Câu đối tặng chủ quán

15/04/2012 16:01

(Baonghean) - Ở Thị trấn Yên Thành có hàng cháo lươn của bà Duyên ngon nổi tiếng cả vùng. Nhà hàng bà Duyên nằm trong con đường nhỏ ở khối 2, nhưng lúc nào cũng đông khách ăn cháo sáng. Khách đến hàng bà Duyên chủ yếu là khách quen. Một số đoàn khách ở xa về Yên Thành, biết tiếng cũng đến thưởng thức cháo bà Duyên...

(Baonghean) - Ở Thị trấn Yên Thành có hàng cháo lươn của bà Duyên ngon nổi tiếng cả vùng. Nhà hàng bà Duyên nằm trong con đường nhỏ ở khối 2, nhưng lúc nào cũng đông khách ăn cháo sáng. Khách đến hàng bà Duyên chủ yếu là khách quen. Một số đoàn khách ở xa về Yên Thành, biết tiếng cũng đến thưởng thức cháo bà Duyên...

Năm 1986, huyện Yên Thành mời nhà thơ Trần Hữu Thung về huyện để dịch một số tài liệu sau các chuyến đi điền dã. Thương nhà thơ thức thâu đêm làm việc vất vả, mấy chị cấp dưỡng cứ sáng sáng đặt cháo lươn bà Duyên đem về cơ quan phục vụ khách, nhưng chỉ bữa đầu, còn những ngày sau nhà thơ cùng mấy anh em tản bộ ra quán, một phần để đỡ vất vả cho chị em, một phần để thưởng thức không khí một vùng quê.

Có một buổi sáng, nhà thơ mời thêm một số bạn thơ: Phan Tường Hy, Nguyễn Xuân Phầu, Hồ Hữu Nại đến huyện chơi để thưởng thức món cháo lươn bà Duyên. Khi đến nhà bà Duyên, mấy anh em được nhà hàng cho xem một vại lươn, cỡ vài yến dự trữ cho ngày sau. Thấy con nào con nấy béo vàng, ai cũng tấm tắc khen.



Quán đèn dầu. Tranh sơn dầu của Thái Vĩnh Thành (Yên Thành)

Bữa ấy, tôi được phân công đi theo để phục vụ điếu đóm. Nổi hứng, tôi gọi nhờ bà Duyên làm theo cho vài đĩa lươn om chuối. Nể trọng các nhà thơ, bà Duyên chọn mấy con to nhất làm nhanh để đãi khách. Rượu nếp nồng nàn, lươn om chuối còn bốc hơi nóng sốt, bánh khô dòn, lại ngồi với mấy người bạn tâm đắc, chuyện nở như ngô rang.

Riêng tôi hơi lo lo vì chỉ đem dư số tiền ăn cháo, còn thiếu tiền thức nhắm. Đối với bà Duyên, tôi có thể ăn chịu bao nhiêu cũng được, mấy ngày cũng được nhưng nghĩ mình là tốp khách đầu tiên đến mở hàng mà thiếu cũng hơi ngại. Tôi ghé tai Phan Tường Hy nói nhỏ với ông, nào ngờ Phan Tường Hy thật thà nói với anh Trần Hữu Thung, anh Thung liền phán: Có chuyện rồi đây! Tôi tưởng anh Thung phật ý, hơi lo, nào ngờ anh ra ngay vế đối: “Ăn cháo bà Duyên đừng để nợ”. Nguyễn Xuân Phầu vỗ đùi khen hay. Hồ Hữu Nại thì nói: Hay nhưng mà khó đối! Trầm ngâm một hồi, Phan Tường Hy mới thốt ra: “Nói điều thiên lệch chẳng vì lươn”. Cả bàn tiệc vỗ tay tán thưởng. Người ra cũng tài mà người đối cũng giỏi, đối được ngay, hợp cảnh, hợp người lại còn chơi chữ nữa. Ông Phầu sốt sắng mời vợ chồng bà Duyên, ông Cán ra nghe câu đối:

- Ăn cháo bà Duyên đừng để nợ;

- Nói điều thiên lệch chẳng vì lươn.

Hai vợ chồng chủ quán mừng lắm, ngỏ ý muốn đãi các nhà thơ bữa tiệc sáng, cả mấy anh em vui vẻ vét túi gửi đủ tiền cho chủ quán...

Đã mấy chục năm rồi, quán cháo lươn bà Duyên Thị trấn Yên Thành sáng sáng vẫn đông khách vào ra. Các anh Trần Hữu Thung, Nguyễn Xuân Phầu, Hồ Hữu Nại đã trở thành hương khói. Phan Tường Hy về hưu ở Diễn Châu, mỗi năm nhờ con chở lên thăm bạn thơ Yên Thành một đôi lần. Mỗi ngày đi qua hàng bà Duyên, tôi lại nhớ đến các anh. Duyên nợ của mỗi kiếp người, duyên nợ văn chương trả bao giờ hết được?!


Ngô Đức Tiến