Bài 2: Sớm có giải pháp cứu doanh nghiệp!

24/04/2012 19:24

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nếu tình hình tiếp tục diễn biến xấu, chuyện doanh nghiệp tiếp tục phải ngừng hoạt động là điều khó tránh khỏi. Do đó, để cứu các doanh nghiệp, cứu thị trường lao động, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của doanh nghiệp rất cần sự vào cuộc của nhà nước, các cấp, ngành.

(Baonghean) - Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nếu tình hình tiếp tục diễn biến xấu, chuyện doanh nghiệp tiếp tục phải ngừng hoạt động là điều khó tránh khỏi. Do đó, để cứu các doanh nghiệp, cứu thị trường lao động, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của doanh nghiệp rất cần sự vào cuộc của nhà nước, các cấp, ngành.

Tại Thành phố Vinh, đến đầu tháng 3/2012, trong tổng số doanh nghiệp (DN) được phân cấp trên địa bàn thành phố là 5.520 thì chỉ có 3.424 đơn vị hoạt động, 2.096 đơn vị đóng mã số thuế (MST) do nghỉ, bỏ, ngừng kinh doanh (trong đó, quý I/2012 có 123 DN đóng MST. Hiện có hàng trăm DN không có nghiệp vụ kinh tế phát sinh chỉ duy trì hoạt động trả lương cho người lao động, nhiều DN đã có giấy chứng nhận ĐKKD nhưng không kê khai thuế, không nộp hồ sơ khai thuế. Ông Nguyễn Văn Lành - Đội trưởng Đội tổng hợp kê khai kế toán thuế và tin học (Chi cục Thuế TP. Vinh) cho biết, nhiều DN sau đăng ký thành lập nộp thuế được vài tháng thì ngừng hoạt động. Cán bộ thuế đến tìm thì đã "cửa đóng then cài".

Nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của hàng loạt DN có thể kể ra rất nhiều, từ những tác động khách quan của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đến các vấn đề trong điều hành nền kinh tế và cả nguyên nhân chủ quan từ những yếu kém của mỗi DN. Trưởng phòng ĐKKD (Sở KH&ĐT) cho rằng, trong những năm qua, DN phát triển mạnh nhưng chủ yếu là về số lượng, trong khi đó, chất lượng lại không tỷ lệ thuận với số lượng. Vì những bất cập trong luật mà chỉ cần... 50.000 đồng là người dân có thể dễ dàng đến cơ quan đăng ký kinh doanh thành lập DN. Thành lập DN dễ nên ngoại trừ những yếu tố khách quan, việc nhiều DN làm ăn kém hiệu quả phải ngừng hoạt động là chuyện không có gì lạ. Cũng chung quan điểm đó, một số ý kiến cho rằng, qua khó khăn thử thách, đây cũng chính là cơ hội để sàng lọc, kiểm tra sức khỏe của DN. Việc đầu tư công nghệ thấp, công nghệ lạc hậu; nhận thức về kinh doanh, về quản trị yếu kém, trong kinh doanh nặng về thu hồi vốn mà không chú trọng đến phát triển thị trường, xây dựng chất lượng và thương hiệu có tính chiến lược dài hơi... là nguyên nhân làm DN không đủ cạnh tranh và rất dễ đổ vỡ.

Nguyên nhân nữa khiến nhiều DN phải ngừng hoạt động, phá sản là do khó tiếp cận nguồn vốn, lãi suất quá cao. Ngoài ra, còn do tình trạng dàn trải, thiếu hiệu quả không chỉ trong quyết định đầu tư mà cả trong quyết định cắt giảm đầu tư. Thời gian qua, đầu tư hiệu quả chưa cao, còn dàn trải nên cần thay đổi quan điểm trong đầu tư, theo đó quyết định đầu tư phải dựa trên khả năng nguồn vốn, theo thứ tự ưu tiên có trọng điểm và làm dứt điểm. Vẫn còn thiếu tiêu chí trong phân bổ vốn đầu tư và trong cắt giảm đầu tư công. Sau khi triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ, nhiều công trình ngừng thi công, nếu không được xử lý dứt điểm sẽ gây lãng phí lớn. Cần rà soát, xác định các dự án nào là bỏ hoàn toàn, dự án nào cần phải tiếp tục thi công đến điểm dừng kỹ thuật để bảo quản các phần đã thi công, tránh lãng phí.

Việc DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động là chuyện bình thường bởi đó cũng là một sự thanh lọc. Nhưng khi có nhiều DN cùng lúc ở vào tình cảnh khốn khó, những hệ lụy nó gây ra cho xã hội không phải là nhỏ. Lao động bị nợ lương, nghỉ việc sẽ dễ dẫn đến tăng các tệ nạn xã hội. Trong khi đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động vẫn còn những bất cập. Ông Lê Duy Nhã - Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Xây dựng giao thông Nghệ An băn khoăn: "Hàng năm, người lao động đều tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng khi lao động không có việc, DN làm việc với bên bảo hiểm thì được trả lời là người lao động phải có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động mới được nhận trợ cấp thất nghiệp. Nhưng khó khăn là tạm thời, người lao động không ai muốn phải chấm dứt hợp đồng nên mặc dù trong thời gian khá dài của năm 2011, năm 2012 rất nhiều lao động không có việc phải ngược xuôi tự tìm kiếm việc làm để nuôi bản thân và gia đình nhưng không được hưởng trợ cấp. Chúng tôi cho rằng, đây là thời điểm mà người lao động đã đóng bảo hiểm trợ cấp được hưởng chế độ.

Chính vì vậy, để giải cứu DN, cứu thị trường lao động, ngoài nỗ lực tự thân của các DN, sự vào cuộc tháo gỡ của các ngành chức năng được coi là điều kiện quan trọng giúp các DN trụ vững trong khủng hoảng và duy trì sản xuất, kinh doanh. Theo ông Nguyễn Hữu Nhị - Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Nghệ An thì, tỉnh cần sớm có các nghiên cứu về thực trạng hoạt động và khó khăn của các DN, đưa ra các giải pháp giải quyết các tồn tại. Thực hiện các kế hoạch hỗ trợ DN như giảm lãi suất cho vay, miễn giảm các sắc thuế, giãn nợ... Những động thái đó là hết sức cấp thiết, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trụ vững và phát triển để góp phần bảo đảm an sinh xã hội.


Thu Huyền