con chị nói muốn về lắm mà không ai đưa về". Chị có được số điện thoại của con từ khi chị yêu cầu N phải cho chị biết số điện thoại con chị, không là chị kiện. Khi chúng tôi hỏi chị lấy tiền đâu mà gọi cho con? chị Mạy nói: Chị cứ đi đào củ mài, vài ngày lại bán được vài chục nghìn, lại nạp vô thẻ, lại gọi được mấy phút. Có lần gặp con qua điện thoại, con gái chị nói, "con xin lỗi mẹ, hay mẹ cứ lấy tiền từ chỗ họ đi, chứ con giờ làm sao mà về được"... Nói rồi chị lấy tay quệt nước mắt.

Chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đến bản Hồng Thắng - Đôn Phục, bởi nhà ông Hoàng Lưu Khê 75 tuổi, có cháu gái là Hoàng Thị Hà (sinh năm 1997) bỏ đi từ nửa tháng nay. Tìm hiểu, ông mới hay Hà đã đi sang Trung Quốc. Lúc đầu ông cũng tính chuyện báo công an, nhưng vì nghĩ cháu mình thích đi nên thôi. Ông Khê cho biết, bố mẹ em Hà, ông Hoàng Văn Tân và bà Lữ Thị Vân, bỏ nhau đã 7 năm nay.

Anh Vi Văn Chung, bản Hồng Thắng lại "mất" vợ khi vợ đi Trung Quốc. Vợ anh là chị Kha Hải Thủy bỏ đi từ tháng 10/2006. Anh Chung kể: "Tôi ốm nặng, 3 tháng liền không nhai được cơm, phải bán đi nhiều tài sản. Hôm đó, vợ tôi dắt 1 con trâu đi bán. Qua một ngày, một đêm không thấy vợ về, tôi cho con đi tìm mới biết vợ đã đi cùng với tiền bán trâu. Một thời gian sau nghe tin vợ đã sang Trung Quốc". Trong đôi mắt trống vắng của cậu con trai Vi Thái Hùng 15 tuổi, dường như vẫn không hiểu tại sao mẹ lại đi mất. Chỉ biết từ lúc đó em phải bỏ học đi bắt cua hoặc kéo gỗ thuê trong làng để kiếm cái ăn.

Chủ tịch xã Đôn Phục - ông Lang Vi Đức khi làm việc với PV cho biết: Tình trạng các thiếu nữ trẻ bị lừa bán đi Trung Quốc đang là điều đáng lo ngại ở xã. Từ đầu năm 2011 đến tháng 3/2012, ở bản Tổng Tiến, Hồng Điện và Hồng Thắng - Đôn Phục đã có 14 người nghi bị bán sang Trung Quốc, như: Lô Thị Ngọc, có chồng là Vi Văn Tuất; Lương Thị Mơ (SN 1995), Lô Thị Hà (1994), Ngân Thị Ứng (1996), Lô Thị Xôi (1997), Vi Thị Tình, Cầm Thị Thu (1996), Vi Thị Hóa (1997), rồi Hoàng Thị Hà (1998), mới 14 tuổi, con ông Hoàng Lưu Khê (người Gia Rai tản cư ra ở bản Hồng Thắng), Kha Thị Tuyết... Riêng 3 tháng đầu năm 2012, số người đi là 8, chủ yếu là học sinh. Nguyên nhân của tình trạng trên là do đời sống dân bản vùng sâu, vùng xa rất khó khăn, việc làm không có, đường sá đi lại gian nan. Nhiều người phụ nữ lấy chồng, chồng nghiện ngập, bị đánh đập rồi bỏ đi Trung Quốc, khi về mua nhà, đeo nhiều vàng bạc, khiến các em nữ mới lớn so sánh, thèm muốn được đổi đời...

Dân bản ai cũng biết câu chuyện buồn mới xẩy ra (tháng 12/2011), ở Đôn Phục - Con Cuông: các em Lương Thị N, Vi Thị H, Lô Thị L (đều sinh năm 1997) đang đi học lớp 9 thì thấy nghỉ học. Cả 3 đứa cùng nhau viết một mảnh giấy: "Con đi làm ăn xa, cha mẹ đừng tìm" rồi bỏ vào thùng gạo của nhà. 3 bà mẹ cùng mở thùng gạo để nấu cơm, thì 2 bà không biết đọc, liền quăng mảnh giấy đi, còn mẹ của Ngà biết đọc, liền chạy đến nhà các bạn hỏi, cũng được biết trong thùng gạo có tờ giấy như vậy. Lập tức gọi điện cho các con, được biết con đã ra Thị trấn Con Cuông. Bố mẹ chạy ra Thị trấn Con Cuông thì các cháu lại bảo đã xuống Diễn Châu, sau đó điện thoại bị tắt. 3 ngày sau, các gia đình mới nhận được tin các con ở Xuân Thành (Hà Tĩnh) đành phải vay mượn tiền đi đón các cháu về.
(Còn nữa)


Hồng Sọc- Hà Phượng